Xét xử phúc thẩm 142 bị cáo trong vụ án đăng kiểm

Xét xử phúc thẩm 142 bị cáo trong vụ án đăng kiểm
2 ngày trướcBài gốc
Phiên tòa được xét xử trực tuyến tại 2 điểm cầu là trụ sở TAND cấp cao tại TP.HCM và Trại tạm giam Chí Hòa (T30), dự kiến diễn ra từ ngày 6-17/1/2025, do Thẩm phán Hoàng Thanh Dũng làm chủ tọa.
Khai mạc phiên tòa phúc thẩm vụ "đại án" Đăng kiểm
Sau khi bản án sơ thẩm được tuyên, có 124 bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Trong khi đó, VKSND TP.HCM kháng nghị đề nghị TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm, tăng mức hình phạt tù giam đối với 18 bị cáo thuộc Phòng kiểm định xe cơ giới (VAR) thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam và một số lãnh đạo, đăng kiểm viên thuộc các trung tâm đăng kiểm tại miền Tây và TP.HCM.
Tại phiên tòa sơ thẩm, hai cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam là bị cáo Đặng Việt Hà bị TAND TP.HCM tuyên phạt 19 năm tù về tội “Nhận hối lộ” và bị cáo Trần Kỳ Hình bị tuyên phạt 19 năm tù về tội “Nhận hối lộ”, 6 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, tổng hợp hình phạt là 25 năm tù.
Bị cáo Trần Anh Quân (quyền Trưởng Phòng VAR), bị tuyên phạt 14 năm tù về tội “Nhận hối lộ”.
Bị cáo Đặng Việt Hà (bìa phải) tại phiên tòa phúc thẩm
Bị cáo Trần Lập Nghĩa (chủ 5 Trung tâm đăng kiểm) bị tuyên phạt 13 năm tù về tội “Nhận hối lộ”; 12 năm tù về tội “Giả mạo trong công tác”; 5 năm tù về tội “Xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác”. Tổng hợp hình phạt, bị cáo Nghĩa phải chấp hành 30 năm tù.
Đối với gần 250 bị cáo khác, tòa tuyên phạt từ một năm tù treo đến 30 năm tù, trong đó 68 người hưởng án treo.
Bản án sơ thẩm xác định, đây là vụ án xảy ra trên phạm vi cả nước, có hệ thống từ cấp lãnh đạo cao nhất đến các phòng ban, trung tâm đăng kiểm địa phương, gây hậu quả nghiêm trọng đến hoạt động quản lý trong lĩnh vực đăng kiểm, ảnh hưởng đến các chính sách pháp luật của Nhà nước, gây mất niềm tin của người dân.
Việc các bị cáo nhận hối lộ, bỏ qua các lỗi kỹ thuật của phương tiện giao thông, dẫn đến nguy cơ gây tai nạn, đe dọa đến sức khỏe, tính mạng của người dân khi tham gia giao thông.
Các bị cáo được đào tạo nghiệp vụ chuyên môn về đăng kiểm, biết sai phạm có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng nhưng vẫn thực hiện là xem thường kỷ cương, pháp luật nên cần xử phạt nghiêm khắc.
Theo bản án sơ thẩm, các bị cáo lợi dụng chức năng quản lý, nhiệm vụ được giao, trực tiếp hoặc gián tiếp nhận tiền hối lộ để bỏ qua các lỗi vi phạm, cấp giấy chứng nhận đăng kiểm... Hàng loạt các tội phạm phát sinh khác do các bị cáo thực hiện cũng là nhằm hợp thức hóa việc nhận hối lộ.
Các bị cáo có mặt tại phiên phúc thẩm.
Đánh giá về vai trò của các bị cáo trong vụ án, Tòa xác định, bị cáo Trần Kỳ Hình với vai trò là Cục trưởng đã không thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao, buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra giám sát để các Phòng trực thuộc Cục Đăng kiểm, Trung tâm Đăng kiểm, Chi cục Đăng kiểm trên cả nước xảy ra sai phạm, tiêu cực có hệ thống trong suốt thời gian dài gây hậu quả nghiêm trọng…
Bị cáo Đặng Việt Hà cũng bị Tòa xác định vì vụ lợi cá nhân, khi phát hiện sai phạm, vẫn tiếp tục đưa ra các chủ trương, chỉ đạo cán bộ Phòng kiểm định xe cơ giới, các Trung tâm Đăng kiểm nhận hối lộ.
Có vai trò sau lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam là các bị cáo thuộc nhóm lãnh đạo và cán bộ tại Phòng kiểm định xe cơ giới (VAR) - nơi có chức năng thẩm định hồ sơ thiết kế cải tạo phương tiện xe.
22 cá nhân gồm Trưởng, Phó phòng và các nhân viên tại phòng chuyên môn này bị cáo buộc về hàng loạt sai phạm.
Minh Đức - Quang Trung
Nguồn Công Lý : https://congly.vn/xet-xu-phuc-tham-142-bi-cao-trong-vu-an-dang-kiem-465630.html