Động thái này diễn ra vào thời điểm cuộc xung đột Nga-Ukraine leo thang và Moscow được cho là nhận được sự hỗ trợ trực tiếp từ Triều Tiên. Quyết định của ông Biden đặt ra câu hỏi về sự cân bằng giữa nỗ lực viện trợ Ukraine và nguy cơ mở rộng xung đột, khi chỉ còn vài tháng nữa ông sẽ kết thúc nhiệm kỳ tổng thống.
Mỹ cho phép Ukraine sử dụng Hệ thống tên lửa ATACMS tấn công lãnh thổ Nga. Ảnh: Quân đội Mỹ
Tổng thống Ukraine Zelensky đã dành hơn một năm để vận động Nhà Trắng cho phép Ukraine sử dụng hệ thống ATACMS, với lập luận rằng vũ khí này là cần thiết để đưa cuộc chiến trực tiếp tới nước Nga. Trong khi đó, Tổng thống Nga Putin nhiều lần cảnh báo, bất kỳ hoạt động triển khai vũ khí phương Tây nào trên lãnh thổ Nga sẽ buộc Moscow phải xem xét đến việc trả đũa bằng hạt nhân.
Sự cần thiết về mặt chiến lược?
Hệ thống tên lửa ATACMS của Mỹ có tầm bắn lên tới 300 km. Tổng thống Zelensky cho rằng việc tiến hành các cuộc tấn công xuyên biên giới là điều cần thiết để phá vỡ hoạt động quân sự của Nga và bảo vệ cơ sở hạ tầng của Ukraine. Theo một số thông tin tình báo, trọng tâm trước mắt của Kiev có thể là các đơn vị của Nga đang tập trung ở khu vực Kursk, nơi Moscow chuẩn bị tiến hành cuộc phản công lớn để giành lại lãnh thổ do Ukraine chiếm giữ.
Các nhà phân tích quân sự đã nhấn mạnh giá trị chiến lược của tên lửa ATACMS trong việc nhắm mục tiêu vào những tài sản có giá trị cao nằm sâu trong lãnh thổ Nga. Những tài sản này bao gồm các trung tâm chỉ huy và kiểm soát, trung tâm hậu cần và các điểm tập kết quân đội – vốn là các yếu tố chính làm nên sức mạnh quân sự của Nga. Ông Andriy Zagorodnyuk, cựu Bộ trưởng quốc phòng Ukraine cho rằng những cuộc tấn công này có thể làm gián đoạn đáng kể hoạt động của Nga.
Trong cuộc phỏng vấn với Financial Times, ông Michael Kofman - thành viên cấp cao tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế lưu ý, ngay cả khi ATACMS chỉ được sử dụng ở các khu vực gần biên giới Ukraine, tên lửa này vẫn gây ra mối đe dọa đáng kể đối với lực lượng Nga. Ông Kofman nhấn mạnh: "Loại vũ khí này có thể thay đổi phép tính trên chiến trường, buộc các căn cứ chỉ huy và phòng không của Nga phải lùi ra xa tiền tuyến".
Canh bạc được tính toán kỹ lưỡng?
Quyết định của Tổng thống Biden phản ánh áp lực ngày càng tăng đối với Mỹ trong việc ứng phó các mối đe dọa. Một số thông tin chưa được xác minh cho biết, Triều Tiên đã điều 12.000 binh sỹ tới Nga, đánh dấu sự can thiệp quân sự lớn đầu tiên của nước ngoài vào cuộc xung đột, đã khiến các nhà quan sát phương Tây lo ngại.
Bên cạnh đó, quyết định của ông Biden cũng có thể nhằm củng cố viện trợ quân sự cho Ukraine trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức vào tháng 1/2025. Ông Trump đã hoài nghi về các khoản viện trợ mà Mỹ dành cho Ukraine, đồng thời tuyên bố sẽ sớm chấm dứt xung đột khi lên nhậm chức.
Với việc cho phép Ukraine sử dụng tên lửa ATACMS tấn công lãnh thổ Nga, ông Biden không chỉ giúp Kiev củng cố năng lực phòng thủ mà còn gửi tín hiệu tới các đồng minh như Anh, Pháp và Đức rằng họ có thể xem xét gỡ bỏ các hạn chế tương tự. Cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine Bill Taylor nhận xét, quyết định này có thể mở rộng cánh cửa hỗ trợ của phương Tây, giúp cán cân nghiêng về phía có lợi cho Ukraine.
Rủi ro khi thách thức lằn ranh đỏ của Nga
Theo giới phân tích, quyết định táo bạo của Mỹ có thể dẫn tới những rủi ro đáng kể. Nga nhiều lần cảnh báo nếu phương Tây cho phép Ukraine sử dụng vũ khí của họ tấn công lãnh thổ Nga thì điều này sẽ dẫn đến một cuộc chiến trực tiếp giữa Nga với NATO. Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố ông sẽ đáp trả tương xứng song không nêu rõ Moscow sẽ sử dụng biện pháp nào,
Các blogger quân sự Nga cho rằng quyết định, của Washington có thể buộc các lực lượng Nga phải đánh giá lại vị trí và chiến lược phòng thủ của họ. Kênh Telegram Rybar ủng hộ Điện Kremlin lưu ý, việc Ukraine triển khai tên lửa ATACMS để tấn công sẽ gây áp lực buộc Nga phải di chuyển cơ sở hạ tầng quan trọng ra xa tiền tuyến hơn, làm phức tạp thêm hoạt động hậu cần và chỉ huy.
Ngoài ra, không thể không tính đến khả năng xung đột lan xa ngoài biên giới Nga và Ukraine António Guterres, Tổng thư ký Liên hợp quốc kêu gọi các bên kiềm chế, đồng thời nhấn mạnh rằng xung đột phải được giải quyết theo luật pháp quốc tế. Việc đưa ATACMS vào cuộc xung đột có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng giữa các đồng minh NATO nói riêng và trong cộng đồng quốc tế nói chung, đặc biệt là khi các cường quốc như Trung Quốc và Ấn Độ tìm cách duy trì sự trung lập.
Quyết định của Biden cho phép Ukraine sử dụng tên lửa ATACMS tấn công lãnh thổ Nga có thể đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc chiến, đặc biệt là khi Kiev tìm cách đảo ngược những thành quả mà Nga đạt được trên chiến trường trong thời gian gần đây. Bằng cách nhắm mục tiêu vào các lực lượng Nga bằng tên lửa ATACMS, Ukraine có thể trì hoãn các cuộc tấn công mà Moscow đang lên kế hoạch và khiến đối phương phải chịu tổn thất lớn.
Tuy nhiên, sự thay đổi chính sách này cũng tạo tiền đề gây gia tăng căng thẳng giữa NATO và Nga, đồng thời dẫn tới những hậu quả khó lường đối với an ninh toàn cầu. Khi nhiệm kỳ tổng thống của Biden sắp kết thúc, câu hỏi đặt ra là liệu động thái táo bạo này có củng cố vị thế của Ukraine hay chỉ khiến cuộc xung đột thêm leo thang.
Hiện tại, việc Mỹ gỡ bỏ rào cản đối với Ukraine về sử dụng tên lửa ATACMS cho thấy những rủi ro cao của cuộc chiến Nga-Ukraine, khi cả hai bên đều nỗ lực định hình chiến trường theo hướng có lợi cho họ.
Quyết định trên cũng đặt ra những thách thức đáng kể đối với Tổng thống đắc cử Donald Trump – người đã tuyên bố "sẽ chấm dứt xung đột Nga-Ukraine trong vòng 24 giờ". Ông Trump và các đồng minh của ông tại Quốc hội không hề che giấu ý định cắt giảm hỗ trợ quân sự cho Ukraine, đồng thời ủng hộ việc gây sức ép buộc Kiev chấp nhận nhượng bộ Nga để nhanh chóng đạt được thỏa thuận hòa bình. Tuy nhiên, việc Tổng thống Joe Biden gần đây cho phép Ukraine sử dụng tên lửa ATACMS của Mỹ để tấn công bên trong nước Nga đã làm phức tạp thêm chiến lược này.
Hồng Anh/VOV.VN (Tổng hợp)