Bảo dưỡng xe máy thường xuyên sẽ tránh được các sự cố không mong muốn hoặc tránh bị thiệt hại nặng nề khi phải sửa chữa, thay thế phụ tùng. Ảnh: Văn Xuyên/BNEWS/TTXVN
Tuy nhiên, một vấn đề thường gặp khiến không ít người “dở khóc dở cười” giữa hành trình là xe máy bị ì, khó tăng tốc. Tình trạng này không chỉ gây cảm giác nặng nề khi lái xe ở các cung đoạn đường gần, mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, đặc biệt khi di chuyển đường dài hoặc trên các cung đường đèo dốc.
Để giúp người dân có một kỳ nghỉ lễ an toàn và suôn sẻ, bài viết dưới đây sẽ chỉ ra những nguyên nhân phổ biến khiến xe máy bị ì và hướng dẫn cách khắc phục hiệu quả ngay trước thềm kỳ nghỉ.
1. Dấu hiệu xe bị ì, khó tăng tốc
Trước khi khởi hành những chuyến đi xa trong dịp lễ, bạn nên kiểm tra kỹ các dấu hiệu bất thường của xe. Một trong số đó là hiện tượng xe tăng ga chậm, không bốc máy dù đã tăng ga hết cỡ, tiếng máy gằn hoặc khói xả đen. Đây là những cảnh báo rõ ràng rằng động cơ xe đang hoạt động không hiệu quả.
2. Những nguyên nhân khiến xe bị ì, khó tăng tốc
Có nhiều yếu tố khiến xe máy hoạt động kém:
- Bugi yếu hoặc bám muội
Bugi lâu ngày không thay sẽ đánh lửa kém, đốt cháy nhiên liệu không triệt để, làm xe nặng máy, yếu sức vọt.
Theo nhà sản xuất, với xe tay ga, nên vệ sinh lọc gió hoặc thay lọc gió sau mỗi 5.000 – 8.000 km, tùy điều kiện sử dụng. Ảnh: Phú Vinh/BNEWS/TTXVN
- Lọc gió bẩn hoặc bị nghẹt
Lọc gió đóng vai trò như “lá phổi” của xe. Nếu lọc gió bẩn, lượng không khí nạp vào buồng đốt bị hạn chế, gây mất cân bằng tỷ lệ hòa khí, dẫn tới hiện tượng "nghẹt thở", làm xe ì và khó tăng tốc.
- Dầu nhớt đã xuống cấp
Dầu nhớt đóng vai trò bôi trơn và làm mát. Khi dầu nhớt cũ hoặc không đạt tiêu chuẩn, độ ma sát trong động cơ tăng cao, khiến xe bị ì và nóng máy nhanh.
Theo nhà sản xuất, người dùng nên thay dầu nhớt đúng định kỳ (1.000 – 1.500 km/lần với xe số; 1.500 – 2.000 km/lần với xe ga). Ảnh: Phú Vinh/BNEWS/TTXVN
Trước mỗi chuyến đi xa, nếu không thay dầu kịp thời, động cơ sẽ bị ma sát lớn, nhanh nóng và hoạt động ì ạch.
- Hệ thống phun xăng hoặc chế hòa khí hoạt động kém
Ở xe phun xăng điện tử (FI), kim phun bị nghẹt hoặc cảm biến sai lệch sẽ ảnh hưởng đến lượng xăng phun. Ở xe sử dụng chế hòa khí, béc phun bị bẩn sẽ làm sai lệch lượng nhiên liệu nạp, ảnh hưởng hiệu suất đốt cháy, khiến xe không “bốc”.
- Bộ nồi (ly hợp) mòn hoặc dây curoa trượt (với xe tay ga)
Với xe tay ga, bộ nồi bị mòn, dây curoa trượt, chuông nồi kém bám sẽ khiến xe lên ga chậm, ì máy. Đây là nguyên nhân thường gặp ở xe tay ga sau một thời gian sử dụng.
- Lọc xăng hoặc bình xăng bị bẩn
Nếu lọc xăng bị nghẹt hoặc bình xăng có cặn bẩn, lượng nhiên liệu cung cấp không đều khiến động cơ vận hành thiếu ổn định, gây ì máy.
3. Cách khắc phục
Để đảm bảo chuyến đi suôn sẻ trong kỳ nghỉ 30/4 – 1/5, bạn nên chủ động kiểm tra và bảo dưỡng xe theo các bước sau:
Vệ sinh hoặc thay mới bugi định kỳ (thường từ 8.000 – 12.000 km).
Vệ sinh lọc gió hoặc thay lọc gió sau mỗi 5.000 – 8.000 km tùy điều kiện sử dụng.
Bảo dưỡng hệ thống phun xăng điện tử hoặc chế hòa khí, đảm bảo lượng xăng cung cấp chính xác.
Thay dầu nhớt đúng định kỳ (1.000 – 1.500 km/lần với xe số; 1.500 – 2.000 km/lần với xe ga).
Kiểm tra và bảo dưỡng bộ nồi định kỳ với xe tay ga (thường sau 10.000 – 15.000 km).
Làm sạch bình xăng, lọc xăng nếu cần thiết.
Bơm lốp đúng áp suất, kiểm tra phanh, đèn và còi trước khi lên đường.
4. Lưu ý khi di chuyển bằng xe máy dịp nghỉ lễ
Ngoài ra, hãy đưa xe đi kiểm tra định kỳ tại các trung tâm bảo dưỡng uy tín để phát hiện và xử lý sớm các vấn đề liên quan đến động cơ.
Kỳ nghỉ 30/4 và 1/5 thường là thời điểm giao thông đông đúc, dễ xảy ra va chạm nếu xe hoạt động không ổn định. Do đó, việc bảo dưỡng xe máy không chỉ giúp xe vận hành trơn tru mà còn đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình.
Phú Vinh/BNEWS/TTXVN