Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: Hồng Phúc.
Nhận định của Hội đồng xét xử (HĐXX) phúc thẩm đã đánh giá vai trò của bị cáo Mai Hồng Hạnh - cựu Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil là người đóng vai trò chính trong vụ án, đã chỉ đạo các thuộc cấp, nhân viên tại Công ty Xuyên Việt Oil không thực hiện việc trích lập, quản lý nộp quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG), từ đó chiếm đoạt 219 tỷ đồng. Bên cạnh đó, quá trình thực hiện thu hộ cho Nhà nước tiền thuế bảo vệ môi trường, bị cáo Hạnh không chuyển vào ngân sách nhà nước mà sử dụng vào mục đích cá nhân, gây thất thoát từ thuế bảo vệ môi trường là 1.244 tỷ đồng.
Bản án phúc thẩm cũng nhận định, từ năm 2016 trong vai trò là Tổng Giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil, bị cáo Mai Hồng Hạnh biết doanh nghiệp của mình không đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu nên đã móc nối với bị cáo Nguyễn Lộc An - cựu Vụ phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) là người phụ trách mảng cấp giấy phép kinh doanh xăng dầu để nhờ vả “giúp đỡ”. Quá trình sau đó, để Công ty Xuyên Việt Oil được cấp giấy phép kinh doanh xăng dầu và gia hạn giấy phép, bị cáo Hạnh đã chỉ đạo đưa hối hối lộ cho các cán bộ tại Bộ Công thương. Trong đó, riêng bị cáo Trần Duy Đông nhận hối lộ 5,6 tỷ đồng và bị cáo Hoàng Anh Tuấn (cựu Vụ phó Vụ Thị trường trong nước) đã nhận 5,9 tỷ đồng. Ngoài ra, bị cáo Hạnh còn đưa hối lộ cho bị cáo Lê Duy Minh - cựu Cục trưởng Cục Thuế TPHCM số tiền 4,8 tỷ đồng để được tạo điều kiện cho Công ty Xuyên Việt Oil;... HĐXX phúc thẩm cho rằng, hành vi phạm tội của bị cáo Hạnh đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, thất thoát tài sản nhà nước, ảnh hưởng đến an ninh năng lượng. Ngoài các bị cáo tại Vụ thị trường trong nước (Bộ Công thương), bị cáo Hạnh còn thực hiện hành vi đưa hối lộ cho nhiều cựu quan chức, cán bộ ở Cục Thuế TPHCM và tỉnh Bến Tre, dẫn đến nhiều cựu lãnh đạo, cán bộ này bị xử lý trong vụ án.
Tại tòa phúc thẩm, HĐXX ghi nhận bị cáo Hạnh đã dùng toàn bộ tài sản kê biên để khắc phục hậu quả vụ án. Ngoài ra, bị cáo cũng có thái độ ăn năn, hối cải. Do đó, HĐXX đã chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo Hạnh, giảm án còn 28 năm tù đối với 2 tội danh “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và tội “đưa hối lộ” (án sơ thẩm là 30 năm tù). Cùng phạm tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí” như bị cáo Hạnh, bị cáo Nguyễn Thị Như Phương - cựu Phó Giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil giảm từ 6 năm tù xuống còn 5 năm tù.
Đối với nhóm các bị cáo là cựu quan chức, HĐXX phúc thẩm cũng chấp thuận giảm nhẹ hình phạt cho một số bị cáo. Trong đó, bị cáo Lê Đức Thọ - cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre đã tự nguyện dùng 3 sổ tiết kiệm trị giá gần 15 tỷ đồng để khắc phục hậu quả chung của vụ án. Do đó, án phúc thẩm đã chấp nhận kháng cáo, giảm 7 năm tù cho bị cáo Thọ. Tổng cộng, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre lãnh mức án 21 năm tù (án sơ thẩm là 28 năm tù) về các tội danh “nhận hối lộ” và “lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”.
Đối với cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre và nhóm bị cáo là cựu quan chức bộ, ngành, địa phương, HĐXX phúc thẩm cho rằng, hành vi của các bị cáo đã xâm phạm nghiêm trọng đến trật tự xã hội và an ninh năng lượng quốc gia. Tuy nhiên, xét thấy một số bị cáo đã tự nguyện khắc phục hậu quả và có quá trình công tác tích cực nên chấp thuận giảm án cho một số bị cáo gồm: Trần Duy Đông - cựu Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương); Hoàng Anh Tuấn - cựu vụ phó Vụ Thị trường trong nước; Lê Duy Minh - cựu Cục trưởng Cục Thuế TPHCM và một số đồng phạm khác.
Các bị cáo này cũng đã được ghi nhận tích cực khắc phục một phần hậu quả vụ án. Cụ thể, HĐXX phúc thẩm tuyên giảm từ 7 năm tù xuống còn 5 năm tù đối với bị cáo Trần Duy Đông và Hoàng Anh Tuấn về tội “nhận hối lộ”. Bị cáo Lê Duy Minh được giảm từ 6 năm tù xuống còn 4 năm 6 tháng tù. Riêng bị cáo Nguyễn Lộc An dù đã khắc phục thêm hơn 100 triệu đồng tại phiên phúc thẩm nhưng tòa đánh giá mức án 4 năm tù cấp sơ thẩm là thỏa đáng nên tuyên y án sơ thẩm.
LÊ ANH