Xe tăng Merkava IV Barak cũng bị tổn thất
Mặc dù được trang bị vũ khí hạng nhẹ, nhưng lực lượng bán quân sự ở Dải Gaza đã gây ra thiệt hại đáng kể cho xe tăng của Israel - nước đã mất hàng chục xe tăng Merkava và hàng trăm xe bọc thép khác nhau. Các cảnh quay về các cuộc tấn công thành công xe tăng Israel đã được công bố nhiều lần kể từ khi nước này bắt đầu xâm lược Gaza vào tháng 10/2023.
Xe tăng Merkava IV Barak. Nguồn: Militarywatchmagazine.com
Các cuộc tấn công của lực lượng bán quân sự địa phương thường liên quan đến việc gắn thuốc nổ như mìn từ tính vào xe tăng của Israel, kết hợp với lựu phóng. Đầu tháng 7, hai người Palestine tiếp cận xe tăng từ phía bên trái, đặt thuốc nổ dưới tháp pháo của xe và rút lui; vụ nổ đã vô hiệu hóa chiếc xe.
Dấu mốc đáng chú ý trong các cuộc tấn công xe tăng của Israel là vụ ám sát Đại tá - chỉ huy Lữ đoàn Thiết giáp 401 của Lực lượng Phòng vệ Israel, ở Bắc Gaza giữa tháng 10. Song song với các hoạt động ở Gaza, đội Merkava của Israel cũng đồng thời chịu tổn thất đáng kể khi hoạt động ở Nam Lebanon chống lại Hezbollah, vốn vẫn được trang bị tốt hơn nhiều so với lực lượng bán quân sự Palestine.
Ngày 15/11, xuất hiện một clip cho thấy cảnh phá hủy xe tăng Merkava IV Barak, một biến thể của Merkava, được đưa vào sử dụng năm 2023 với những cải tiến đáng kể về khả năng nhận thức tình huống và giáp bảo vệ. Các nhóm bán quân sự Palestine hoạt động ở Dải Gaza đã vô hiệu hóa xe tăng, ba trong số bốn thành viên kíp xe thiệt mạng.
Merkava IV Barak luôn được cải tiến
Xe tăng Merkava IV bắt đầu được phát triển năm 1999 và chủ nhân của nó dự tính sẽ thu hẹp khoảng cách về uy lực trước các biến thể cải tiến của tăng T-72 do quốc gia láng giềng Syria triển khai. Israel đưa Merkava IV vào sử dụng năm 2005 và vỏ giáp được coi là có khả năng bảo vệ yếu, chịu tổn thất nặng trước các lực lượng Hezbollah trong một nỗ lực của Israel xâm lược Nam Lebanon vào năm 2006.
Sau đó vào năm 2009, Israel đã cải tiến Merkava IV bằng cách tích hợp hệ thống bảo vệ chủ động mang tên Trophy để chống lại tên lửa chống tăng. Nó sử dụng radar liên tục theo dõi môi trường xung quanh nhằm phát hiện các mối đe dọa đang đến gần, tự động theo dõi các mối đe dọa đó, tính toán quỹ đạo, triển khai đạn bảo vệ để đánh chặn, phá hủy chúng trước khi va chạm.
Biến thể mới được đưa vào sử dụng năm 2023 được gắn một bộ tác chiến điện tử mới, các hệ thống xử lý tiên tiến hơn và lớp giáp tốt hơn để chống lại các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái. Người ta quảng cáo các tính năng của nó trên các phương tiện truyền thông của Israel và phương Tây như một 'siêu xe tăng' tương lai với mức độ sống sót đặc biệt cao, mặc dù chỉ một số lượng nhỏ được sản xuất.
Trong số các tính năng đáng chú ý nhất của Merkava là vũ khí năng lượng định hướng được lắp đặt để chặn máy bay không người lái, cảm biến thu thập mục tiêu tự động, camera 360 độ và hệ thống trí tuệ nhân tạo hỗ trợ kíp lái xác định và ưu tiên các mục tiêu.
Người ta thiết kế xe tăng để hoạt động trong mạng với máy bay không người lái trinh sát trên không. Máy bay không người lái sẽ truyền dữ liệu cho kíp xe theo thời gian thực về các mối đe dọa tiềm ẩn bao gồm cả các thiết bị nổ tự chế, cũng như sử dụng trí tuệ nhân tạo và các hệ thống tăng khả năng sống sót được cải thiện cùng màn hình hiển thị gắn trên mũ bảo hiểm kiểu máy bay chiến đấu nhằm sử dụng tốt hơn các cảm biến mới.
Xe tăng tích hợp thêm các cảm biến liên tục theo dõi tình trạng cơ học của xe, cho phép bảo trì dự đoán để giảm thời gian chết. Mặc dù chi phí của xe không được biết rõ, nhưng mức độ phức tạp của các hệ thống con tích hợp đã khiến một số nhà phân tích ước tính, đây là loại xe tốn kém nhất thế giới, mặc dù thiết kế Merkava có từ những năm 1970. Merkava IV Barak được thiết kế để cải thiện đáng kể khả năng sống sót và được coi là đỉnh cao của gần năm thập kỷ nghiên cứu.
Đối mặt với xe tăng Merkava mới, lực lượng bán quân sự ở Dải Gaza không có vũ khí chống tăng tiên tiến và phụ thuộc nhiều vào các thiết bị nổ tự chế, lựu phóng tương đối cơ bản như RPG F7 của Triều Tiên. Điều này trái ngược hoàn toàn với đối thủ khác mà lực lượng mặt đất của Israel hiện đang giao tranh - lực lượng bán quân sự Hezbollah của Lebanon.
Hezbollah không chỉ chứng minh được khả năng tiên tiến của máy bay không người lái mà còn triển khai cả tên lửa chống tăng với khả năng tấn công từ trên xuống - tương tự như hệ thống Javelin của Mỹ đang được sử dụng rộng rãi ở Ukraine. Mặc dù được trang bị vũ khí hạn chế, lực lượng bán quân sự Palestine vẫn gây ra thiệt hại đáng kể cho xe tăng Israel kể từ khi bùng nổ giao tranh toàn diện ngày 7/10/2023.
Mặc dù Israel có thể bổ sung các phương tiện phòng không và tác chiến trên không với sự hỗ trợ của các đồng minh phương Tây, nhưng thực tế là xe bọc thép độc đáo của quốc gia này chưa được xuất khẩu. Israel vẫn đi trước các đồng minh trong NATO rất xa trong việc tích hợp nhiều thiết bị tiên tiến vào xe tăng chủ lực của mình đồng thời đã nhận được các hợp đồng lớn về tích hợp hệ thống Trophy lên xe tăng Leopard 2A8 của Đức và xe tăng M1A2 SEPv2 Abrams của Mỹ.
CTV Lê Ngọc/VOV.VN (tổng hợp)