Trong thông báo mới nhất, Xiaomi cho biết MiMo là mô hình AI lý luận nguồn mở với 7 tỉ tham số, do đội ngũ AI nội bộ của hãng tự phát triển.
Công ty tuyên bố hiệu suất của MiMo có thể sánh ngang, thậm chí vượt trội ở một số tác vụ như toán học và lập trình so với các đối thủ đáng gờm như o1-mini của OpenAI hay QwQ-32B của Alibaba, thành viên thuộc chuỗi mô hình Qwen.
Thông tin này nhanh chóng tác động đến thị trường. Cổ phiếu của Xiaomi trên sàn chứng khoán Hồng Kông (Trung Quốc) tăng 4,7% trong phiên giao dịch sáng cùng ngày. Cổ phiếu của Kingsoft Cloud, công ty mà Xiaomi sở hữu 10% và CEO Lei Jun nắm giữ thêm 11%, cũng tăng vọt 15,3%.
Xiaomi ra mắt mô hình AI MiMo tự phát triển.
Sự ra mắt của MiMo đánh dấu một cột mốc mới trong hành trình AI của Xiaomi. Trước đó, vào tháng 12 năm ngoái, truyền thông địa phương đưa tin hãng đã đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng tính toán bằng cách mua tới 10.000 GPU để huấn luyện các mô hình AI.
Hãng cũng từng cố gắng chiêu mộ Luo Fuli, "thiên tài AI" của Trung Quốc và là thành viên chủ chốt phát triển DeepSeek-V2 nhưng bất thành.
Việc Xiaomi gia nhập sân chơi AI diễn ra trong bối cảnh các ông lớn công nghệ Trung Quốc như Alibaba, Baidu hay Tencent đang tăng tốc phát triển mô hình nền tảng.
Chỉ vài ngày trước, Alibaba đã tung ra thế hệ thứ ba của dòng mô hình mã nguồn mở Qwen, với tám phiên bản từ 600 triệu đến 235 tỉ tham số, hứa hẹn cải thiện tốc độ xử lý và khả năng hỗ trợ đa ngôn ngữ.
Thị trường AI tại Trung Quốc đang bước vào giai đoạn cạnh tranh khốc liệt, nơi các mô hình không chỉ là công cụ nghiên cứu mà còn là chìa khóa để mở rộng hệ sinh thái sản phẩm và chiếm lĩnh người dùng.
Vừa qua, công ty cũng đã công bố Báo cáo Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) thường niên lần thứ 7, nhấn mạnh cam kết phát triển bền vững gắn liền với công nghệ cốt lõi.
Xiaomi nhấn mạnh cam kết phát triển bền vững gắn liền với công nghệ cốt lõi.
Tại hội nghị COP29, Xiaomi giới thiệu chiến lược phát triển xanh với hệ sinh thái “Người - Xe - Nhà”, đồng thời đầu tư mạnh tay vào R&D với 3,31 tỉ USD chỉ trong năm 2024. Tính đến cuối năm, Xiaomi đã sở hữu hơn 42.000 bằng sáng chế toàn cầu và đội ngũ R&D chiếm gần 50% tổng nhân sự.
Hai nhà máy mới, nhà máy thông minh và nhà máy ô tô điện đã đi vào hoạt động, ứng dụng các công nghệ như AI và Internet công nghiệp để tự động hóa sản xuất, giảm lãng phí và tăng hiệu suất. Riêng nhà máy thông minh đạt tỉ lệ tự động hóa tới 81%, vượt xa mức trung bình ngành.
Ở khía cạnh xã hội, công ty cũng nâng cấp các công nghệ hỗ trợ người dùng yếu thế. Hệ điều hành HyperOS 2 mới tích hợp tính năng phụ đề thời gian thực và trợ lý giọng nói cho người khiếm thị. Tính năng TalkBack được cải tiến nhờ AI nhận diện văn bản trong ảnh và đọc to chính xác. Hãng cũng chú trọng phát triển sản phẩm thân thiện với người cao tuổi thông qua các chương trình hợp tác thiết kế không gian sống an toàn.
Về môi trường, Xiaomi đặt mục tiêu đến năm 2030 giảm 5% lượng phát thải khí nhà kính mỗi năm từ các nhà cung cấp smartphone và sử dụng ít nhất 25% năng lượng tái tạo.
Trong năm 2024, công ty đã đo lường lượng khí thải của 18 sản phẩm tiêu biểu và chuyển đổi vận tải từ hàng không sang đường biển, tiết kiệm hơn 3.300 tấn CO₂.
Trong mảng tái chế, công ty đã đạt 95,94% mục tiêu thu gom 38.000 tấn rác thải điện tử đề ra cho giai đoạn 2022-2026. Riêng tại Trung Quốc, hơn 1,3 triệu thiết bị được thu hồi qua chương trình “thu cũ đổi mới”. Một số sản phẩm mới như Xiaomi 14T còn sử dụng vật liệu sinh học và kim loại tái chế trong thiết kế.
Tiểu Minh