Nhóm nghiên cứu của giáo sư Matt Loose, Đại học Nottingham, Anh đã phát triển kỹ thuật giải trình tự gen tiên tiến sử dụng thiết bị di động của Oxford Nanopore Technologies. Đây là một thiết bị nhỏ gọn, có thể cầm tay.
(Ảnh: Getty Images)
Phần mềm nhanh chóng phân tích ADN của khối u não bằng cách phát hiện các bất thường về gen và các mẫu methyl hóa - yếu tố then chốt để xác định các loại khối u. Ngoài việc cung cấp kết quả nhanh chóng, phương pháp này cũng tương đối tiết kiệm chi phí so với nhiều xét nghiệm riêng biệt hiện nay, khoảng 450 Bảng Anh cho mỗi bệnh nhân.
Trong giai đoạn đầu, nhóm nghiên cứu thử nghiệm công nghệ trên 30 mẫu mô đã được lưu trữ. Sau đó, họ tiến hành xét nghiệm trực tiếp trên 50 mẫu u não mới lấy từ bệnh nhân. Kết quả cho thấy sau 24 giờ, công nghệ đạt độ chính xác 90%, tương đương các phương pháp hiện tại. Đáng chú ý, khoảng 76% số mẫu có thể được phân loại chính xác chỉ sau 1 giờ, cho thấy khả năng ứng dụng thực tế ngay trong khi phẫu thuật.
Tiềm năng ứng dụng không dừng lại ở chẩn đoán nhanh. Theo nhóm nghiên cứu, trong tương lai, khi đã xác định chính xác loại u, bác sĩ có thể sử dụng liệu pháp nhắm trúng đích ngay trong lúc phẫu thuật. “Chúng ta có thể nghĩ tới việc tiêm thuốc chống u trực tiếp vào vị trí tổn thương trong khi bệnh nhân vẫn đang được gây mê”, GS Loose hy vọng. Ông gọi đây là một hướng đi mới của điều trị ung thư, kết hợp giữa phẫu thuật và hóa dược tại chỗ.
Tuy nhiên, giới chuyên môn cho rằng các ứng dụng điều trị tức thời vẫn cần nghiên cứu thêm.
TS Matt Williams, bác sĩ chuyên khoa ung thư tại Bệnh viện Imperial College NHS Trust, nhận định: “Việc rút ngắn thời gian chẩn đoán chắc chắn có lợi cho người bệnh, cả về tâm lý và tiến độ điều trị. Nhưng điều quan trọng là liệu công nghệ này có thể thay đổi phác đồ điều trị thực tế hay không”.
Dù vẫn đang được hoàn thiện và đánh giá thêm trên diện rộng, kỹ thuật sử dụng công nghệ nanopore đã mở ra một bước ngoặt trong ứng dụng công nghệ sinh học vào thực hành lâm sàng. Nếu được triển khai đại trà, đây có thể là chìa khóa giúp hệ thống y tế không chỉ tiết kiệm thời gian mà còn nâng cao hiệu quả điều trị, mở đường cho các phương pháp điều trị chính xác và cá nhân hóa hơn trong lĩnh vực ung thư thần kinh.
Theo số liệu từ Tổ chức Nghiên cứu Ung thư Vương quốc Anh, mỗi ngày có 34 người tại Anh được chẩn đoán mắc u não, tương đương hơn 12.000 ca/năm. Đối với các dạng u não ác tính, thời gian sống sót có thể chỉ dưới 1 năm, khiến tốc độ và độ chính xác trong chẩn đoán trở thành yếu tố sống còn.
Bình Nguyên