Xe máy leo vỉa hè: Trường hợp nào không mất cả tháng lương?

Xe máy leo vỉa hè: Trường hợp nào không mất cả tháng lương?
5 giờ trướcBài gốc
Thế nào là “đi xe máy lên vỉa hè”?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ 2008, vỉa hè là phần đường dành riêng cho người đi bộ và một số mục đích công cộng khác như cây xanh, hạ tầng kỹ thuật. Đây không phải là nơi dành cho phương tiện cơ giới di chuyển, dù chỉ trong thời gian ngắn hay trên quãng đường ngắn. Tuy nhiên, trên thực tế, không khó để bắt gặp tình trạng xe máy leo lên vỉa hè để tránh ùn tắc, vượt đèn đỏ, hoặc đơn giản chỉ vì 'cho nhanh'.
Hành vi này không chỉ xâm phạm không gian an toàn của người đi bộ, mà còn tạo nên sự hỗn loạn và vô kỷ luật trong giao thông đô thị. Đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh, việc chiếm dụng vỉa hè đã trở thành một vấn nạn kéo dài nhiều năm, khiến việc đi bộ trở nên nguy hiểm và bị xem nhẹ.
Mức phạt nặng từ năm 2025
Nghị định 168/2024/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, quy định rõ tại điểm đ khoản 5 Điều 6: người điều khiển xe máy đi trên vỉa hè không đúng quy định sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng. Đây là mức xử phạt gấp 10 đến 15 lần so với mức phạt cũ (tối đa 400.000 đồng theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP), thể hiện sự thay đổi căn bản về cách tiếp cận trong xử lý hành vi vi phạm.
Đặc biệt, theo cơ chế quản lý giấy phép lái xe mới trong Nghị định 168, hành vi này còn bị trừ 2 điểm trên tổng số điểm giấy phép lái xe – vốn được cấp mặc định là 12 điểm/năm. Việc bị trừ điểm không chỉ ảnh hưởng đến hồ sơ cá nhân mà còn có thể dẫn đến việc phải học và thi lại nếu điểm số bị trừ về 0. Đây là một bước tiến trong việc cá nhân hóa trách nhiệm của người tham gia giao thông, thay vì chỉ dừng lại ở việc xử phạt hành chính như trước.
Tình trạng xe máy leo vỉa hè không khó để bắt gặp tại các đô thị lớn, đặc biệt là vào khung giờ cao điểm, vỉa hè gần như trở thành sự lựa chọn thứ hai để xe máy di chuyển, thoát tắc.
Khi nào đi lên vỉa hè không bị phạt?
Không phải mọi trường hợp xe máy đi lên vỉa hè đều là hành vi vi phạm. Pháp luật vẫn cho phép xe máy đi qua vỉa hè trong những trường hợp hợp lý, ví dụ như để vào nhà ở, trụ sở cơ quan, bãi giữ xe, cửa hàng... Điều này được hiểu là sự di chuyển cắt ngang vỉa hè, không mang tính chất chiếm dụng không gian cho mục đích di chuyển dọc kéo dài.
Nếu người điều khiển xe máy chỉ rẽ qua vỉa hè để vào cổng nhà, hoặc ra khỏi nơi đỗ xe hợp pháp, thì đó không phải là hành vi vi phạm. Tuy nhiên, nếu chạy dọc một đoạn vỉa hè chỉ để vượt đèn đỏ, tránh ùn tắc hay đi 'cho nhanh', thì rõ ràng đã vi phạm và sẽ bị xử phạt. Ranh giới giữa 'đi qua' và 'đi trên' vỉa hè chính là yếu tố quyết định tính hợp pháp của hành vi.
Người dân có quyền yêu cầu bằng chứng khi bị xử phạt?
Trong thực tế, nhiều người cho rằng mình chỉ 'tạt vào' hoặc 'đi có vài mét' và không đáng bị phạt, nhưng quy định pháp luật không căn cứ vào độ dài quãng đường mà dựa vào bản chất hành vi. Nếu cơ quan chức năng xác định được phương tiện đã có hành vi điều khiển trên vỉa hè, thì kể cả chỉ là vài giây cũng có thể bị xử lý.
Tuy nhiên, theo Điều 102 Luật Xử lý vi phạm hành chính, người bị lập biên bản hoàn toàn có quyền yêu cầu lực lượng chức năng cung cấp bằng chứng, nhất là trong những trường hợp không bị bắt quả tang trực tiếp. Các bằng chứng có thể bao gồm: hình ảnh từ camera giám sát, thiết bị ghi hình của tổ công tác, hoặc lời khai nhân chứng. Nếu người vi phạm cho rằng việc xử lý là không chính xác, họ có thể khiếu nại hoặc khởi kiện theo đúng trình tự pháp luật.
Điều này góp phần đảm bảo tính minh bạch, tránh việc lạm dụng quyền lực hoặc lập biên bản thiếu căn cứ. Tuy nhiên, nó cũng đòi hỏi người dân phải có kiến thức pháp luật căn bản, bình tĩnh khi làm việc với lực lượng chức năng và biết bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.
CSGT Hà Nội xử lý hành vi điều khiển xe máy đi lên vỉa hè.
Thành Long
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/xe-may-leo-via-he-truong-hop-nao-khong-mat-ca-thang-luong-16925050920105461.htm