Mức điểm sàn của các trường ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng đào tạo sinh viên. Minh họa: diemsan
Sức nóng của những nhóm ngành tốp trên
Hai ngành của Trường Đại học Sài Gòn đạt mức điểm sàn cao nhất toàn quốc: Sư phạm Lịch sử và Sư phạm Địa lý cùng ở ngưỡng 25 điểm.
Song hành cùng khối sư phạm, Học viện Ngoại giao tiếp tục khẳng định vị thế, đặc biệt với các ngành xét tuyển theo tổ hợp C00 (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí). Các ngành như Quan hệ quốc tế, Luật quốc tế, Truyền thông quốc tế, Luật thương mại quốc tế, Hàn Quốc học, Hoa Kỳ học, Nhật Bản học, Trung Quốc học đều có mức điểm sàn chung là 25 điểm.
Sự "lên ngôi" của các ngành sư phạm và khối ngành quốc tế học ở nhóm điểm sàn cao nhất không chỉ phản ánh xu hướng lựa chọn của thí sinh mà còn cho thấy sự ổn định trong giá trị của các ngành học này. Những ngành học này đòi hỏi kiến thức nền tảng vững chắc, tư duy sâu rộng và thường có tính chất công việc ổn định, được xã hội đánh giá cao.
Một số trường có mức điểm sàn "chạm đáy"
Một số trường đại học có mức điểm sàn thấp kỷ lục. Ví dụ, Trường Đại học Hùng Vương Thành phố Hồ Chí Minh công bố mức điểm sàn xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 chỉ 12 điểm.
Đây là mức thấp nhất tính đến thời điểm hiện, là con số đáng báo động" khi là mức điểm sàn đại học thấp nhất trong hơn 10 năm qua, thậm chí chỉ bằng mức sàn cao đẳng của năm 2015.
Các phương thức khác của trường này cũng ở ngưỡng rất thấp: xét điểm học bạ 15 điểm (theo tổ hợp xét tuyển điểm trung bình năm lớp 12) và xét điểm thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh 560 điểm.
Mức điểm này đặt ra câu hỏi lớn về chất lượng đầu vào, khả năng cạnh tranh của trường và liệu việc hạ thấp ngưỡng có thực sự là giải pháp bền vững dài hạn hay không.
Cũng nằm trong nhóm các trường có mức điểm sàn thấp, Trường Đại học Tài chính - Marketing lấy điểm sàn phương thức xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông là 15 điểm chung cho tất cả các ngành. Mức này đã giảm từ 1-4 điểm so với năm 2024 và là mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua của trường.
Hệ lụy của điểm sàn "thượng vàng hạ cám"
Với những trường có điểm sàn thấp, cánh cửa đại học dường như rộng mở hơn bao giờ hết cho những thí sinh có lực học trung bình.
Ngược lại, đối với những ngành "hot", áp lực cạnh tranh là vô cùng lớn. Thí sinh muốn vào được những ngành này phải thực sự xuất sắc ở các môn trong tổ hợp xét tuyển. Điều này có thể tạo ra một cuộc đua căng thẳng, dẫn đến tình trạng học thêm, luyện thi quá mức, gây căng thẳng tâm lý cho học sinh.
Một hệ lụy đáng lo ngại là việc thí sinh có thể bị "đánh lừa" bởi mức điểm sàn thấp. Nhiều em thấy điểm sàn thấp liền cho rằng dễ đỗ, nhưng thực tế điểm chuẩn trúng tuyển của những ngành/trường đó có thể cao hơn do số lượng và chất lượng hồ sơ nộp vào.
Bên cạnh đó, đối với các trường có điểm sàn quá thấp, việc tuyển sinh dễ dãi có thể dẫn đến chất lượng đầu vào không đồng đều, gây khó khăn cho quá trình đào tạo. Khi sinh viên không có nền tảng kiến thức vững chắc, nhà trường sẽ phải dành nhiều nguồn lực hơn để bù đắp, đồng thời đối mặt với tỷ lệ sinh viên bỏ học hoặc ra trường không đạt chuẩn, về lâu dài sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đào tạo và uy tín của nhà trường.
Ngoài ra, sự chênh lệch lớn về chất lượng đầu vào giữa các trường có thể dẫn đến sự phân hóa rõ rệt về chất lượng nguồn nhân lực sau này. Sinh viên tốt nghiệp từ các trường "top" với đầu vào cao thường có lợi thế hơn trong tìm kiếm việc làm và phát triển sự nghiệp. Còn sinh viên từ các trường có đầu vào thấp có thể gặp nhiều khó khăn hơn, ảnh hưởng đến năng suất lao động và khả năng cạnh tranh của cả nền kinh tế.
Tóm lại, điểm sàn đại học "thượng vàng hạ cám" đòi hỏi sự quan tâm nghiêm túc từ tất cả các bên: Bộ Giáo dục và Đào tạo; các trường đại học; thí sinh và phụ huynh, để đảm bảo chất lượng giáo dục và nguồn nhân lực quốc gia trong dài hạn.
Phan Anh