Tranh luận tại phiên tòa, các luật sư bào chữa cũng đưa ra nhiều luận cứ, luận điểm phân tích hành vi nhằm giảm nhẹ mức độ hành vi cho thân chủ của mình.
Ghi nhận sự cống hiến sau khi bị cáo nghỉ hưu
Đại diện Viện Kiểm sát tại phiên tòa.
Tại bản luận tội, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa đặc biệt ghi nhận sự cống hiến sau khi nghỉ hưu của bị cáo Nguyễn Linh Ngọc (cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Mội trường). Theo đó, sau khi nghỉ hưu, bị cáo Nguyễn Linh Ngọc vẫn tiếp tục đóng góp cho lĩnh vực tài nguyên môi trường thông qua việc tham gia, chỉ đạo điều hành hoạt động Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam với các chương trình: Đưa nước sạch đến với người nghèo, Biến chất thải thành tài nguyên, Cùng cộng đồng chung tay ứng phó với Biến đổi khí hậu… và nhiều chương trình thiện nguyện khác. Đồng thời, Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam cũng có đơn đề nghị các cơ quan tố tụng xem xét các thành tích trong công tác của bị cáo Ngọc và xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Với những cống hiến và đóng góp của bị cáo Nguyễn Linh Ngọc, Viện Kiểm sát xét thấy không cần thiết phải cách ly bị cáo Ngọc ra khỏi đời sống xã hội để bị cáo còn có cơ hội tiếp tục cùng Hội nước sạch và môi trường Việt Nam thực hiện những kế hoạch, nghiên cứu khoa học để mang lại lợi ích cho đất nước. Trên cơ sở đó, Viện Kiểm sát đã đề nghị mức án đối với bị cáo Ngọc là từ 30 - 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” (Điều 219 - Bộ luật Hình sự).
Luật sư Nguyễn Văn Tú đang bào chữa cho bị cáo Ngọc. Ảnh: K.A
Bào chữa cho bị cáo Ngọc, luật sư Nguyễn Văn Tú cho rằng, trên cơ sở đề xuất của cấp dưới, bị cáo Ngọc đã ký Giấy phép khai thác khoáng sản. Các bị cáo thực hiện công việc theo đúng quy trình, không tự phân công nhiệm vụ, không cấu kết chặt chẽ nên không thuộc trường hợp tội phạm có tổ chức. Việc khai thác trái phép xảy ra khi bị cáo không còn đảm nhiệm chức vụ có liên quan và trách nhiệm giám sát thuộc về các cơ quan quản lý địa phương.
Theo luật sư Nguyễn Văn Tú, vai trò của bị cáo Nguyễn Linh Ngọc trong vụ án chỉ dừng lại ở việc ký cấp phép, một nhiệm vụ mang tính thủ tục hành chính, dựa trên hồ sơ đầy đủ từ cấp dưới trình lên, không trực tiếp dẫn đến thiệt hại. Mặt khác, hành vi của bị cáo Ngọc không xuất phát từ động cơ cá nhân, không vụ lợi, mà chỉ nhằm mục đích xây dựng và phát triển ngành công nghiệp đất hiếm. Vào thời điểm ký cấp phép, hệ thống pháp luật về khai thác khoáng sản chưa có hướng dẫn chi tiết và thống nhất. Mặc dù Chính phủ có chủ trương gắn khai thác với chế biến sâu, nhưng các quy định cụ thể về điều kiện cấp phép và quản lý khai thác vẫn đang trong quá trình hoàn thiện.
Sau khi vụ án xảy ra, bị cáo Ngọc đã sớm nhận thức sai phạm, hối hận và chủ động khắc phục hậu quả. Bị cáo đã hợp tác tích cực với các cơ quan tố tụng để mong nhận được khoan hồng của pháp luật. Từ những phân tích này, luật sư Nguyễn Văn Tú đã đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt phạt bị cáo Ngọc 1 năm tù nhưng cho hưởng án treo về cùng tội danh trên.
Đề nghị xác định thiệt hại theo giá trị khoáng sản nguyên khai
Các bị cáo tại phiên tòa.
Trình bày tại phiên tòa, luật sư Vũ Thị Nga (bào chữa cho bị cáo Đoàn Văn Huấn, Chủ tịch Công ty Thái Dương) không tranh luận về tội danh mà chỉ đề nghị Hội đồng xét xử xác định thiệt hại dựa trên giá trị khoáng sản nguyên khai nhằm đánh giá khách quan tính chất, mức độ hành vi phạm tội của thân chủ.
Luật sư Nga cho rằng việc xác định đúng giá trị khoáng sản là điều kiện bắt buộc để xác định, đánh giá mức độ nghiêm trọng của tội phạm, từ đó là căn cứ để định khung, quyết định hình phạt. Hiện nay, giá trị khoáng sản được sử dụng để định tội, định khung hình phạt dựa trên 2 cơ sở là trị giá khoáng sản (quặng đất hiếm và quặng sắt) là thành phẩm đã bán và số lượng khoáng sản đã khai thác, đang nằm tại kho (chưa qua chế biến). Hai nhóm khoáng sản này có giá trị rất khác nhau.
Theo luật sư, với hành vi khai thác trái phép khoáng sản, giá trị khoáng sản phải được xác định trên cơ sở giá trị khoáng sản nguyên khai, chưa qua chế biến, tuyển rửa, sàng lọc. Do đó, luật sư đề nghị Hội đồng xét xử xác định thiệt hại trên cơ sở khoáng sản nguyên khai.
Luật sư Vũ Thị Nga bào chữa cho bị cáo Đoàn Văn Huấn, Chủ tịch Công ty Thái Dương. Ảnh: K.A
Mặt khác, để đảm bảo đời sống cho nhiều người lao động tại Công ty Thái Dương, luật sư Vũ Thị Nga còn đề nghị Tòa xem xét, tạo điều kiện cho bị cáo Huấn được làm thủ tục ủy quyền cho cổ đông (vợ bị cáo), xin lại con dấu, giấy tờ liên quan để Công ty Thái Dương tiếp tục được hoạt động. Do không có con dấu, từ tháng 10/2023 đến nay, Công ty ngừng toàn bộ hoạt động, người lao động của công ty không có việc làm, không có thu nhập.
Bị cáo Đoàn Văn Huấn bị đại diện Viện Kiểm sát đề nghị Tòa xử phạt từ 12-15 năm tù về 3 tội danh: “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên” (theo quy định tại Điều 227 - Bộ luật Hình sự), “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” (theo quy định tại Điều 221 – Bộ luật Hình sự), “Gây ô nhiễm môi trường” (theo quy định tại Điều 235 - Bộ luật Hình sự). Viện Kiểm sát cũng đã ghi nhận nhiều tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo Huấn với việc chủ động khắc phục một phần hậu quả, thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra để nhanh chóng làm rõ nội dung vụ án…
Tin, ảnh: Kim Anh (TTXVN)