Xếp hàng tiêm vaccine phòng sốt xuất huyết

Xếp hàng tiêm vaccine phòng sốt xuất huyết
5 giờ trướcBài gốc
Ngay khi có vaccine, chị Trần Thị Thảo (ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã đặt lịch và đưa cả gia đình đi tiêm vaccine
Chủ động phòng bệnh bằng vaccine
Chị Thảo cho biết, mùa dịch năm 2022, mẹ chị đã phải nằm viện cấp cứu vì sốt xuất huyết và suýt nữa nguy hiểm đến tính mạng do tụt tiểu cầu. Kể từ đấy, chị Thảo luôn mong ngóng, tìm kiếm thông tin về vaccine sốt xuất huyết.
"Khi VNVC thông tin chuẩn bị có vaccine sốt xuất huyết, tôi đã đặt lịch tiêm cho cả nhà và mong chờ đến ngày được tiêm. Hầu như tuần nào tôi cũng nhắn tin lên fanpage để hỏi tình trạng của vaccine", chị Thảo cho biết.
Theo chị Phạm Hương Tình, 40 tuổi (quận Long Biên, Hà Nội), mỗi mùa dịch sốt xuất huyết đều là nỗi ám ảnh với gia đình chị vì khu vực nơi gia đình sinh sống dù đã tích cực tiêu diệt loăng quăng, bọ gậy nhưng vẫn có rất nhiều muỗi.
"Không chỉ riêng gia đình tôi mà kể cả người thân, họ hàng sinh sống quanh khu vực cũng có nhiều người bị mắc sốt xuất huyết, hầu như đều phải nằm viện để điều trị. Rất may là đã có vaccine nên cả gia đình tôi đi tiêm. Khi tiêm về thì không thấy ai có biểu hiện như sốt hay mệt mỏi", chị Tình chia sẻ.
Theo PGS.TS Trần Thanh Tú, Phó Giám đốc Trung Tâm Quốc tế (Bệnh viện Nhi Trung ương), sốt xuất huyết gây ra bởi virus Dengue với 4 tuýp huyết thanh DENV-1, DENV-2, DENV-3, DENV-4.
Không có miễn dịch chéo giữa các tuýp huyết thanh này, nên người đã mắc một tuýp vẫn có thể bị nhiễm bởi các tuýp khác. Vì vậy, một người có thể mắc tối đa 4 lần sốt xuất huyết trong đời, mỗi lần do một tuýp huyết thanh khác nhau gây ra, lần sau thường nặng và dễ gặp nguy hiểm hơn lần trước.
Dịch sốt xuất huyết vẫn chưa "hạ nhiệt"
Dù đã cuối mùa dịch, tuy nhiên số ca mắc sốt xuất huyết trên cả nước vẫn đang tiếp tục tăng và diễn biến phức tạp. Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Cát Phương Vũ, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM), tại khoa truyền nhiễm của bệnh viện, trung bình mỗi ngày tiếp nhận từ 10 đến 12 ca có biến chứng, nguy cơ biến chứng nhập viện điều trị.
Còn tại khoa khám chữa bệnh, mỗi ngày có thể tiếp nhận 50-60 bệnh nhân có biểu hiện của sốt xuất huyết đến thăm khám. "
Những ca chưa cần nhập viện chúng tôi đều hẹn tái khám, theo dõi mỗi ngày và phải dặn dò rất kỹ lưỡng, bởi thời điểm này đang có sự gia tăng mạnh. Mới đây, bệnh viện tiếp nhận một bệnh nhi 14 tuổi, quê Bình Thuận, vào cấp cứu trong tình trạng xuất huyết tiêu hóa nặng, nguy kịch. Các bác sĩ đã phải can thiệp nội mạch, điều trị tích cực. Sau hơn 1 tuần, bệnh nhi mới hồi phục", bác sĩ Vũ cho hay.
TS.BS Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM), cho biết bệnh sốt xuất huyết có thể gặp ở trẻ em và người lớn nhưng ở trẻ em, bệnh có nhiều nguy cơ diễn tiến nặng và tỷ lệ tử vong cao do thường dễ nhầm lẫn các dấu hiệu ban đầu với nhiều bệnh lý khác.
Hiện bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu điều trị triệu chứng như lọc máu, thay huyết tương, chống sốc... Chi phí điều trị một ca mắc sốt xuất huyết nặng có thể lên đến hàng trăm triệu đồng.
Chia sẻ về gánh nặng do sốt xuất huyết gây ra tại Việt Nam, TS. Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), cho biết, ở nước ta, trung bình mỗi năm có khoảng 200.000 người mắc sốt xuất huyết và khoảng 40 trường hợp tử vong.
Trong đó, đáng kể nhất là năm 2022, cả nước ghi nhận 367.729 trường hợp mắc, 140 trường hợp tử vong.
"Cách đây 7 năm, Bộ Y tế đã có nghiên cứu đánh giá về tài chính cho công tác phòng, chống sốt xuất huyết. Theo đó, mỗi người nhập viện tốn từ 6 triệu đến 10 triệu đồng, kèm với đó là người nhà đi theo chăm sóc, tạo ra gánh nặng về kinh tế - xã hội rất lớn.
Sau dịch Covid-19, cùng với sự biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, sốt xuất huyết đã không còn diễn biến theo chu kỳ nên chúng ta cần hết sức đề phòng", ông Hoàng Minh Đức nói.
Nhiều chuyên gia kỳ vọng, vaccine sốt xuất huyết được đưa vào sử dụng tại Việt Nam sẽ giúp giảm gánh nặng bệnh tật cho người dân, giảm số ca nhập viện và biến chứng, tránh tình trạng quá tải.
Theo bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ, số mũi tiêm vaccine phòng sốt xuất huyết Qdenga cho người từng mắc bệnh này cũng tương tự như người chưa mắc bệnh. Khuyến cáo tiêm 2 mũi cách nhau 3 tháng, giúp cơ thể sản sinh kháng thể đặc hiệu, chủ động phòng ngừa nguy cơ tái nhiễm bệnh.
Việc chỉ tiêm 1 mũi vaccine sốt xuất huyết thường không đủ để tạo lượng kháng thể cần thiết để bảo vệ cơ thể khỏi virus Dengue.
"Vì sốt xuất huyết có 4 tuýp gây bệnh nên tiêm vaccine cho người từng mắc bệnh còn giúp chặn đứng nguy cơ bệnh diễn biến nặng, biến chứng nguy hiểm và nguy cơ tử vong cao ở những lần tái nhiễm do các tuýp huyết thanh virus sốt xuất huyết khác", bác sĩ Vũ nhấn mạnh.
Bác sĩ Vũ cũng lưu ý, vaccine sốt xuất huyết Qdenga chỉ được tiêm cho trẻ từ 4 tuổi trở lên và người lớn, không dùng cho phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú. Đối với phụ nữ chuẩn bị mang thai, cần hoàn thành phác đồ trước 3 tháng.
Ngoài ra, vaccine sốt xuất huyết cần tiêm cách các vaccine sống ít nhất 1 tháng, ngoại trừ vaccine sốt vàng có thể tiêm đồng thời (vaccine sống gồm: Thủy đậu, sởi đơn, sởi - quai bị - rubella, VNNB Imojev, lao, sốt vàng). Tiêm cách huyết thanh (dại, uốn ván) ít nhất 3 tháng.
- Thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, tính từ ngày 2/12/2024 đến ngày 8/12/2024, địa phương này đã ghi nhận 659 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết. Tổng số ca sốt xuất huyết tích lũy từ đầu năm 2024 đến hết tuần đầu tiên của tháng 12 là 14.193 ca. Trong đó, có 1 ca tử vong.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, tuần đầu của tháng 12/2024, Hà Nội ghi nhận thêm khoảng 605 ca mắc sốt xuất huyết. Tính từ đầu năm 2024 đến nay là trên 8.000 trường hợp mắc và còn tới 45 ổ dịch sốt xuất huyết chưa được khống chế.
- Theo thống kê trong hơn 2 tháng qua, chỉ tính riêng gần 200 trung tâm tiêm chủng của hệ thống VNVC trên cả nước đã có hơn 150 nghìn người tiêm vaccine sốt xuất huyết.
Giá niêm yết cho một mũi vaccine sốt xuất huyết là 1.390.000 đồng.
Anh Đào
Nguồn Phụ Nữ VN : https://phunuvietnam.vn/xep-hang-tiem-vaccine-phong-sot-xuat-huyet-20241218170431171.htm