Xóa bỏ lối đi tự phát qua đường sắt: Cần giải pháp bền vững

Xóa bỏ lối đi tự phát qua đường sắt: Cần giải pháp bền vững
10 giờ trướcBài gốc
Ưu tiên xử lý trước những vị trí có nguy cơ cao về tai nạn giao thông đường sắt
Hiểm họa từ những “điểm đen” tự phát
Thực tế cho thấy, nhiều vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng những năm qua bắt nguồn từ các đường ngang, lối mở không phép. Thiếu quan sát, tâm lý chủ quan và thói quen “đi cho tiện” khiến nhiều người dân bất chấp nguy hiểm băng qua đường sắt, dẫn đến va chạm với tàu hỏa đang lưu thông với tốc độ cao. Không ít vụ tai nạn để lại hậu quả thương tâm, gây mất mát lớn cho gia đình và xã hội.
Người dân phường An Cựu vẫn chưa quên vụ tai nạn xảy ra tại điểm giao đường sắt và đường Lương Văn Can, khiến một nữ sinh viên của Đại học Huế thiệt mạng cách đây không lâu. Đây cũng là “điểm đen” xảy ra tai nạn nhiều lần. Sau tai nạn, ngành chức năng đã cho rào chắn kiên cố, không để người và phương tiện lưu thông. Tuy nhiên, việc đóng đường ngang này từng bị một bộ phận người dân phản ứng do ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại của họ. Trước đó, phương án đặt ra là xây dựng hầm chui tại “điểm đen” này, song đến nay vì nhiều lý do nên vẫn chưa được triển khai thực hiện. UBND TP. Huế cũng đã có văn bản đề xuất Cục Đường sắt Việt Nam có giải pháp xử lý, nhưng vẫn chưa được giải quyết rốt ráo.
Ngoài “điểm đen” vừa nêu, thống kê của ngành chức năng cho thấy, tình trạng lối đi tự mở xuất hiện khá phổ biến ở các khu dân cư đông đúc dọc tuyến đường sắt như: Tuyến Lê Duẩn (phường Phú Xuân), Lý Thái Tổ (phường Hương An)... Các lối đi này thường rất hẹp, khuất tầm nhìn, không rào chắn hay biển cảnh báo an toàn, dẫn đến nguy cơ cao xảy ra tai nạn.
“Xóa” 49/90 đường ngang, lối mở
Trước thực trạng trên, Công ty cổ phần Đường sắt Bình Trị Thiên đã phối hợp với UBND TP. Huế và các đơn vị liên quan tiến hành khảo sát thực địa, đánh giá nguy cơ và xây dựng kế hoạch rào chắn, đóng lối đi trái phép, với mục tiêu đến cuối năm 2025, không còn lối đi tự phát nào tồn tại trên toàn tuyến đường sắt qua địa bàn thành phố.
Ông Lê Nguyễn Huy, Phó Trưởng phòng Kỹ thuật An toàn - Công ty cổ phần Đường sắt Bình Trị Thiên cho biết, đơn vị đã tổ chức rà soát toàn tuyến, ưu tiên xử lý trước những vị trí có nguy cơ cao. Trong quá trình xử lý, ngành đường sắt cũng phối hợp lấy ý kiến người dân, cân nhắc yếu tố sinh hoạt và an sinh trước khi rào chắn. Với những điểm chưa cần xây dựng công trình phụ trợ như cầu vượt hay hầm chui, việc đóng chắn được thực hiện trước nhằm hạn chế rủi ro.
Mới đây, ngành đường sắt còn phối hợp với các đơn vị, địa phương xóa bỏ bằng cách rào chắn kiên cố 5 lối đi tự phát tại các vị trí: Km682+115, Km684+1310, Km684+405, Km684+500 (phường Hương An) và Km690+380 (phường An Cựu). Thời gian tới, có thêm 2 điểm tại Km682+200 và Km682+920 sẽ được xử lý tiếp. Đây đều là những điểm có lưu lượng người qua lại lớn, nguy cơ xảy ra tai nạn cao.
Hiện, toàn tuyến đường sắt Bắc - Nam qua địa bàn TP. Huế có 90 lối đi tự mở, đến nay đã xóa được 49 lối. Những lối đi tự mở còn lại sẽ được xử lý dứt điểm trong năm 2025.
Sau khi rào chắn, các điểm này sẽ được bàn giao lại cho chính quyền địa phương quản lý trực tiếp. Ngành đường sắt sẽ bố trí lực lượng tuần tra, kiểm tra thường xuyên nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi tự ý tháo dỡ, mở lại lối đi trái phép.
Cần giải pháp tổng thể, bền vững
Tuyến đường sắt Bắc – Nam qua TP. Huế dài khoảng 112km, cắt ngang qua nhiều khu dân cư, đô thị, chợ dân sinh… Với địa hình phức tạp, hệ thống đường ngang chính quy chưa đầy đủ, trong khi nhu cầu đi lại qua đường sắt của người dân là rất lớn. Điều này đặt ra áp lực lớn trong việc đảm bảo an toàn và nhu cầu sinh hoạt dân cư.
Vì vậy, việc xóa bỏ các lối mở trái phép không chỉ dừng ở rào chắn, mà cần đi đôi với giải pháp đồng bộ hơn. Trong đó, xây dựng các đường gom dân sinh, cầu vượt hoặc hầm chui tại những vị trí phù hợp là cần thiết, vừa phục vụ nhu cầu đi lại chính đáng, vừa tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật về an toàn giao thông đường sắt.
Bên cạnh đó, công tác hậu kiểm sau xử lý cũng cần được tăng cường. Chính quyền cơ sở, công an địa phương và đơn vị quản lý hạ tầng cần phối hợp chặt chẽ trong việc giám sát, ngăn chặn tái diễn tình trạng lối mở tự phát. Việc thiết lập cơ chế phản ánh nhanh, tiếp nhận thông tin từ người dân sẽ góp phần phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm phát sinh.
Việc xóa bỏ các lối đi dân sinh tự phát không chỉ nhằm giảm thiểu nguy cơ tai nạn, mà còn góp phần xây dựng một hệ thống giao thông đô thị hiện đại, văn minh và bền vững. Đây là một phần trong chiến lược tổng thể bảo đảm an toàn giao thông đường sắt quốc gia, phù hợp với yêu cầu phát triển đô thị và hạ tầng hiện nay.
Sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt từ ngành chức năng, chính quyền địa phương và sự đồng thuận của người dân sẽ là chìa khóa để giải quyết triệt để tình trạng này.
Bài, ảnh: PHONG ANH
Nguồn Thừa Thiên Huế : https://huengaynay.vn/ban-doc/ban-doc-viet/xoa-bo-loi-di-tu-phat-qua-duong-sat-can-giai-phap-ben-vung-155628.html