Logo của Xiaomi. Ảnh: Bloomberg.
Xiaomi đang có kế hoạch đầu tư ít nhất 7 tỷ USD trong hơn 10 năm để phát triển chip xử lý di động. Theo Bloomberg, đây là động thái nhằm tăng tính chủ động cho công ty Trung Quốc, trong bối cảnh các hãng công nghệ lớn ngày càng coi trọng chiến lược bán dẫn.
“Chip là đỉnh cao mà chúng ta cần đạt được. Đây là cuộc chiến không thể tránh khỏi, có vượt qua mới trở thành công ty công nghệ phần cứng lớn”, CEO Lei Jun của Xiaomi chia sẻ trên mạng xã hội Weibo ngày 19/5.
Trong bài đăng tiếp theo, Lei Jun tuyên bố Xiaomi sẽ ra mắt chip xử lý tự thiết kế Xring O1 vào ngày 22/5. Ông cho biết công ty đã khởi động phát triển chip Xring từ năm 2021, dự kiến kéo dài 10 năm.
Cuộc đua quan trọng với Xiaomi
Theo Lei Jun, Xiaomi đã chi hơn 1,8 tỷ USD trong hơn 4 năm, và có kế hoạch đầu tư hơn 800 triệu USD cho nghiên cứu và phát triển (R&D) trong năm nay. Hiện tại, bộ phận bán dẫn của Xiaomi có hơn 2.500 nhân sự.
Dựa vào số liệu trên, Xiaomi là một trong 3 nhà đầu tư hàng đầu Trung Quốc trong lĩnh vực bán dẫn. Chiến lược 10 năm của công ty dự kiến tiêu tốn khoảng 6,9 tỷ USD.
Ông cho biết Xring O1 được sản xuất trên tiến trình 3 nm thế hệ thứ 2, nhưng không nêu tên công ty gia công. Hiện tại, hãng chip lớn nhất Trung Quốc là SMIC (Semiconductor Manufacturing International Corp.) chưa thể vượt qua giới hạn 7 nm do các quy định thắt chặt xuất khẩu của Mỹ.
“Chip đại diện cuộc đua then chốt của chúng tôi nhằm tạo ra đột phá trong công nghệ lõi”, Lei Jun nhấn mạnh.
Xiaomi dự kiến ra mắt chip Xring O1 vào ngày 22/5. Ảnh: Wccftech.
Theo SCMP, Xiaomi dự kiến tổ chức sự kiện ra mắt Xring O1 vào ngày 22/5, bên cạnh dòng smartphone Xiaomi 15S Pro, tablet và mẫu xe điện YU7 hoàn toàn mới.
Hiện tại, sản phẩm của Xiaomi vẫn phụ thuộc chip xử lý Qualcomm và MediaTek. Dù vậy, công ty Trung Quốc đang “học hỏi” cách tiếp cận từ Apple, đối thủ lớn nhất của Xiaomi tại Trung Quốc.
Trong thời gian dài, Apple đẩy mạnh phát triển chip riêng cho iPhone, tối ưu cùng phần mềm để tạo ra hệ sinh thái hiệu quả. Những năm gần đây, Táo khuyết mở rộng phát triển chip cho máy tính Mac và đạt thành công lớn.
Một trong những nhà đầu tư lớn tại Trung Quốc
Bài đăng của Lei Jun cho thấy nỗ lực của Xiaomi nhằm bắt kịp các đối thủ trong lĩnh vực phát triển chip, chẳng hạn như Apple, Samsung và Huawei.
Theo dữ liệu từ IDC, Xiaomi là thương hiệu smartphone lớn thứ 3 toàn cầu trong quý I với doanh số 41,8 triệu chiếc, thị phần 13,7%. Công ty chỉ xếp sau Samsung và Apple.
Tính đến hiện tại, mức đầu tư về R&D của Xiaomi còn thấp hơn SMIC. Dựa trên báo cáo tài chính, chi phí vốn dành cho phát triển bán dẫn của SMIC năm 2024 đạt 765,3 triệu USD.
Trong bài đăng trên Weibo, Lei Jun kể lại khó khăn của Xiaomi trong quá trình phát triển chip xử lý di động đầu tiên mang tên Surge S1. Ra mắt năm 2017, Surge S1 thất bại trên thị trường do kén băng tần mạng.
Bên cạnh Xiaomi, Huawei cũng tăng cường đầu tư phát triển bộ xử lý tiên tiến, trong bối cảnh hứng chịu lệnh cấm của Mỹ.
Theo Bloomberg, chip xử lý 3 nm có thể mang đến lợi thế cạnh tranh cho Xiaomi trước Huawei. Tại Trung Quốc, chip Huawei vẫn chưa thể nhỏ hơn 7 nm do đối tác sản xuất SMIC gặp khó khăn.
Lei Jun, CEO Xiaomi. Ảnh: Bloomberg.
Khoản đầu tư lớn vào lĩnh vực bán dẫn của Xiaomi phù hợp chiến lược của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, giúp đất nước sánh ngang, thậm chí vượt qua Mỹ trong công nghệ tiên tiến, bao gồm bán dẫn.
Xiaomi cũng tìm kiếm thị trường tăng trưởng mới ngoài smartphone. Công ty đặt chân vào lĩnh vực xe điện, dù đang gặp khó khăn sau vụ tai nạn chết người liên quan đến mẫu xe SU7 xảy ra đầu năm nay.
Là một trong những lãnh đạo nổi tiếng của Trung Quốc, trang phục của Lei Jun thay đổi tùy theo giai đoạn chiến lược của công ty.
Theo SCMP, khi gia nhập thị trường smartphone, Lei Jun thường xuất hiện với phong cách giống đồng sáng lập Apple Steve Jobs, với áo sơ-mi đen, quần jean xanh và giày thể thao.
Khi mở rộng sang lĩnh vực xe điện, Lei Jun mặc áo vest không cài cúc giống tỷ phú Elon Musk. Gần đây, ông hay mặc áo khoác da giống CEO Nvidia Jensen Huang.
Phúc Thịnh