Chi nhánh Khai thác đường sắt Nghệ Tĩnh và các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành xóa bỏ lối đi tự mở qua đường sắt.
Lối đi tự mở qua đường sắt ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị (thuộc chi nhánh Khai thác đường sắt Nghệ Tĩnh quản lý) chủ yếu để phục vụ đi lại và sản xuất nông nghiệp của người dân. Tại các lối đi tự mở qua đường sắt đều không có người trực gác, không có hệ thống rào chắn, đèn tín hiệu cảnh báo nguy hiểm.
Trong khi đó, đường sắt qua các tỉnh nói trên đi qua rất nhiều rừng núi, sông suối, khúc cua che khuất tầm nhìn. Đặc biệt, vị trí tiếp giáp giữa lối đi tự mở với đường sắt thường gồ ghề, đá lởm chởm, trơn trượt, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Do vậy, việc xóa bỏ lối đi tự mở được cho là biện pháp quan trọng nhằm đảm bảo an toàn chạy tàu, phòng ngừa tai nạn rủi ro trên tuyến đường sắt Bắc - Nam.
“Lối đi tự mở qua đường sắt tuy thuận lợi cho người dân trong việc đi lại, nhưng tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn khó lường. Người dân mong muốn ngành đường sắt và các cấp có thẩm quyền khảo sát, nghiên cứu phương án lắp đặt hệ thống rào chắn, xây dựng đường gom hoặc hầm chui qua đường sắt để việc xóa bỏ lối đi tự mở đảm bảo an toàn, hiệu quả” - ông Lê Văn Hùng ở xã Thượng Đức, tỉnh Hà Tĩnh cho biết.
Các lối đi tự mở được xóa bỏ, ngăn cấm không cho người và phương tiện qua lại đường sắt.
Qua tìm hiểu được biết, thời gian qua chi nhánh Khai thác đường sắt Nghệ Tĩnh đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, tập trung xóa bỏ lối đi tự mở qua đường sắt. Kết quả trong 6 tháng đầu năm 2025 đã tiến hành xóa bỏ được 40/266 lối đi tự mở qua đường sắt. Các lối đi tự mở đã xóa đều được đào lấp, đóng cọc bê tông kiên cố chắn ngang lối đi, ngăn cấm không cho người và phương tiện qua lại.
“Lối đi tự mở do người dân tự làm để phục vụ đi lại, sản xuất đã nhiều năm nay. Việc xóa bỏ được nhiều người đồng tình, nhưng cũng có ý kiến chưa đồng thuận, bởi sau khi xóa lối đi tự mở người dân phải đi đường vòng khoảng cách xa hơn, nếu cùng một lúc thực hiện xóa lối đi tự mở và xây dựng đường gom, hầm chui thì sẽ tốt hơn” - ông Nguyễn Anh Tuấn ở xã Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Trị cho biết.
Thói quen đi lại của người dân ở lối đi tự mở qua đường sắt đã hình thành từ lâu. Do vậy tại một số vị trí ngành đường sắt và các cơ quan chức năng đã tiến hành xóa bỏ lối đi tự mở, nhưng sau đó người dân lại tự ý đắp đất cho phương tiện xe máy, xe đạp đi qua. Điều này cũng đồng nghĩa, việc xóa bỏ lối đi tự mở nhưng nếu chưa có đường gom, hầm chui, cầu vượt thay thế thì rất khó có thể xóa bỏ triệt để lâu dài.
Ngành đường sắt và các lực lượng chức năng huy động máy móc đào lấp lối đi tự mở qua đường sắt.
Việc xóa bỏ lối đi tự mở qua đường sắt nhưng chưa có đường gom, hầm chui, cầu vượt thay thế rất khó có thể xóa bỏ triệt.
Trao đổi với phóng viên, Phó Trưởng phòng Giám sát kỹ thuật và An toàn giao thông đường sắt - chi nhánh Khai thác đường sắt Nghệ Tĩnh Nguyễn Hữu Thường cho biết, đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, tập trung xóa bỏ lối đi tự mở, góp phần đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến đường sắt Bắc - Nam. Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn còn hạn chế, chưa đạt theo lộ trình, kế hoạch đề ra.
“Các lối đi tự mở qua đường sắt có thể xóa độc lập mà không cần xây dựng công trình phụ trợ thì đã thực hiện xóa bỏ. Các lối đi tự mở còn lại chưa thể xóa bỏ được là do chưa xây dựng được đường gom, đường ngang, cầu vượt hay hầm chui qua đường sắt. Đơn vị tiếp tục đôn đốc các địa phương thực hiện Quyết định số 358/QĐ-TTg ngày 10/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt” - ông Nguyễn Hữu Thường thông tin.
Văn Chương