Các hãng xe Trung Quốc đã quảng bá rầm rộ về những tính năng lái xe tự động tiên tiến trong một thời gian dài. Tuy nhiên, Chính phủ nước này vừa ra quyết định đã đến lúc phải chấm dứt điều đó. Cụ thể, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc (MIIT) vừa ban hành các hướng dẫn nghiêm ngặt mới nhằm siết chặt việc thử nghiệm công khai, quảng bá cũng như sử dụng các công nghệ lái xe tự động.
Theo một văn bản được lan truyền rộng rãi, các quan chức Trung Quốc đã tổ chức một cuộc họp vào hôm 16/4/2025 về việc quản lý phương tiện kết nối thông minh và công bố loạt quy định hạn chế sâu rộng đối với công nghệ lái xe tự động. Động thái này diễn ra sau vụ tai nạn nghiêm trọng vào cuối tháng 3/2025 khi một chiếc ô tô điện Xiaomi SU7 đang chạy ở chế độ tự lái gây tai nạn khiến 3 người tử vong.
Xe tự lái bị siết chặt sau tai nạn của ô tô điện Xiaomi SU7 khiến 3 người thiệt mạng.
Một trong những quy định mới được đưa ra là gần như cấm hoàn toàn các chương trình thử nghiệm cho công chúng tiếp cận sớm với các tính năng lái xe tự động. Giới chức địa phương tuyên bố: “Mọi thử nghiệm công khai, dù là với hàng nghìn hay hàng chục nghìn người dùng, đều phải thông qua các kênh phê duyệt chính thức”. Điều này đồng nghĩa với việc chấm dứt các chiến lược như đội “trải nghiệm” gồm 1.000 người của Xiaomi để thử nghiệm các tính năng tự lái.
Trung Quốc cũng cấm sử dụng các cụm từ như “lái xe tự động” và “lái xe thông minh” trong các chiến dịch quảng bá. Thay vào đó, các hãng xe buộc phải sử dụng cụm “hỗ trợ lái xe cấp + số” theo phân loại mức độ tự động hóa của SAE và phải tuân thủ nghiêm ngặt các định nghĩa này.
Ngoài ra, các hãng xe sẽ không còn được phép cung cấp các tính năng lái xe tự động không giám sát như đỗ xe tự động, triệu hồi xe bằng một chạm hoặc đỗ xe từ xa. Lý do là vì nhà sản xuất không thể đảm bảo người lái luôn chú ý và duy trì an toàn khi vận hành. Do đó, “những tính năng này sẽ không được phê duyệt cho sản phẩm”.
Một hệ quả không mong muốn khác của quy định mới là người dùng sẽ không thể vô hiệu hóa các hệ thống giám sát người lái. Mục tiêu là nhằm phát hiện nếu người lái rời tay khỏi vô lăng. Nếu tay người lái không trở lại vô lăng trong vòng 60 giây, xe sẽ phải thực hiện “chiến lược giảm thiểu rủi ro” như giảm tốc và dừng lại, bật đèn cảnh báo hoặc tấp vào lề.
Tần suất cập nhật phần mềm qua mạng (OTA) cho các tính năng lái tự động cũng bị chỉ trích. MIIT khuyến nghị các hãng xe “giảm số lần cập nhật OTA và cải thiện quản lý rủi ro phiên bản”. Điều này đồng nghĩa với việc các hãng cần có thời gian xử lý lỗi trước khi tung ra bản cập nhật. Các bản cập nhật khẩn cấp giờ đây sẽ phải được đăng ký như một đợt triệu hồi và cần sự phê duyệt từ cơ quan quản lý thị trường quốc gia.
Những quy định mới này được đưa ra vào thời điểm không mấy thuận lợi với các hãng xe bởi nhiều công ty có thể đã lên kế hoạch giới thiệu công nghệ lái xe tự động mới tại triển lãm Ô tô Thượng Hải 2025 diễn ra từ ngày 23/4 tới đây. Quy định cũng tạo thêm rào cản cho Tesla khi công ty này đang đặt mục tiêu đưa bộ tính năng tự lái hoàn toàn (Full Self-Driving) vào thị trường Trung Quốc trong quý trước.
Các quy định mới đặc biệt ảnh hưởng đến những công ty đã tự định vị mình là người dẫn đầu trong công nghệ lái xe tự động, bao gồm Huawei, Xpeng, Li Auto và Nio. Đồng thời, chúng cũng có thể mang lại lợi ích tiềm năng cho các nhà sản xuất ô tô truyền thống, những người đã tiếp cận công nghệ tự lái một cách thận trọng hơn.
Nguyễn Anh