Lối đi tự mở qua đường sắt tại km162+010 thuộc địa bàn xã Hoằng Kim (Hoằng Hóa) được xóa bỏ, lập rào chắn.
Trong những năm qua, huyện Hoằng Hóa đã tích cực huy động lực lượng ra quân tháo dỡ toàn bộ biển quảng cáo, mái che, mái vẩy, vật kiến trúc, cây cối che khuất tầm nhìn tại các vị trí giao cắt đường ngang đường sắt, hành lang an toàn giao thông đường sắt. Năm 2024, huyện đã phối hợp với Công ty CP đường sắt Thanh Hóa tổ chức rào đóng, xóa bỏ 6 lối đi tự mở qua đường sắt trên địa bàn tại các vị trí Km161+375; Km162+010; Km162+830; Km164+110; Km165+550; Km166+510. Hiện trên địa bàn huyện còn 2 vị trí tại Km162+190 (đường vào nghĩa trang Núi Già, xã Hoằng Kim) và Km165+290 (đường ra đồng) tạm thời chưa thể rào đóng do không có lối đi thay thế, sau khi có dự án xây dựng đường gom sẽ thực hiện xóa bỏ 2 vị trí này. Hiện UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã tăng cường biện pháp cảnh báo nhằm đảm bảo an toàn giao thông đường sắt tại các điểm này. Còn vị trí Km163+450 (đối diện Cổng làng Phú Khê) nằm trong danh mục nâng cấp thành đường ngang đường sắt theo Quyết định số 1149/QĐ-BGTVT, ngày 15/6/2020 của Bộ Giao thông - Vận tải sẽ được xóa bỏ khi được nâng cấp thành đường ngang giao đường sắt. Hiện tại, vị trí này đã được Công ty CP đường sắt Thanh Hóa thực hiện cảnh giới để đảm bảo an toàn giao thông đường sắt. Ông Lê Huy Cường, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Hoằng Hóa, cho biết: “Hiện địa phương đang tích cực phối hợp với Công ty CP đường sắt Thanh Hóa và các đơn vị có liên quan thực hiện các biện pháp nhằm bảo vệ, chống lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt. Đồng thời, lập hồ sơ các lối đi tự mở và các vị trí nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông đường sắt. Cùng với đó, tổ chức rào đóng các lối đi tự mở khi đảm bảo các điều kiện về xây dựng đường gom, đảm bảo thuận lợi, an toàn cho việc đi lại của người dân”.
Thực hiện Kế hoạch số 118/KH-UBND, ngày 02/6/2020 của UBND tỉnh về việc thực hiện Quyết định số 358/QĐ-TTg, ngày 10/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt, qua rà soát, trên địa bàn tỉnh có 99 lối đi tự mở qua đường sắt. Trong các năm vừa qua, các địa phương đã tích cực phối hợp với các đơn vị có liên quan đã xóa bỏ được 32 lối đi tự mở, xây dựng 1,5km đường gom trên địa bàn huyện Nông Cống xóa bỏ lối đi tự mở tại Km191+050; các đoạn đường gom trên địa bàn huyện Hà Trung đang triển khai thi công. Tuy nhiên, hiện trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại 67 lối đi tự mở qua đường sắt. Trong đó, thị xã Bỉm Sơn có 6 lối đi tự mở; huyện Hà Trung có 8 lối đi; huyện Hậu Lộc có 9 lối đi; huyện Hoằng Hóa có 3 lối đi; TP Thanh Hóa có 5 lối đi; huyện Nông Cống có 16 lối đi; thị xã Nghi Sơn có 20 lối đi. Cùng với đó là tình trạng vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt vẫn còn, tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh. Theo tổng hợp của Ban An toàn giao thông tỉnh, năm 2024, trên địa bàn tỉnh xảy ra 8 vụ tai nạn giao thông đường sắt, làm 6 người chết, 1 người bị thương.
Trước thực trạng trên, để đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường sắt, an toàn chạy tàu qua địa bàn tỉnh, Ban An toàn giao thông tỉnh yêu cầu các địa phương có đường sắt đi qua tổ chức các lực lượng ở địa phương tham gia cảnh giới, chốt gác tại các lối đi tự mở qua đường sắt nguy hiểm, có nguy cơ cao gây tai nạn giao thông; từng bước thu hẹp, rào kín, xóa bỏ lối đi tự mở, cương quyết không để phát sinh mới lối đi tự mở qua đường sắt trên địa bàn. Huy động lực lượng chức năng của địa phương phối hợp với các lực lượng của Công an tỉnh, Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường sắt trên địa bàn. Qua đó, xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng lấn chiếm hoặc tái lấn chiếm, sử dụng trái phép hành lang an toàn đường sắt; tổ chức thực hiện giải tỏa các công trình vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt các địa phương rà soát các quy hoạch xây dựng được duyệt, trường hợp quy hoạch xây dựng các khu đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp,... dọc hai bên đường sắt đã được duyệt nhưng chưa bố trí đường gom nằm ngoài hành lang an toàn giao thông đường sắt theo quy định thì tổ chức lập điều chỉnh quy hoạch để bố trí đường gom trình thẩm định, phê duyệt theo quy định. Đồng thời, rà soát các tuyến đường giao thông hiện trạng trên địa bàn có thể sử dụng làm đường gom đường sắt để vận động, tuyên truyền đóng độc lập các lối đi tự mở; xác định các đoạn đường gom đường sắt ưu tiên đầu tư trước phù hợp với quy hoạch của địa phương và ưu tiên bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách của các địa phương để đầu tư xây dựng trước các đoạn đường gom này để xóa bỏ lối đi tự mở.
Bài và ảnh: Lê Hợi