Xét tuyển đại học 2025: Yếu tố quan trọng nhất khi chọn ngành là 'sự phù hợp'

Xét tuyển đại học 2025: Yếu tố quan trọng nhất khi chọn ngành là 'sự phù hợp'
20 giờ trướcBài gốc
Chỉ còn vài ngày nữa, thí sinh sẽ kết thúc việc đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển trên Hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT.
Thí sinh cần tự phân tích để hiểu rõ bản thân
Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, TS Hoàng Trung Học, Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục nhấn mạnh, yếu tố quan trọng nhất khi thí sinh chọn ngành học là "sự phù hợp", bao gồm: đam mê, năng lực và triển vọng nghề nghiệp.
Chọn ngành đúng giúp các em không chỉ duy trì động lực học tập, mà còn đảm bảo thành công lâu dài trong sự nghiệp tương lai.
Đưa ra lời khuyên giúp thí sinh lựa chọn đúng ngành học, TS Hoàng Trung Học cho rằng trước nhất, các em cần tự phân tích để hiểu rõ bản thân mình: điểm mạnh của bản thân, giá trị em theo đuổi và sở thích nghề nghiệp của em?
Bên cạnh đó, hãy dành thời gian tìm hiểu kỹ ngành học, chương trình đào tạo và môi trường thực hành của những nơi em định đăng ký. Đặc biệt, thí sinh đừng quên lắng nghe tư vấn chuyên gia để đưa ra quyết định đúng đắn trong bước ngoặt quan trọng này.
TS Hoàng Trung Học, Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục. Ảnh: Nguyễn Liên
Để tăng cơ hội trúng tuyển vào các trường đại học, tránh những sai sót đáng tiếc, TS Hoàng Trung Học lưu ý thí sinh theo dõi chính xác thời hạn đăng ký của Bộ GD-ĐT, cũng như các trường.
Kiểm tra kỹ mã ngành và mã trường đào tạo; đặt ngành mơ ước ở nguyện vọng 1, nguyện vọng 2, đồng thời có phương án dự phòng phù hợp.
"Đừng nên bỏ qua bất kỳ cơ hội và nguyện vọng nào trong quá trình xét tuyển", TS Hoàng Trung Học nói.
Cơ hội việc làm rộng mở với ngành Tâm lý học giáo dục và Giáo dục học
Sau khi Bộ Nội vụ ban hành văn bản quy định vị trí việc làm Tư vấn học sinh trong trường phổ thông, năm nay, nhiều thí sinh quan tâm đến lĩnh vực Tâm lý học giáo dục và Giáo dục học.
Theo TS Hoàng Trung Học, cơ hội việc làm trong 2 lĩnh vực này rất lớn. Các nghiên cứu cho thấy, hiện có khoảng 8 - 10% trẻ em gặp khó khăn phát triển như tự kỷ, rối loạn ngôn ngữ, chậm phát triển trí tuệ....
Do đó, nhu cầu nhân lực về tâm lý học đường và giáo dục trẻ tâm lý phát triển tăng mạnh, mở ra cơ hội việc làm ổn định và thu nhập hấp dẫn cho những em lựa chọn 2 ngành học này.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Ảnh: Xuân Quý
Nói về điểm mạnh của Học viện Quản lý Giáo dục khi đào tạo 2 ngành trên, TS Hoàng Trung Học cho biết, Học viện có gần 50 năm lịch sử đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, là một trong ba đơn vị tiên phong đào tạo Tâm lý học giáo dục ở miền Bắc nước ta.
Với triết lý đào tạo khai phóng, trong quá trình học tập, sinh viên được tăng cường thực hành, thực tế, tham gia nhóm nghiên cứu mạnh cùng giáo viên; dự hội thảo quốc gia, quốc tế và công bố bài báo khoa học cùng các thầy.
Đây là lợi thế lớn nếu sinh viên muốn phát triển năng lực nghiên cứu đỉnh cao, hoặc tiếp tục học lên cao học, đi du học sau khi tốt nghiệp đại học.
TS Hoàng Trung Học dự đoán, năm nay, ngành Tâm lý học giáo dục có thể sẽ cạnh tranh hơn, điểm chuẩn tăng nhẹ so với năm trước,
Tuy nhiên, nếu đây là nguyện vọng mơ ước của thí sinh, các em nên mạnh dạn đặt nguyện vọng 1, cơ hội trúng tuyển vào Học viện quản lý giáo dục sẽ cao hơn.
Trường hợp điểm không quá cao, hoặc không đủ tự tin, các em có thể tham khảo ngành gần là Giáo dục trẻ rối loạn phát triển. Về chuyên môn, 2 ngành này giao thoa 60% học phần, mở rộng cơ hội nghề nghiệp và tiếp tục học tập lên cao.
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên học ngành Giáo dục trẻ rối loạn phát triển hoàn toàn có thể đăng ký học lên Thạc sĩ tâm lý học lâm sàng tại Học viện quản lý giáo dục.
"Hãy chọn ngành bằng trí tuệ và trái tim. Với Tâm lý học giáo dục và Giáo dục trẻ rối loạn phát triển, các em không chỉ có cơ hội nghề nghiệp vững chắc mà còn đóng góp giá trị nhân văn to lớn cho xã hội", TS Hoàng Trung Học cho hay.
Nguyễn Liên
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/xet-tuyen-dai-hoc-2025-yeu-to-quan-trong-nhat-khi-chon-nganh-la-su-phu-hop-10381042.html