Cáo trạng của VKSND Tối cao cho rằng, bà Phan Thị Hoa, cổ đông sáng lập Công ty Sài Gòn Đại Ninh (SGĐN), đã ký thỏa thuận đặt cọc, hợp đồng chuyển nhượng 100% cổ phần Công ty SGĐN với giá 5.000 tỷ cho ông Nguyễn Cao Trí. Việc này nhằm mục đích bán lại dự án Đại Ninh cho ông Trí.
Trong đó, có điều khoản Bên B thanh toán trước số tiền 1.000 tỷ đồng để được Bên A chứng nhận sở hữu 51% cổ phần Công ty SGĐN. Cùng với đó, bà Hoa ký hợp thức thủ tục thay đổi người đại diện pháp luật từ Phan Thị Hoa sang Nguyễn Cao Trí để ông Trí “chính danh” liên hệ làm thủ tục xin gia hạn dự án.
Tại tòa, ông Nguyễn Cao Trí khai đã từng trao đổi với bà Hoa về dự án Sài Gòn Đại Ninh từ trước khi xảy ra vụ việc, nhưng thương vụ bất thành. Sau này, ông Trí quay lại hỏi bà Hoa về dự án trên thì được biết, dự án gặp khó khăn. Dù vậy, ông Trí vẫn đàm phán mua lại.
Đại diện VKS tại phiên tòa sáng nay. Ảnh: CTV
Đến năm 2020, ông Trí thỏa thuận nhận chuyển nhượng dự án thông qua việc chuyển nhượng cổ phần Công ty SGĐN với giá 5.000 tỷ đồng. Ông Trí cho rằng, Đại Ninh là dự án tốt, hơn nữa bị cáo muốn làm dự án trên mảnh đất quê hương mình.
Theo lời khai của ông Nguyễn Cao Trí, bị cáo đã thanh toán cho bà Phan Thị Hoa 1.700 tỷ đồng. Sau này hai bên ký lại thỏa thuận nâng giá chuyển nhượng dự án lên thành 7.000 tỷ đồng.
Khi mua bán, ông Trí có biết việc dự án Đại Ninh bị Thanh tra Chính phủ kết luận có nhiều sai phạm và kiến nghị thu hồi. Ông Trí cho hay, thời điểm đó đã nhờ luật sư tư vấn thì được biết kết luận của TTCP có nhiều “điểm hở” và sau khi nhận chuyển nhượng, ông Trí tìm cách tháo gỡ để tiếp tục thực hiện dự án.
Khi biết ông Trần Văn Minh (đã mất, khi đó là Phó Tổng Thanh tra Chính phủ) chính là người ký kết luận thanh tra, ông Minh lại là bạn học, có mối quan hệ hơn 20 năm với ông Trí nên TGĐ SGĐN đã tìm đến bạn để nhờ tư vấn, để rồi sau đó dự án Đại Ninh đã được thay đổi từ “thu hồi” sang “gia hạn tiếp tục thực hiện”.
Bị cáo Nguyễn Cao Trí tại tòa. Ảnh: CTV
Theo lời khai của ông Nguyễn Cao Trí, sau khi mua lại dự án Đại Ninh, bị cáo nhận được rất nhiều cuộc gọi của các đối tác mong muốn mua lại dự án.
Đầu năm 2022, ông Nguyễn Cao Trí sử dụng pháp nhân Công ty Lavender thỏa thuận bán dự án cho Công ty Thiên Vương (thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Địa ốc Nova (Tập đoàn Novaland). Hai bên ký hợp đồng bảo mật thông tin, rồi ký thỏa thuận nguyên tắc chuyển nhượng cổ phần với tổng giá trị giao dịch là 27.600 tỷ đồng theo 5 đợt thanh toán.
Thực hiện hợp đồng trên, Novaland thanh toán tổng cộng 2.700 tỷ đồng cho phía ông Nguyễn Cao Trí. Tại tòa, ông Trí khai rằng, trước khi chuyển nhượng, hai bên đã ký thỏa thuận bảo mật thông tin.
Khai trước tòa, ông Trí cho biết muốn tìm đối tác thật sự mong muốn phát triển dự án nên đã đưa ra điều kiện ký hợp đồng bảo mật với giá trị hơn 300 tỷ đồng thì mới chuyển giao toàn bộ hồ sơ của dự án để bên mua nghiên cứu. Novaland là đơn vị chấp nhận điều kiện này và cũng là bên đeo bám từ đầu trong hoàn cảnh có rất nhiều đối tác liên hệ với ông Trí để tham gia dự án.
Trả lời câu hỏi của HĐXX, ông Trí khai rằng, toàn bộ thông tin, tình trạng pháp lý, giấy tờ sổ sách, Novaland nắm được hết và vẫn quyết định mua. Nhận 2.700 tỷ chuyển nhượng dự án, ông Trí khai đã trả cho bà Phan Thị Hoa 1.700 tỷ đồng, nộp thuế và tiền phạt chậm tiến độ dự án cho UBND tỉnh Lâm Đồng hết hơn 300 tỷ đồng và còn phải trả phần huy động vốn.
Vì vậy, ông Nguyễn Cao Trí đề nghị tòa không tịch thu sung công 2.700 tỷ đồng vì cho rằng, 2.700 tỷ đồng này giao dịch ngay tình của hai doanh nghiệp chứ không liên quan trực tiếp đến hành vi đưa hối lộ của bị cáo.
Trong phần luận tội sáng nay, đại diện VKS cho rằng, số tiền 2.700 tỷ đồng bị cáo Nguyễn Cao Trí nhận từ Tập đoàn Novaland là khoản thu lời bất chính. Trong đó có phần trách nhiệm của Novaland vì đã nhận chuyển nhượng dự án khi chưa đảm bảo cơ sở pháp lý. Do đó cần tịch thu sung công quỹ. Bị cáo Nguyễn Cao Trí đã nộp 242 tỷ đồng, cần tiếp tục truy thu số tiền còn lại.
T.Nhung