Xóa bỏ tâm lý e ngại khi bỏ thuế khoán

Xóa bỏ tâm lý e ngại khi bỏ thuế khoán
19 giờ trướcBài gốc
Doanh thu “khủng” nhưng nộp thuế không đáng kể
Nhiều năm kinh doanh tạp hóa tại khu vực phường Khương Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội), chị Tạ Thị Hoa cho biết, do kinh doanh nhỏ lẻ nên chị không sử dụng máy tính tiền, không in hóa đơn. Hàng năm, chị nộp thuế khoán với số tiền gần 800 nghìn đồng/tháng. Thời gian gần đây, chị nghe thông tin sắp bỏ thuế khoán nên khá lo lắng. “Tôi bán hàng nhỏ lẻ cho dân cư quanh con ngõ này, chỉ kiếm thêm chút thu nhập trang trải cuộc sống nên không thuê người, không đầu tư máy móc. Nếu bỏ thuế khoán sẽ phải trang bị máy móc, công nghệ, rồi phải nhập hóa đơn đầu vào, đầu ra rất phức tạp. Tôi đã lớn tuổi, có thể không cập nhật được công nghệ mới, có khi phải thuê người để kê khai thuế, như vậy rất khó duy trì” - chị Hoa lo lắng.
Việc áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền sẽ giúp minh bạch trong công tác quản lý thuế
Tương tự, chị Nguyễn Hoàng Xiêm, chủ một hiệu làm móng chân móng tay ở phường Định Công, quận Hoàng Mai cũng cho biết, cơ sở của chị chưa bao giờ xuất hóa đơn cho khách hàng, cũng không có nhân sự về kế toán. Vì vậy, chị không biết tới đây nếu bỏ thuế khoán thì chị sẽ phải chuyển đổi ra sao cho phù hợp. Nhiều hộ kinh doanh cũng trong tình trạng như vậy, nhập hàng vào, bán hàng ra đều không có hóa đơn, chứng từ, chỉ ghi chép bằng sổ sách thủ công. Phần lớn họ nộp thuế theo phương pháp thuế khoán, tức là cơ quan thuế sẽ ấn định một mức doanh thu cố định cho cả năm và họ sẽ nộp thuế dựa trên mức khoán này.
Từ ngày 1-6 tới, các hộ kinh doanh thuộc các nhóm ngành nghề như ăn uống, nhà hàng, khách sạn, siêu thị, bán lẻ… có doanh thu từ 1 tỷ đồng/năm trở lên phải sử dụng hóa đơn điện tử có kết nối máy tính tiền. Theo đó, dự kiến, cả nước sẽ có khoảng 37.000 hộ kinh doanh có doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm sẽ phải sử dụng hóa đơn điện tử.
Theo số liệu của Cục Thuế (Bộ Tài chính), tính đến hết tháng 3-2025, số lượng hộ, cá nhân kinh doanh đã nộp Tờ khai thuế theo hình thức khoán là gần 2 triệu hộ, trong khi theo hình thức kê khai chỉ có 6.142 hộ. Như vậy, số hộ kinh doanh nộp thuế theo hình thức khoán chiếm tới 76% tổng số hộ kinh doanh hiện nay. Về mức nộp thuế khoán hiện nay là rất thấp. Cơ quan thuế cho biết, mức thuế khoán bình quân 3 tháng đầu năm chỉ hơn là 670 nghìn đồng/tháng/hộ, cá nhân. Trong khi đó, với hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai, bình quân mức thuế nộp là 4,6 triệu đồng/tháng/hộ, cá nhân. Điều đáng nói, theo nhiều chuyên gia, việc nộp thuế khoán dễ dàng dẫn đến tình trạng thất thu thuế. Đặc biệt, trong bối cảnh thương mại điện tử, kinh doanh số phát triển mạnh mẽ, rất nhiều hộ kinh doanh, cá nhân có doanh thu rất lớn nhưng vẫn nộp thuế khoán với số thuế ít ỏi.
Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội tư vấn Thuế Việt Nam cho biết, bản thân bà đã thấy những cửa hàng, cơ sở khám chữa bệnh, bán thuốc hay spa có doanh thu rất lớn, nhưng vẫn nộp thuế khoán. “Tôi hỏi thì họ bảo áp dụng thuế khoán và thuế chỉ vài triệu đồng/tháng. Trong khi một người làm dịch vụ của họ cũng có doanh thu lên tới cả trăm triệu đồng” - bà Nguyễn Thị Cúc nói. Các chuyên gia cho rằng, việc một thời gian dài chúng ta áp dụng chính sách thuế khoán là phù hợp, bởi nó đã đạt được yêu cầu mục đích rất nhân văn của Nhà nước là khuyến khích và tạo điều kiện tối đa cho người dân có hoạt động sản xuất, kinh doanh nhỏ phát triển. Ưu điểm của phương pháp này là đơn giản, dễ thực hiện, phù hợp với quy mô quản lý nhỏ của nhiều hộ kinh doanh.
Tuy nhiên, phương pháp khoán cũng bộc lộ nhiều nhược điểm như: Không khuyến khích tính minh bạch trong kê khai doanh thu, hộ kinh doanh có thể khai báo thấp hơn doanh thu thực tế nhằm giảm mức thuế phải nộp; gây khó khăn cho cơ quan thuế trong công tác quản lý và giám sát doanh thu thực tế, thậm chí còn dẫn đến tình trạng hộ kinh doanh “đi đêm” với cán bộ thuế để giảm số tiền thuế phải nộp, dẫn đến thất thu ngân sách Nhà nước; tạo ra sự thiếu công bằng giữa các hộ kinh doanh khi có trường hợp hộ kinh doanh có doanh thu thực tế cao nhưng vẫn nộp thuế ít hơn so với hộ khác…
Tại Nghị quyết 68/NQ-TW về phát triển kinh tế tư nhân, Bộ Chính trị đã đặt mục tiêu xóa bỏ hình thức thuế khoán đối với hộ kinh doanh, chậm nhất trong năm 2026. Dù việc chuyển đổi sang nộp thuế kê khai là xu hướng tất yếu, nhưng rất nhiều hộ kinh doanh lo lắng về việc phát sinh chi phí và nhân lực để thực hiện.
Mỗi thủ tục chỉ mất 5 phút
Để tiến tới xóa bỏ thuế khoán, tại Nghị định 70/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ đã yêu cầu từ ngày 1-6 tới, các hộ kinh doanh thuộc các nhóm ngành nghề như ăn uống, nhà hàng, khách sạn, siêu thị, bán lẻ… có doanh thu từ 1 tỷ đồng/năm trở lên phải sử dụng hóa đơn điện tử có kết nối máy tính tiền. Theo đó, dự kiến, cả nước sẽ có khoảng 37.000 hộ kinh doanh có doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm sẽ phải sử dụng hóa đơn điện tử.
Tại Chi cục Thuế khu vực I, để hỗ trợ hộ kinh doanh trong quá trình chuyển đổi, cơ quan thuế đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị cung cấp dịch vụ như MobiFone, Viettel, Misa để đảm bảo hỗ trợ giải pháp công nghệ kịp thời đến từng hộ, cá nhân kinh doanh. Ông Vũ Mạnh Cường - Chi Cục trưởng Chi cục Thuế Khu vực I cho rằng, việc sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền không chỉ giúp minh bạch hóa giao dịch, giảm chi phí, mà còn hỗ trợ người nộp thuế quản lý hiệu quả, tra cứu dễ dàng và nâng cao uy tín với khách hàng, sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh. Ngay từ đầu năm 2025, Chi cục Thuế khu vực I đã tích cực vận động, tuyên truyền và hỗ trợ các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thực hiện kê khai thuế đầy đủ, với cao điểm ra quân trên toàn địa bàn vào tháng 4 vừa qua, nhằm chuẩn bị tốt cho việc thực hiện các quy định tại Nghị định 70/NĐ-CP.
Theo các đơn vị cung cấp dịch vụ, việc chuyển đổi hóa đơn điện tử sẽ không quá khó khăn. Để tiết kiệm nhất cho các hộ kinh doanh, các nhà cung cấp giải pháp về hóa đơn kế toán đã thiết kế những giải pháp có thể sử dụng trên mọi thiết bị, từ máy tính, máy tính bảng, đến máy Pos, thậm chí cả điện thoại di dộng cũng có thể sử dụng. Ông Nguyễn Minh Tú - Phó Giám đốc Công ty Dịch vụ MobiFone khu vực 1 cho biết, hàng tháng, hàng quý, báo cáo lên thuế sẽ tự động cập nhật và hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh chỉ cần kiểm tra và ấn nút xác nhận là tự động báo cáo, hoàn toàn không cần phải thuê kế toán hay có nghiệp vụ về kế toán về phần này.
Bà Nguyễn Thị Sơn Bình - Phó Giám đốc chi nhánh Viettel Hà Nội cũng khẳng định: ‘Tất cả các trải nghiệm dành cho hộ kinh doanh lần này là không quan tâm bạn có biết công nghệ hay không, bạn bao nhiêu tuổi mà chỉ cần bạn biết sử dụng điện thoại là bạn sẽ sử dụng được ứng dụng để chấp hành Nghị định 70/NĐ-CP”.
Theo Chi Cục trưởng Chi cục Thuế khu vực I, ngay tuần sau đơn vị sẽ khai trương cổng thông tin đăng ký kinh doanh dành riêng cho hộ kinh doanh. Điều này sẽ giúp giảm bớt rất nhiều thủ tục. “Cơ quan thuế đã báo cáo các cấp chính quyền, toàn bộ hệ thống chính trị sẽ vào cuộc, đồng hành hỗ trợ người dân. Cơ quan đăng ký kinh doanh, cán bộ thuế sẽ xuống địa bàn, từng tổ dân phố để hỗ trợ. Đồng thời, trợ lý ảo hỗ trợ người nộp thuế sẽ hoạt động liên tục để hỗ trợ người nộp thuế đăng ký thuế, đăng ký kinh doanh nhanh nhất, đơn giản, thuận lợi nhất” - ông Vũ Mạnh Cường nói. Theo ông Vũ Mạnh Cường, nếu có ý thức tuân thủ pháp luật, mỗi thủ tục đăng ký như đăng ký kinh doanh, đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử, người dân chỉ mất 5 phút là xong.
Nhật Linh
Nguồn ANTĐ : https://anninhthudo.vn/xoa-bo-tam-ly-e-ngai-khi-bo-thue-khoan-post611380.antd