Xe máy không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải thì xử lý thế nào?

Xe máy không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải thì xử lý thế nào?
3 giờ trướcBài gốc
Những loại xe máy nào phải kiểm định khí thải ngay?
Bộ Giao thông Vận tải vừa ban hành Thông tư 47/2024, quy định đối với các xe mô tô, xe gắn máy có thời gian tính từ năm sản xuất đến 5 năm, chủ xe không phải nộp hồ sơ kiểm định khí thải và không phải mang xe đến cơ sở đăng kiểm để kiểm định khí thải. Theo đó, đối với xe mô tô, xe gắn máy có thời gian tính từ năm sản xuất trên 5 năm thì chủ xe phải mang xe đến cơ sở đăng kiểm để kiểm định khí thải.
Theo Thông tư 47/2024, đối với xe mô tô, xe gắn máy có thời gian sản xuất đến 5 năm, chu kỳ kiểm định khí thải là 60 tháng tính từ ngày xuất xưởng xe mô tô, xe gắn máy. Trường hợp xe mô tô, xe gắn máy trong cơ sở dữ liệu không có thông tin về ngày xuất xưởng thì tính từ ngày 31/12 của năm sản xuất xe.
Kiểm định khí thải xe máy góp phần giảm thiểu ô nhiễm không khí.
Đối với xe mô tô, xe gắn máy có thời gian sản xuất trên 5 năm đến 12 năm, chu kỳ kiểm định khí thải định kỳ là 24 tháng; thời gian sản xuất trên 12 năm, chu kỳ kiểm định khí thải định kỳ là 12 tháng.
Thông tư 47/2024 có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025, tuy nhiên, lãnh đạo Phòng Kiểm định xe cơ giới - Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, đây chưa phải là mốc thời gian bắt đầu thực hiện kiểm định khí thải xe máy tại các cơ sở đăng kiểm.
Theo thống kê của Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải, từ năm 2005 đến 2022, tăng trưởng xe máy tại Việt Nam đạt bình quân khoảng 9,1%/năm. Hiện nay, số lượng xe máy đăng ký trên toàn quốc đạt khoảng 69,2 triệu xe, trong đó có khoảng 45,5 triệu xe đang lưu hành. Xe máy vẫn là phương tiện giao thông chính tại các thành phố lớn như: Hà Nội (84%), TP HCM (91%) và Đà Nẵng (90%). Giai đoạn 2025 - 2030, xe máy dự kiến vẫn sẽ là phương tiện vận tải cá nhân phổ biến, nhưng cũng là nguồn phát thải lớn nhất tại các đô thị.
Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Lê Thanh Nam cho rằng, tại Thủ đô, xe máy đã sử dụng trên 10 năm chiếm 72,58%, làm gia tăng mức phát thải chất độc hại vào không khí. Trong giai đoạn 2025 - 2030, xe máy vẫn sẽ là loại hình vận tải cá nhân thông dụng, phổ biến; tuy nhiên, đây cũng chính là phương tiện phát thải khí thải lớn nhất ra môi trường tại các thành phố lớn.
Theo kết quả từ 3 chương trình đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy tại 3 thành phố: Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng cho thấy, xe trên 5 năm đã có xu hướng vượt tiêu chuẩn khí thải hiện hành và xe trên 10 năm có tỷ lệ phát thải rất lớn. Trong khi đó, xe có tuổi đời trên 10 năm tại cả 3 thành phố đều chiếm tỷ lệ trên 50% tổng số xe mô tô, xe gắn máy trên địa bàn. Cụ thể, ở Hà Nội chiếm 72,58%, tại TPHCM chiếm 68% và tại Đà Nẵng chiếm trên 59%.
Do đó, phần lớn lượng khói bụi độc hại bắt nguồn từ hàng triệu chiếc xe máy cũ lưu thông trên đường hàng ngày, đóng góp vào các nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường đô thị.
Nhận diện xe không đạt chuẩn khí thải bằng cách nào?
Đối tượng chịu tác động mạnh nhất của quy định này sẽ là hàng triệu xe cũ đang lưu hành trên dưới 15 năm, thậm chí trên 20 năm. Sau khi kiểm định, nếu không đủ tiêu chuẩn khí thải theo quy định, số phận của những chiếc xe này sẽ xử lý ra sao? Cơ quan nhà nước có tịch thu phương tiện hay không? Nếu chiếc xe đó là phương tiện kiếm sống duy nhất của người dân, làm thế nào để đảm bảo sinh kế cho họ?
Theo chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông vận tải nhìn nhận, việc kiểm định khí thải không chỉ giúp giảm ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng sống mà còn nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo dưỡng định kỳ phương tiện để đảm bảo tiêu chuẩn khí thải phù hợp cũng như nâng cao chất lượng an toàn phương tiện, đảm bảo an toàn giao thông.
Chúng ta cần phải có cơ chế, cách thức làm sao cho hiệu quả, nên chăng phân loại xe chủ yếu là số km đi lại, nếu dựa vào thời hạn mua xe thì không đúng, không công bằng. "Chiếc xe đã mua mấy chục năm, nhưng không được sử dụng thường xuyên, đi ít, khí thải không vượt mức thì không cần phải kiểm tra, thu hồi. Nếu lấy thời hạn để đo đạc thì mất thời gian, chi phí", TS Thủy bày tỏ.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, không thể định kỳ 12 tháng người dân có thể đem xe đi bảo dưỡng 1 lần, vì đa số dân đều nghèo. Bên cạnh kiểm soát khí thải, Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ, chuyển đổi xe mới hơn. Thậm chí, để hạn chế xe cá nhân, cần tính tới việc phải chi ngân sách hỗ trợ người dân tương tự như chính sách các địa phương trợ giá vé phương tiện công cộng để người dân giảm đi xe riêng, hay miễn giảm thuế để giảm giá xe điện.
Theo chuyên gia, trong lúc chờ hướng dẫn từ cơ quan chức năng, cần phải khảo sát thực tiễn để đưa ra quy định mức độ chất lượng khí thải với xe mô tô, xe gắn máy. Đồng thời có lộ trình rõ ràng, thống nhất để người dân nắm rõ quy định, nâng cao hiểu biết về việc bảo dưỡng phương tiện định kỳ nhằm bảo đảm tiêu chuẩn khí thải và nâng cao chất lượng an toàn phương tiện. Các đơn vị đăng kiểm cũng cần thời gian để kịp chuẩn bị hạ tầng, nhân lực đáp ứng nhu cầu kiểm định.
Tô Hội
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/xe-may-khong-dam-bao-tieu-chuan-khi-thai-thi-xu-ly-the-nao-169241216105437913.htm