Nỗ lực xóa bỏ hôn nhân cận huyết
Sáng sớm, đỉnh Giăng Màn mờ sương, đường vào xã Hương Liên, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) hai bên rợp trắng hoa lau. 33 năm trôi qua, kể từ ngày Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Hà Tĩnh phát hiện đồng bào dân tộc Chứt sống trong hang đá, đã đánh dấu một bước ngoặt lớn trong cuộc sống của họ.
Cuộc đời là người lính biên phòng, suốt 23 năm công tác thì đã có gần 20 năm Trung tá Nguyễn Văn Thiên, Tổ trưởng Tổ công tác Biên phòng Rào Tre - Đồn biên phòng Bản Giàng (BĐBP Hà Tĩnh) sinh sống, gắn bó với bà con đồng bào dân tộc Chứt. Từng đứa trẻ cho đến người già trong bản đều xem anh như là người cha, người anh.
Từ không biết chữ, người dân bản Rào Tre đã biết đọc, biết viết, biết lao động, phát triển kinh tế. (Ảnh: Ngân Hà).
Năm 2001, Trung tá Nguyễn Văn Thiên được điều chuyển công tác về Đồn biên phòng Bản Giàng. Anh là 1 trong 5 thành viên tổ công tác đặc biệt thực hiện đề án "Giúp đỡ bà con dân tộc Chứt bảo tồn phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội".
Anh cho hay, thời kỳ đầu, việc vận động, thay đổi nhận thức cho bà con vô vàn khó khăn. Đặc biệt là việc xóa bỏ hôn nhân cận huyết đã ăn sâu, trở thành "truyền thống" của người đồng bào. Tất cả bắt đầu từ số 0: không biết chữ, không biết đọc, không biết lao động sản xuất… Trung tá Thiên cùng anh em BĐBP phải dạy cho bà con từng con chữ đến cách vệ sinh cơ thể.
Trải qua hàng chục năm gắn bó, những người dân tại bản Rào Tre xem Trung tá Thiên là người anh, người cha luôn giúp đỡ họ trong đời sống. (Ảnh: Ngân Hà).
"Chúng tôi phải đến từng nhà để dạy chữ cho bà con. Có khi hết một tuần bà con mới nhớ được một chữ cái. Phải mất rất nhiều thời gian, cầm tay chỉ việc, lực lượng chính quyền địa phương cùng BĐBP phải xắn tay làm trước từ tắm xà bông, cày ruộng, đến đọc chữ… để bà con làm theo, hình thành dần cho họ thói quen sinh hoạt, cách lao động", Trung tá Thiên nói.
Từ việc biết đọc chữ, bà con đồng bào dân tộc Chứt dần nâng cao nhận thức cho con em đến trường. Tất cả người dân tộc Chứt được chính quyền địa phương, lực lượng BĐBP thống nhất đặt tên mang họ "Hồ" với ý nghĩa là con cháu Bác Hồ. Họ của người đồng bào được đặt thành 04 nhánh gồm: Hồ Viết, Hồ Thanh, Hồ Văn, Hồ Đình. Cách đặt họ nhánh là để phân biệt và không để tình trạng hôn nhân cận huyết xảy ra.
Con đường xe duyên
Được làm đại diện họ nhà gái trong lễ cưới cho cặp đôi Hồ Thị Thường (người đồng bào dân tộc Chứt) kết hôn với anh Thái Văn Khải (người Kinh), trú xã Minh Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, ánh mắt Trung tá Nguyễn Văn Thiên long lanh, ngập tràn hạnh phúc.
Đám cưới của cặp đôi Hồ Thị Thường (người đồng bào dân tộc Chứt) kết hôn với anh Thái Văn Khải (người Kinh), trú xã Minh Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình do Trung tá Nguyễn Văn Thiên làm đại diện họ nhà gái. (Ảnh: BĐBP cc).
"Lễ cưới được tổ chức theo nghi lễ truyền thống của người Kinh. Tôi vô cùng xúc động. Mỗi lần đứng ra tổ chức lễ cưới với vai trò đại diện cho nhà trai hoặc nhà gái, tôi lại cảm giác hạnh phúc như chính họ là người thân của tôi. Mừng vì ngoài trách nhiệm là một người lính biên phòng còn là trách nhiệm của một người anh, người bố chứng kiến người em, người con của mình trưởng thành", Trung tá Thiên xúc động.
Theo Trung tá Thiên, hủ tục hôn nhân cận huyết của bà con đồng bào dân tộc Chứt đến nay đã được xóa bỏ hoàn toàn nhưng vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Hiện, tỉ lệ nam trong độ tuổi kết hôn của người đồng bào gấp 3 lần nữ. Trong khi, thực tế, tỉ lệ nữ người dân tộc lấy nam người Kinh cao, còn tỉ lệ nam dân tộc lấy nữ người Kinh thấp. Để tạo ra nhiều nhịp cầu xe duyên hơn nữa, BĐBP đang tiếp tục tạo nhiều cuộc giao lưu với người đồng bào dân tộc Chứt ở Quảng Bình nhằm kết nối cho các cặp đôi.
Những cuộc "xe duyên" mà lực lượng BĐBP làm chủ hôn.
Nằm trong chương trình, đề án xóa bỏ hủ tục hôn nhân cận huyết, tuyến đường dài 18km với tổng mức đầu tư 200 tỷ đồng do Bộ Quốc phòng làm chủ đầu tư, nối bản Rào Tre sang bản Cà Xen (xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) cũng chuẩn bị được khởi công trong năm 2025. Ngoài mục tiêu đảm bảo an ninh quốc phòng, đây còn là tuyến đường xe duyên cho đồng bào dân tộc Chứt ở hai đầu vùng biên tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình.
Ông Nguyễn Sỹ Hùng, Chủ tịch UBND xã Hương Liên, chia sẻ, sau hơn 30 năm nỗ lực xóa bỏ hủ tục hôn nhân cận huyết, chính quyền địa phương đã phối hợp với lực lượng BĐBP tuyên truyền vận động; tổ chức hàng trăm cuộc giao lưu văn hóa giữa người đồng bào dân tộc Chứt với người Kinh và với người đồng bào dân tộc Chứt ở Quảng Bình.
Hủ tục hôn nhân cận huyết được xóa bỏ, những đứa trẻ được sinh ra tại bản Rào Tre mạnh khỏe, được đến trường. (Ảnh: Ngân Hà).
"Sau 33 năm, hủ tục hôn nhân cận huyết tại bản Rào Tre đã được xóa bỏ hoàn toàn. Hiện, đã có 8 cặp kết hôn với người Kinh, 9 cặp kết hôn với người đồng bào dân tộc Chứt tại Quảng Bình. Những đứa trẻ được sinh ra tại bản Rào Tre đều khỏe mạnh, được học tập, có nhiều em đạt kết quả học tập tốt, học lên đại học", Chủ tịch UBND xã Hương Liên nói.
Năm 1991, trong quá trình tuần tra biên giới, tại khu rừng sâu phía Tây của dãy núi Giăng Màn, BĐBP Hà Tĩnh phát hiện tộc người Chứt. Ở nơi thâm sơn cùng cốc, tộc người này sống du canh, du cư trong tận rừng sâu, trong các hang đá; cuộc sống chủ yếu dựa vào săn bắt, hái lượm. Sau nhiều nỗ lực vận động của các chiến sĩ mang quân hàm xanh, tộc người này cũng đồng ý ra khỏi rừng sâu, về sinh sống tại bản Rào Tre từ đó cho đến nay.
Kể từ ngày được BĐBP tỉnh Hà Tĩnh phát hiện đưa về, phối hợp chính quyền địa phương, cuộc sống của người Chứt đang đổi thay từng ngày. Giờ đây, đồng bào Chứt phát triển thành bản với 45 hộ/156 nhân khẩu, đời sống đồng bào người Chứt đang dần ổn định, các tập tục lạc hậu, hôn nhân cận huyết thống tồn tại lâu đời được xóa bỏ.
Bùi Thị Ngân