Màn thoát xác thành thương nhân
TAND TP Hồ Chí Minh đang mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại vận tải và Du lịch xuyên Việt Oil (Xuyên Việt Oil). Những lời khai từ người trong cuộc, những đối đáp về đồng tiền, sự cám dỗ, lòng tham đã đánh gục những bị cáo từng “dưới một người, trên vạn người”, như Lê Đức Thọ, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Vietinbank; Đỗ Thắng Hải, cựu Thứ trưởng Bộ Công thương...
Bị cáo Lê Đức Thọ..
…và bị cáo Đỗ Thắng Hải tại tòa.
Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, Công ty Xuyên Việt Oil được Bộ Công thương cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu từ năm 2016. Qua đó, Mai Thị Hồng Hạnh (sinh năm 1979, ngụ Đồng Nai) trở thành thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Đến năm 2023, Xuyên Việt Oil có 15 chi nhánh, 6 cửa hàng kinh doanh xăng dầu và 9 công ty liên quan. Tuy nhiên, kết quả điều tra cho thấy quá trình trở thành doanh nhân thành đạt của bà Hạnh đầy rẫy những sai phạm liên quan cấp giấy phép, quản lý sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG)... “Nữ tướng” này đã rải tiền hối lộ nhiều cán bộ để được làm ngơ các sai phạm và biến hàng ngàn tỷ đồng thành của riêng mang đi đầu tư bất động sản, làm dự án...
Trong quá trình kinh doanh, lợi dụng việc Nhà nước giao thu hộ tiền Quỹ BOG và quản lý, sử dụng quỹ này tại công ty, Mai Thị Hồng Hạnh đã làm trái quy định, chỉ đạo cấp dưới lập khống 81 báo cáo tài chính để đối phó hoạt động thanh tra, giám sát của Bộ Tài chính, Bộ Công thương; chỉ đạo cấp dưới chuyển 219 tỉ đồng là Quỹ bình ổn xăng dầu vào tài khoản cá nhân. Ngoài ra, bị cáo Hạnh còn cố ý không chuyển nộp số tiền thuế bảo vệ môi trường đã quản lý, thu hộ cho Nhà nước dẫn đến mất khả năng hoàn trả lại cho ngân sách nhà nước, gây thất thoát hơn 1.244 tỉ đồng.
Công ty Xuyên Việt Oil do một tay Mai Thị Hồng Hạnh dựng nên, chỉ đạo toàn diện, xuyên suốt, các phó giám đốc là những người nhà, gia đình thân thiết được bị cáo Hạnh đưa vào, đặt ngồi các vị trí chủ chốt nhằm hợp thức hóa bộ máy lãnh đạo. Vì thế, những người này chỉ biết ký và không họp hành gì nên không biết về chủ trương của Xuyên Việt Oil.
Nguyễn Thị Như Phương (sinh năm 1992) xuất thân từ nông thôn, con nhà nghèo ở Quảng Trị có quan hệ họ hàng với Mai Thị Hồng Hạnh. Thấy hoàn cảnh của cháu khó khăn nên bị cáo Hạnh đã đưa vào làm việc tại Xuyên Việt Oil. Ban đầu là kế toán, sau 3 năm, Phương được cho lên ngồi ghế Phó Giám đốc công ty khi chưa tròn 30 tuổi. Trong quá trình làm việc tại Công ty Xuyên Việt Oil, Phương được Mai Thị Hồng Hạnh chỉ đạo ký 18 báo cáo.
Bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh ra tòa với khuôn mặt gầy rộc và xơ xác.
Trả lời câu hỏi của chủ tọa phiên tòa vì sao tài khoản công ty chỉ có hơn 2 triệu nhưng lại ký báo cáo cho Bộ Công thương số tiền lên đến 219 tỷ đồng, bị cáo Nguyễn Thị Như Phương khai không hiểu bản chất của những con số trong báo cáo đó, chỉ biết ký theo chỉ đạo. “Bị cáo chỉ làm công ăn lương theo tháng chứ không hưởng lợi gì thêm từ việc ký vào các báo cáo này. Chỉ đến khi làm việc với Cơ quan Cảnh sát điều tra thì bị cáo mới nhận ra sai phạm của mình”.
Ngoài Nguyễn Thị Như Phương, các phó giám đốc khác của Xuyên Việt Oil đều là người nhà, tình thân đã bị cuốn vào con đường làm ăn phạm pháp của Mai Thị Hồng Hạnh để phải chịu kết cục như ngày hôm nay. Ra tòa, họ nghẹn ngào nức nở, than trách chính bản thân mình vì khờ dại, thiếu hiểu biết mà ra nông nỗi này.
Khi quà là những “viên đạn bọc đường”
Tháng 6/2021, giấy phép Bộ Công thương cấp cho Công ty Xuyên Việt Oil chuẩn bị hết hạn. Do không đủ điều kiện để được cấp lại giấy phép, Mai Thị Hồng Hạnh đã trao đổi, chỉ đạo cấp dưới chuẩn bị tiền hối lộ và đưa hối lộ cho cán bộ, lãnh đạo Bộ Công thương để xin cấp lại giấy phép cho Công ty Xuyên Việt Oil.
Thông qua bị cáo Nguyễn Lộc An (cựu Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương) giới thiệu, Mai Thị Hồng Hạnh liên lạc nhờ Đỗ Thắng Hải (Thứ trưởng Bộ Công thương) giúp đỡ cấp lại giấy phép cho Công ty Xuyên Việt Oil. Hạnh hứa sẽ cảm ơn Đỗ Thắng Hải khi công ty được cấp phép. Bị cáo Đỗ Thắng Hải đã đồng ý và giới thiệu Hạnh liên hệ với Hoàng Anh Tuấn (Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, phụ trách mảng cấp giấy phép kinh doanh xăng dầu) để được hướng dẫn cụ thể. Mặc dù ông Hải biết rõ vào thời điểm đó Xuyên Việt Oil chưa đủ điều kiện cấp lại giấy phép nhưng vẫn nhiệt tình “giúp đỡ”, đồng thời bị cáo Hải điện thoại cho Hoàng Anh Tuấn chỉ đạo sớm xem xét, giải quyết hồ sơ cho Công ty Xuyên Việt Oil.
Bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh liên lạc với Tuấn để nhờ giúp đỡ, qua trao đổi, Hạnh hứa với Hoàng Anh Tuấn gửi chi phí cho việc cấp giấy phép là 300.000 USD. Tuấn đồng ý và tư vấn, hướng dẫn Mai Thị Hồng Hạnh hoàn thiện thủ tục cấp giấy phép. Sau khi tạo điều kiện cho Công ty Xuyên Việt Oil trong cấp giấy phép, Hoàng Anh Tuấn và Trần Duy Đông (Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương) nhận hối lộ của bị cáo Hạnh 250.000 USD và chia tiền tại phòng làm việc.
Trả lời hội đồng xét xử vì sao không nộp hồ sơ theo quy trình thông thường mà lại nhờ lãnh đạo, bị cáo Hạnh cho biết khi đó Xuyên Việt Oil đang ký hợp đồng với một đối tác từ Singapore nhưng hồ sơ xin cấp phép bị bộ phận một cửa trả lại vì không đảm bảo đủ các điều kiện, bao gồm việc thiếu đại lý và nhiều thủ tục khác. Vì thế, thay vì nộp hồ sơ qua đường chính thống thì bà Hạnh nhờ đến sự giúp đỡ từ cấp cao. Bị cáo khai đã trình bày những vướng mắc này với ông Đỗ Thắng Hải. Sau khi giấy phép được phê duyệt, ông Hải chủ động gọi điện thông báo: "Anh vừa ký xong, em liên lạc với bộ phận một cửa để lấy giấy phép". Bà Hạnh đáp lại: "Em cảm ơn anh rất nhiều, hôm nào tiện em ghé thăm anh". Sau đó bị cáo Đỗ Thắng Hải được Mai Thị Hồng Hạnh gặp riêng để đưa quà là 50.000 USD (tương đương 1,1 tỷ đồng).
Ngồi ở hàng ghế sau, bị cáo Đỗ Thắng Hải luôn cúi đầu, để lộ mái tóc đã rụng gần hết. Trả lời về việc nhận quà, bị cáo Hải nói bà Hạnh chủ động, tự nguyện chứ bị cáo không đòi hỏi hay yêu cầu: “Tôi chỉ gặp bà Hạnh khoảng 5 phút và nhận quà. Sau khi đi họp về, mở quà ra, bị cáo mới phát hiện trong túi quà có tiền. Đây là sai lầm lớn nhất đời tôi, khi làm việc với Cơ quan điều tra thì tôi biết nhận quà đó cũng là sai”.
Cứ khi nào bị bắt mới biết mình sai là đặc điểm chung của các bị cáo, khi đứng trước vành móng ngựa, họ đều ngơ ngác nói rằng bản thân do nhận thức chưa đầy đủ, không biết làm như thế là sai... Nhưng, khi nhìn lại vai trò của họ trong bộ máy lãnh đạo luôn là những người đã trải qua quá trình công tác dài, từng giữ các chức vụ trọng yếu mà họ nắm quyền điều hành và chẳng ai có thể nghi ngờ về trình độ, năng lực của họ.
Nguyễn Thị Như Phương từ một cô gái thôn quê nghèo khó bỗng trở thành Phó giám đốc rồi vướng vòng lao lý.
Cũng giống vậy, trước vành móng ngựa, với mái tóc muối tiêu, ông Lê Đức Thọ (cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Vietinbank) già đi rất nhiều so với thời còn trên đỉnh cao quyền lực. Bị cáo Thọ trầm tĩnh, cố giấu khuôn mặt buồn sau lớp khẩu trang. “Tôi rất hối hận về hành vi vi phạm của mình. Tôi nhận sai và xin lỗi về việc này", bị cáo Thọ nói thêm rằng bản thân đã rất chủ động, thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra, mong hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Trong vụ án Xuyên Việt Oil, bị cáo Lê Đức Thọ là người nhận hối lộ nhiều nhất với số tiền hơn 27 tỷ đồng cùng nhiều hiện vật giá trị. Quá trình liên kết, móc nối đưa và nhận hối lộ giữa bị cáo Lê Đức Thọ và Mai Thị Hồng Hạnh diễn ra nhiều lần. Lần đầu tiên vào tháng 1/2019 khi bà Hạnh đến gặp ông Thọ xin cấp giới hạn tín dụng 7.000 tỷ đồng. Được ông Thọ đồng ý, Hạnh đưa cho cựu Chủ tịch Ngân hàng Vietinbank 100.000 USD.
Lần thứ hai, vào năm 2020, khi đó Công ty Xuyên Việt Oil muốn nối lại quan hệ tín dụng với ngân hàng thuộc quản lý của ông Thọ. Do đó, bà Hạnh đã đưa cho ông Lê Đức Thọ 500.000 USD và đổi lại, Chủ tịch Ngân hàng phê duyệt kéo dài giới hạn tín dụng 3.000 tỷ đồng cho công ty.
Năm 2021, ông Lê Đức Thọ Thọ được điều động, phân công giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre. Để nâng cao uy tín bản thân, ông đề nghị Mai Thị Hồng Hạnh thành lập chi nhánh hoặc công ty con của Xuyên Việt Oil tại tỉnh này để nộp thuế nhằm tăng nguồn thu ngân sách cho địa phương. Qua đó, doanh nghiệp sẽ được tạo điều kiện nếu thực hiện các dự án.
Bị cáo Hạnh vì vậy thành lập Công ty Cổ phần Việt Oil tại Bến Tre và xin vay vốn tại ngân hàng ở tỉnh Bến Tre. Ông Thọ đã nhiều lần gặp, gọi điện thoại cho Nguyễn Thanh Trường (Giám đốc Ngân hàng Vietinbank chi nhánh Bến Tre) yêu cầu hỗ trợ Hạnh. Sau đó, ngân hàng đã nhiều lần giải ngân vốn vay cho Công ty Việt Oil tổng cộng 892 tỷ đồng.
Quá trình thực hiện, nhóm ông Lê Đức Thọ có 3 lần được Mai Thị Hồng Hạnh tặng quà gồm: 200.000 USD (tương đương hơn 4,5 tỷ đồng); bộ gậy đánh golf trị giá 1,1 tỷ đồng; đồng hồ Patek Philippe trị giá 421.000 USD (tương đương hơn 9,8 tỷ đồng). Đáng chú ý, lần thứ 3 tặng quà vào tháng 5/2022, Mai Thị Hồng Hạnh mua tặng ông Lê Đức Thọ chiếc ô tô hiệu Mercedes Benz S450 Luxury, trị giá khoảng 6,7 tỷ đồng. Giải thích về việc tặng quà giá trị lớn cho ông Thọ, bị cáo Hạnh bình thản trình bày: "Nhờ sự tư vấn của ông Thọ mà có thời điểm công ty đã thu được lợi nhuận hơn 100 tỷ đồng". Vì vậy, những món quà bà Hạnh mang đi tặng “sếp” đều nằm trong tính toán lợi ích của cả hai bên chứ không hẳn là tự nguyện, ngẫu nhiên hay anh em quý mến nhau mà cho.
Những cuộc đối đáp về đồng tiền, về cách hối lộ trong vụ án đã khiến nhiều người không khỏi giật mình đặt ra câu hỏi “không ít cán bộ của chúng ta trong quá trình phấn đấu, trưởng thành, rèn luyện trong khó khăn, gian khổ, thậm chí đối mặt với kẻ thù, nguy hiểm, trước cái chết vẫn có thể chiến thắng được. Nhưng, trước sự cám dỗ về vật chất, trước sức mạnh của đồng tiền lại bị bẻ gãy, gục ngã”.
Ngọc Thiện