Thảo luận tổ 15 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Yên Bái, Quảng Trị, Bình Thuận, Bình Phước) sáng 22.11. Ảnh: Hạnh Nhung
Đa số ĐBQH nhất trí tán thành cao với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành.
Theo ĐBQH Khang Thị Mào (Yên Bái), qua 16 năm thực hiện, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần định hướng sản xuất, tiêu dùng, ổn định nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, qua đánh giá, Luật đã xuất hiện một số tồn tại, vấn đề phát sinh cần được xem xét, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung, thể chế hóa kịp thời pháp luật mới, phù hợp với thực tiễn cuộc sống.
Góp ý cụ thể với đối tượng chịu thuế, tại điểm a, khoản 1, Điều 2 về thuế đối với thuốc lá, đại biểu Khang Thị Mào đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu tăng mạnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá. Thực tế, tiêu dùng thuốc lá ở Việt Nam gây ra những gánh nặng về bệnh tật, tử vong, kinh tế ở cả cấp độ gia đình và quốc gia.
Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam có trên 15,6 triệu người hút thuốc lá, chiếm 22,5% dân số; đồng thời là quốc gia có số lượng người sử dụng thuốc lá đứng thứ 15 trên thế giới, với lượng tiêu thụ hàng năm khoảng 4 tỷ bao thuốc lá.
Điều này đồng nghĩa, mỗi năm xã hội phải bỏ ra khoảng 49.000 tỷ đồng để mua và khoảng 108.000 tỷ đồng dành cho các chi phí y tế liên quan đến thuốc lá. Nguyên nhân chính là do mức giá và thuế thuốc lá ở Việt Nam ở mức thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Nêu rõ thực tế trên, đại biểu đề nghị cần thay đổi chính sách thuế thuốc lá theo hướng bổ sung thuế tuyệt đối cùng với thuế tương đối đang áp dụng để chuyển sang hệ thống thuế hỗn hợp với mức đủ lớn. Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo cần xem xét, nghiên cứu, bổ sung đối tượng chịu thuế là thuốc lá điện tử.
Cũng theo quy định tại điểm b và điểm c, khoản 1, Điều 2 về rượu bia, đại biểu Khang Thị Mào cho rằng, hiện nay tiêu dùng rượu, bia ở Việt Nam vẫn tiếp tục gia tăng, đặc biệt là trong giới trẻ, gây ảnh hưởng lớn đến y tế, kinh tế và gia tăng các vấn đề về xã hội. Giá rượu, bia của Việt Nam cũng rất rẻ, sức mua tăng mạnh.
Thời gian qua, việc tăng thuế để tăng giá các mặt hàng rượu, bia đã được chứng minh là có tác động mạnh đến giảm nhu cầu sử dụng. Do vậy, để đạt được mục tiêu kép vừa nâng cao sức khỏe của nhân dân vừa tăng thu ngân sách nhà nước, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia lên 85% ngay sau khi dự thảo Luật có hiệu lực thi hành, và mỗi năm tăng thêm 5%, đạt mức tối đa 100% vào năm 2029, bao gồm cả rượu dưới 20 độ.
“Theo tính toán của các tổ chức khoa học, nếu tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia trên 20 độ từ mức 65% hiện nay lên mức 85%, thì lượng tiêu thụ sẽ giảm khoảng 150 triệu lít bia và khoảng 3 triệu lít rượu; đồng thời, thu ngân sách nhà nước tăng thêm khoảng 10.000 tỷ đồng”, đại biểu Khang Thị Mào phân tích.
Ngoài ra, liên quan đến điểm k, khoản 1, Điều 2 quy định về vàng mã, hàng mã, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét tăng thuế vàng mã, hàng mã lên 80% để người dân hạn chế việc đốt vàng mã tràn lan, ồ ạt như hiện nay, gây lãng phí và giúp nhà nước thực hiện chính sách điều tiết tiêu dùng, giảm thiểu việc tiêu dùng hoang phí vào những loại hàng hóa, dịch vụ xa xỉ và không quá cần thiết.
ĐBQH Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) phát biểu tại họp tổ. Ảnh: Hạnh Nhung
Tham gia góp ý với khoản 1, điểm c, Điều 2 về đối tượng chịu thuế, ĐBQH Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) nêu rõ, hiện nay trên thị trường bia có nồng độ là đối tượng chịu thuế, vậy đối với loại bia 0 độ, thì có thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt hay không cần quy định rõ ngay trong Luật.
Cũng tại điểm g, khoản 1, Điều 2 quy định xăng các loại là đối tượng chịu thuế. Thực tế, hiện mỗi lít xăng đã "gánh" 6 loại thuế, phí, như thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức. Do đó, đại biểu đề nghị xem xét có nên áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng hóa xăng hay không?
Liên quan đến đối tượng không chịu thuế tại Điều 3, đại biểu Hoàng Đức Thắng cho rằng tại điểm d, khoản 2, lại dùng từ “để” bán tại cửa hàng miễn thuế theo quy định của pháp luật thay vì dùng từ “đã”. Bởi, tại thời điểm nhập khẩu thì hàng hóa đó được xác định để bán tại cửa hàng miễn thuế, chưa phát sinh hoạt động đã bán tại cửa hàng miễn thuế.
Về giá tính thuế, tại khoản 1, khoản 7, Điều 6, đại biểu đề nghị bổ sung cụm từ “quản lý”, theo đó sửa cụm từ “cơ quan thuế” thành “cơ quan quản lý thuế” để bảo đảm thống nhất với Luật Quản lý thuế hiện hành.
ĐBQH Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) phát biểu. Ảnh: Hạnh Nhung
Góp ý với giá tính thuế, ĐBQH Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) cho rằng, tại khoản 1 Điều 6 quy định: “Đối với hàng hóa sản xuất trong nước, hàng hóa nhập khẩu là giá do cơ sở tổ chức, cá nhân sản xuất, cơ sở tổ chức, cá nhân nhập khẩu bán ra. Trường hợp giá bán của tổ chức, cá nhân sản xuất, tổ chức, cá nhân nhập khẩu bán ra không theo giá giao dịch thông thường trên thị trường thì cơ quan thuế thực hiện ấn định thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế…”.
Đề nghị ban soạn thảo xem xét, làm rõ cụm từ “ giá giao dịch thông thường trên thị trường” hoặc cách xác định giá giao dịch thông thường trên thị trường để làm căn cứ cho các cơ quan thực hiện.
Hạnh Nhung