Thông tin về dự án, ông Trần Văn Tuyến cho biết, xã Ea Yiêng là địa bàn đặc biệt khó khăn, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, được thụ hưởng nhiều chính sách của Trung ương và địa phương như Quyết định 1342 (năm 2009), Quyết định 2085 (năm 2016) của Thủ tướng Chính phủ, cũng như Đề án 2652 của UBND tỉnh Đắk Lắk (năm 2017) hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Dự án định canh, định cư cho xã Ea Yiêng được UBND tỉnh Đắk Lắk đồng ý chủ trương từ năm 2014, với mục tiêu bố trí ổn định dân cư cho người dân tại các buôn: Kon Tây, Cư Drang, Kon H’Rinh, Ea Mao, Kon Wang - nơi còn tình trạng du canh, du cư. Dự án do huyện Krông Pắk làm chủ đầu tư, thực hiện trong giai đoạn 2019-2023, đến nay đã nghiệm thu, bàn giao cho địa phương quản lý.
Khu tái định canh, định cư xã Ea Yiêng được đầu tư hơn 70 tỷ đồng nhưng đến nay vẫn bỏ hoang, gây lãng phí.
“Tuy nhiên, hiện nay việc đưa người dân vào dự án còn nhiều khó khăn, trong đó có các vấn đề như: hạ tầng kỹ thuật chưa hoàn thiện; dự án nằm gần nghĩa trang; chưa hoàn tất cắm mốc, phân lô; nhất là việc xét duyệt đối tượng thụ hưởng. Ngoài ra, hiện một số hạng mục như hệ thống thoát nước mưa, bạt mái taluy tại khu tái định cư chưa được đầu tư...”, ông Tuyến cho hay.
Ông Tuyến cũng khẳng định: Dự án được thẩm định, phê duyệt theo đúng quy định pháp luật. Địa phương mong tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ tháo gỡ các vướng mắc để sớm đưa người dân vào ở tại khu định cư mới.
Về vấn đề được quan tâm nhiều nhất là xét duyệt đối tượng thụ hưởng, ông Tuyến cho hay, căn cứ số liệu ban đầu theo khảo sát năm 2014 của UBND huyện thì dự án sẽ có 128 hộ, với 642 khẩu thuộc đối tượng hộ nghèo, cận nghèo tại 5 buôn thuộc xã Ea Yiêng có nhu cầu ổn định cuộc sống được thụ hưởng. Tuy nhiên, đến nay nhiều chính sách đã thay đổi, tình hình dân cư cũng biến động nên những hộ gia đình được xét duyệt trước đây không còn phù hợp, dự án sẽ lãng phí.
Khu nhà mẫu giáo được xây dựng bên trong khu tái định cư bị bỏ hoang, đập phá, vẽ bậy.
“Do đó, huyện đang đề nghị UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan cho phép điều chỉnh đối tượng thụ hưởng từ hộ gia đình nghèo, cận nghèo sang hộ gia đình dân tộc thiểu số tại chỗ để phù hợp thực tế. Từ đây huyện làm cơ sở giao đất ở, đất sản xuất, giúp người dân ổn định đời sống, phát triển sản xuất để tránh lãng phí đầu tư, xây dựng dự án”, ông Tuyến nói.
Như Báo CAND đã phản ánh, được đầu tư với số tiền hơn 70 tỷ đồng nhưng hơn 3 năm qua, dự án định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Ea Yiêng, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk vẫn không có người đến ở. Bị bỏ hoang, nhiều hạng mục của dự án đang bị hư hỏng, xuống cấp…
Văn Thành