Bị cáo Nguyễn Tấn Biên (nguyên cán bộ địa chính xã Lộc An, huyện Long Thành) bị Tòa án nhân dân tỉnh xét xử về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ảnh: T.Tâm
Trong đó, tình trạng TNTC len lỏi trong một bộ phận cán bộ, công chức. Điều này không chỉ gây thất thoát, lãng phí tài sản của Nhà nước, gây tổn hại, mất mát đối với người dân, mà còn ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân vào chính quyền.
Xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, tiêu cực
Một vấn đề thực tế diễn ra là song song với sự phát triển kinh tế và việc xây dựng các công trình, dự án trọng điểm lớn của tỉnh cũng xảy ra một số vụ TNTC. Trong đó, một số vụ án xảy ra kéo theo các cán bộ, công chức rơi vào vòng tù tội.
Cụ thể, với Dự án Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành, đã có một số vụ án xảy ra và nhiều cán bộ rơi vào vòng xoáy pháp luật. Mới đây nhất, vào ngày 22-2, liên quan đến sai phạm tại Dự án Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Dự án Sân bay Long Thành, Công an tỉnh đã khởi tố, bắt tạm giam thêm 3 bị can nguyên là lãnh đạo UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Bình Sơn, huyện Long Thành.
Trong quá trình mở rộng điều tra, Công an tỉnh đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Lê Văn Tiếp (47 tuổi, nguyên Chủ tịch UBND huyện Long Thành) để điều tra về hành vi vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Đồng thời, liên quan trong vụ án, một số bị can khác là cán bộ nhà nước cũng bị bắt giữ. Những người này thuộc Tổ Công tác đền bù, hỗ trợ tái định cư Dự án Sân bay Long Thành.
Ngoài ra, Tòa án nhân dân tỉnh đã đưa ra xét xử một số bị cáo. Cụ thể, bị cáo Phạm Viết Mạnh (31 tuổi, nguyên cán bộ Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Long Thành) bị xử phạt 2 năm tù về tội nhận hối lộ và Nguyễn Tấn Biên (46 tuổi, nguyên cán bộ địa chính xã Lộc An, huyện Long Thành) bị xử phạt 15 năm tù cùng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cả Mạnh và Biên đều là công chức nhà nước, dù không có khả năng xin các suất tái định cư nhưng đã nhận tiền của các bị hại để hứa làm hồ sơ cho các suất tái định cư khi thực hiện Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Bên cạnh đó, trong lĩnh vực xây dựng, lập các dự án bất động sản, một số cán bộ đã bị xử phạt với nhiều tội danh như thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng hoặc lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Đơn cử, liên quan đến sai phạm xây dựng 680 căn nhà trái phép tại khu dân cư Tân Thịnh (xã Đồi 61, huyện Trảng Bom), 5 bị cáo nguyên là lãnh đạo, quản lý, nhân viên của Phòng Quản lý đô thị và chuyên viên Phòng Tài nguyên và môi trường huyện Trảng Bom đã sa vào vòng tù tội.
Ngày 28-4, Tòa án nhân dân tỉnh tuyên phạt các bị cáo liên quan đến các sai phạm trong việc xây dựng 680 căn nhà trái phép tại Dự án Khu dân cư Tân Thịnh. Theo đó, về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ: Phan Duy Nghĩa (61 tuổi, nguyên Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Trảng Bom) lãnh 16 tháng tù; Nguyễn Hải Triều (47 tuổi, nguyên Phó trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Trảng Bom) lãnh 15 tháng tù; Lương Quang Huy (46 tuổi, nguyên Phó trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Trảng Bom) lãnh 14 tháng tù; Nguyễn Văn Nhật Huy (48 tuổi, nguyên Tổ trưởng Tổ Quy hoạch xây dựng, Phòng Quản lý đô thị huyện Trảng Bom) 12 tháng tù và Nguyễn Lan Hạnh (40 tuổi, nguyên chuyên viên Phòng Tài nguyên và môi trường huyện Trảng Bom) 14 tháng tù, cho hưởng án treo.
Tại phiên họp thứ 17 vào tháng 3-2025, Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tỉnh yêu cầu các cơ quan chức năng địa phương tăng cường phối hợp đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc TNTC; thực hiện có hiệu quả các quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống TNTC. Đồng thời, tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, những lĩnh vực nổi cộm, bức xúc trong xã hội. Xử lý nghiêm tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho nhân dân.
Ngăn từ sớm hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi
Theo cơ quan chức năng, uy tín của cơ quan nhà nước là kết quả của quá trình hoạt động liêm chính, minh bạch, công tâm vì lợi ích chung. Tuy nhiên, khi xảy ra những vụ án TNTC mà trong đó cán bộ công chức bị truy tố và đưa ra xét xử để lại hệ quả không nhỏ, làm suy giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước.
Đại diện Tòa án nhân dân tỉnh cho hay, thực tế cho thấy, nhiều vụ án TNTC bị phanh phui thời gian qua đều liên quan đến những cán bộ giữ vị trí chủ chốt trong một số cơ quan hành chính, tư pháp, kinh tế. Chỉ vì lòng tham, quyền lực, lợi ích hoặc những sai phạm chủ quan mà một số cán bộ công chức đã đẩy mình vào vòng xoáy pháp luật.
Một trong những nguyên nhân căn bản dẫn đến tình trạng TNTC là do các cá nhân lạm quyền, lợi dụng quyền lực để mưu lợi. Mặt khác là sự suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ công chức nhà nước thiếu rèn luyện đạo đức và dễ bị cám dỗ trước lợi ích vật chất. Đồng thời, việc thiếu kiểm tra, quản lý chặt chẽ cũng góp phần làm cho sai phạm xảy ra hoặc bị phát hiện muộn, không ngăn chặn kịp thời.
Do đó, theo cơ quan chức năng, để giữ vững uy tín cơ quan nhà nước, đấu tranh với nạn TNTC thì cần hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực, kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ công chức; xử lý nghiêm minh đối với hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi nhằm răn đe. Đồng thời, cần lấy nhân dân làm gốc, khuyến khích nhân dân phản ánh, tố giác sai phạm. Thông qua đó, niềm tin của nhân dân được củng cố, góp phần cho sự phát triển bền vững của đất nước cho hiện tại và tương lai.
Tố Tâm