Huyện Thạch Thất
985 học sinh trường THPT Thạch Thất được lấy mẫu xét nghiệm bệnh thalassemia. Ảnh: M.N
Từ năm 2017, TTYT huyện Thạch Thất đã phối hợp cùng với chi cục Dân số Hà Nội, các trường THPT trên địa bàn tổ chức sàng lọc cho 7.098 học sinh và phát hiện 1.365 học sinh (chiếm 19,2%) mang gen và nghi ngờ mang gen thalassemia. Do đó, việc sàng lọc tan máu bẩm sinh là rất quan trọng cho tương lai của các em, cũng là để nâng cao chất lượng dân số.
Thalassemia hay còn gọi là bệnh tan máu bẩm sinh là bệnh chưa thể chữa khỏi, nhưng hoàn toàn có thể tiến hành các biện pháp để hạn chế tỷ lệ trẻ sinh ra hàng năm bị bệnh và mang gen bệnh.
Bệnh tan máu bẩm sinh là một bệnh di truyền bẩm sinh, có đặc điểm là gây tan máu nhiều và thường xuyên dẫn đến thiếu máu mãn tính, gặp ở cả nam và nữ. Bệnh nhân mắc tan máu bẩm sinh phải điều trị suốt đời. Nếu không được điều trị thường xuyên, đầy đủ, sẽ có nhiều biến chứng làm bệnh nhân chậm phát triển thể trạng, giảm sức học tập, lao động. Người mang gen bệnh là người có bên ngoài hoàn toàn bình thường, không có biểu hiện lâm sàng. Do đó, xác suất những người mang gen gặp và kết hôn trong cộng đồng dẫn đến nhiều cặp đôi có nguy cơ sinh con bị bệnh mà không hay biết.
Lấy mẫu xét nghiệm cho học sinh. Ảnh: M.N
Buổi lấy mẫu diễn ra an toàn, hiệu quả, đúng quy trình. Sau khi có kết quả xét nghiệm, Chi cục Dân số Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với công ty Medlatec và TTYT Thạch Thất để tổ chức tư vấn sức khỏe cho học sinh, đặc biệt chú trọng đến các trường hợp được phát hiện mang gen bệnh. Việc này không chỉ giúp các em có kiến thức để tự bảo vệ sức khỏe mà còn có thông tin cần thiết để lên kế hoạch cho tương lai, đặc biệt là trong việc lựa chọn bạn đời.
Minh Nhật