Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2024, được xuất bản bởi Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO), xếp hạng 133 nền kinh tế dựa trên năng lực và hiệu quả đổi mới.
Báo cáo năm 2024 nêu bật sự trỗi dậy của các nền kinh tế mới nổi trong bảng xếp hạng, thách thức vị thế dẫn đầu của những cường quốc truyền thống.
Để tóm tắt kết quả GII năm nay, trang Visual Capitalist đã trực quan hóa điểm số của từng nền kinh tế bằng cách sử dụng bản đồ nhiệt. Những quốc gia có điểm số thấp nhất được thể hiện bằng sắc xanh đậm. Khi điểm tăng lên thì màu dần chuyển thành xanh lá cây và sau đó là màu vàng.
Phương pháp
GII đo lường mỗi nền kinh tế dựa trên 7 trụ cột đổi mới chính, tổng cộng bao gồm 78 chỉ số. Chúng được tổng hợp như bảng dưới đây:
Điểm GII tổng thể được tính toán dựa vào điểm trung bình của 7 trụ cột trên.
Những quốc gia đổi mới sáng tạo nhất
Trong 14 năm liên tiếp, Thụy Sĩ được vinh danh là quốc gia đổi mới sáng tạo nhất thế giới. Giống như năm ngoái, Mỹ đứng thứ ba theo chỉ số GII.
Về trình độ phát triển của thị trường và doanh nghiệp, Mỹ lần lượt xếp hạng nhất và nhì. Tuy nhiên, điểm số tổng thể của siêu cường số một thế giới bị kéo xuống bởi cơ sở hạ tầng - với thứ hạng 30.
Chủ đề chính trong báo cáo GII năm nay là các quốc gia có thành tích vượt trội so với mức độ phát triển. Việt Nam là một trong số ba quốc gia đứng đầu hạng mục này, cùng với Ấn Độ và Moldova.
Đáng chú ý là Việt Nam đã luôn có kết quả đổi mới sáng tạo cao hơn so với mức độ phát triển kể từ năm 2011 đến nay. Thứ hạng của Việt Nam năm 2024 là 44 trên 133 quốc gia, tăng hai bậc so với năm trước.
Điểm số các trụ cột của Việt Nam cao hơn các quốc gia cùng nhóm thu nhập trung bình thấp, thậm chí còn vượt qua nhóm thu nhập trung bình cao, với ngoại lệ là vốn nhân lực và nghiên cứu.
Đặc biệt, Việt Nam có ba chỉ số đứng đầu thế giới là nhập khẩu công nghệ cao, xuất khẩu công nghệ cao và xuất khẩu hàng hóa sáng tạo (tính theo tỷ trọng thương mại).
Những điểm đáng chú ý khác
Báo cáo GII 2024 cũng cung cấp cái nhìn sâu sắc về thực trạng đổi mới toàn cầu hiện nay. Điểm nổi bật thứ nhất là tiến bộ công nghệ. Cụ thể, tốc độ tiến bộ về công nghệ xanh đang tụt hậu so với mức tăng trưởng trung bình trong thập kỷ. Thách thức chính ở lĩnh vực này là giảm mức tiêu thụ năng lượng của siêu máy tính.
Thứ hai là áp dụng công nghệ. Mạng 5G, robot và xe điện đều chứng kiến mức độ thâm nhập ngày càng tăng.
Thứ ba và cuối cùng là tác động kinh tế xã hội. Báo cáo cho thấy một số bước lùi. Ví dụ, số người rơi vào tình trạng nghèo khổ vẫn cao hơn so với năm 2018, một phần do đại dịch COVID-19, còn tuổi thọ dự kiến thì không được cải thiện so với năm 2015.
Giang