Thuế khoán - mảnh đất dễ xảy ra tiêu cực, ‘đi đêm’ nhằm chia quyền lợi
Theo số liệu của Cục Thống kê, Bộ Tài chính, tính đến cuối năm 2024, cả nước có 3,6 triệu hộ kinh doanh đang được quản lý thuế, đóng góp 25.953 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước. Trong số này, có gần 2 triệu hộ đang áp dụng phương pháp thuế khoán. Tuy nhiên, mức thuế bình quân hàng tháng của gần 2 triệu hộ kinh doanh theo hình thức khoán trong quý 1/2025 chỉ vào khoảng 700.000 đồng/tháng.
Theo các chuyên gia, công tác quản lý thuế từ trước đến nay là phần lớn hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán, tức là Cơ quan Thuế sẽ ấn định một mức doanh thu cố định cho cả năm và hộ kinh doanh nộp thuế dựa trên mức khoán này. Ưu điểm của phương pháp này là đơn giản, dễ thực hiện, phù hợp với trình độ quản lý còn hạn chế của nhiều hộ kinh doanh.
Mức thuế bình quân hàng tháng của gần 2 triệu hộ kinh doanh theo hình thức khoán trong quý 1/2025 chỉ vào khoảng 700.000 đồng/tháng (Ảnh minh họa: KT)
Tuy nhiên, phương pháp khoán cũng bộc lộ nhiều nhược điểm như: không khuyến khích minh bạch doanh thu, bởi hộ kinh doanh có thể khai thấp hơn doanh thu thực tế để giảm mức thuế khoán; gây khó khăn cho Cơ quan Thuế trong việc kiểm soát doanh thu, dễ dẫn đến thất thu ngân sách. Mặt khác, còn tạo ra sự bất bình đẳng giữa các hộ kinh doanh, bởi có thể có những hộ kinh doanh có doanh thu thực tế cao hơn nhiều so với mức khoán, nhưng vẫn nộp thuế ít hơn so với những hộ kinh doanh có doanh thu thực tế thấp hơn, nhưng bị ấn định mức khoán cao.
Trước thực tế trên, Nghị định 70/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ đã yêu cầu các hộ kinh doanh có doanh thu từ 1 tỷ đồng/năm phải sử dụng hóa đơn điện tử có kết nối máy tính tiền. Việc quản lý hóa đơn, chứng từ điện tử sẽ được áp dụng theo quy trình mới nhằm giảm thiểu rủi ro, nâng cao hiệu quả giám sát hóa đơn, tránh thất thu thuế.
Theo đó, từ ngày 1/6, hàng chục nghìn hộ kinh doanh có doanh thu từ 1 tỷ đồng/năm thuộc các nhóm ngành nghề như: ăn uống, nhà hàng, khách sạn, siêu thị, bán lẻ… trên cả nước sẽ không còn nộp thuế khoán. Những hộ này sẽ chuyển sang xuất hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền kết nối dữ liệu với cơ quan thuế.
Theo các chuyên gia, việc áp dụng hóa đơn điện tử sẽ mang lại nhiều lợi ích cho hộ kinh doanh. Thứ nhất là giúp minh bạch doanh thu, giảm rủi ro bị ấn định thuế cao. Thứ hai là tạo điều kiện tiếp cận vốn vay, bởi các tổ chức tín dụng sẽ đánh giá cao những hộ kinh doanh có hệ thống quản lý tài chính minh bạch. Bên cạnh đó, nâng cao uy tín của hộ kinh doanh, tạo dựng niềm tin với khách hàng và đối tác.
Ông Nguyễn Ngọc Tú, chuyên gia thuế, giảng viên Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đánh giá, xóa bỏ thuế khoán đối với các hộ kinh doanh có doanh thu lớn là chủ trương đáng hoan nghênh. Hiện toàn quốc có khoảng hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Trong đó, chỉ khoảng 100.000 hộ kinh doanh áp dụng dạng kê khai thuế. Các hộ kinh doanh chịu mức thuế khoán hiện nay nhìn chung khá thấp, hầu như thấp hơn mức thuế thực tế đáng ra phải nộp nếu kê khai đầy đủ, gây ra thất thu thuế.
"Họ không sử dụng sổ sách kế toán, chứng từ nên không biết thực tế thu nhập là bao nhiêu. Đây cũng là mảnh đất dễ xảy ra tiêu cực, ‘đi đêm’ với nhau giữa hộ kinh doanh và cán bộ thuế nhằm chia quyền lợi", ông Tú thẳng thắn.
Cần hướng dẫn cụ thể, có lộ trình phù hợp
Đứng ở góc độ chuyên gia tư vấn thuế, ông Nguyễn Văn Được, Tổng giám đốc Công ty TNHH dịch vụ tư vấn thuế Trọng Tín cho rằng, hộ kinh doanh không nên quá lo lắng. Cần phải hiểu kê khai ở đây không phải là kê khai theo luật Thuế giá trị gia tăng giống với tổ chức, doanh nghiệp mà chỉ là thực hiện đầy đủ hóa đơn, chứng từ và chế độ kế toán đơn giản.
Ông Nguyễn Văn Được, Tổng giám đốc Công ty TNHH dịch vụ tư vấn thuế Trọng Tín
Trước đây, hộ kinh doanh áp dụng thuế khoán nghĩa là lấy doanh thu khoán nhân với tỷ lệ quy định, không quan tâm đến kinh doanh lớn hay nhỏ, lãi hay thua lỗ. Còn quy định kê khai thuế ở đây, đơn giản là doanh thu kê khai, số thu thực tế bán hàng và cũng nhân với tỷ lệ quy định.
"Nộp thuế theo kê khai tức là doanh thu cao phải nộp thuế cao, thấp thì nộp thấp mới đúng về bản chất của nghĩa vụ thuế", ông Được nói.
Tuy vậy, ông Được cũng lưu ý rằng, với một số hộ chuyển sang kê khai, thủ tục sẽ trở nên phức tạp hơn do phải ghi sổ sách kế toán, điều này có thể làm tăng chi phí tuân thủ cho người nộp thuế.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hộ và cá nhân kinh doanh trong việc xác định doanh thu, chi phí và nghĩa vụ thuế theo từng lĩnh vực hoạt động, đồng thời từng bước triển khai việc nộp thuế theo phương pháp kê khai, việc ứng dụng công nghệ số được xem là giải pháp thiết yếu.
Hiện nay, Chi cục Thuế khu vực I đang tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và hỗ trợ các hộ, cá nhân kinh doanh chuyển đổi sang hình thức quản lý thuế mới.
Ông Lê Ngọc Huy, Trưởng phòng Thuế cá nhân, hộ kinh doanh và thu khác (Chi cục Thuế khu vực I, Cục Thuế, Bộ Tài chính) cho biết, chi cục đã xây dựng kế hoạch triển khai Nghị định số 70/2025/NĐ-CP với các bước khá chi tiết. Bước đầu tiên là tuyên truyền chính sách đến người nộp thuế. Từ nay đến 20/5, chi cục sẽ triển khai ngay với các hộ, cá nhân có doanh thu khoán hàng năm từ 1 tỷ đồng/năm trở lên; tiếp tục mở rộng các đối tượng khác trong thời gian sau đó.
Chuyên gia thuế cho rằng, hộ kinh doanh không nên quá lo lắng khi chuyển từ hình thức thuế khoán sang kê khai thuế (Ảnh minh họa)
Với tổ chức, doanh nghiệp, chi cục sẽ gửi thông báo bằng email, văn bản thông tin về bộ nội dung, đối tượng áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền theo Nghị định 70/2025/NĐ-CP để các doanh nghiệp căn cứ, xác định điều kiện và đăng ký với cơ quan thuế.
Ông Huy chia sẻ, theo định hướng của Chính phủ và ngành Thuế, công tác quản lý thuế trong thời gian tới sẽ chuyển đổi toàn bộ tất cả các hộ kinh doanh theo phương pháp kê khai. Điều này nhằm đảm bảo tinh thần đối với hộ kinh doanh là tự khai, tự nộp. Hơn nữa, việc kê khai này sẽ phản ánh trung thực doanh thu của hộ kinh doanh, từ đó tránh những bất cập từ phương pháp "thuế khoán".
Nhấn mạnh xóa bỏ hình thức thuế khoán sẽ góp phần quan trọng giải quyết những bất cập như thất thu thuế hay tình trạng tiêu cực, song theo ông Nguyễn Ngọc Tú, việc triển khai cần có lộ trình và giải pháp hỗ trợ phù hợp cho các hộ kinh doanh. Trước mắt, nên lựa chọn diện áp dụng theo quy mô hộ kinh doanh và ngành hàng kinh doanh. Ví dụ, các ngành hàng như: ăn uống, vận tải, bán thuốc, bán sữa… cần đưa vào diện triển khai sớm.
"Cơ quan quản lý phải tính toán làm sao để các hộ kinh doanh có thể tuân thủ quy định dễ dàng, hình thức hóa đơn, chứng từ đơn giản. Cần tránh để hộ kinh doanh hoang mang, dẫn tới có thể xảy ra tình trạng hộ kinh doanh chây ỳ thực hiện hoặc mỗi hộ kinh doanh làm một kiểu", ông Tú nêu ý kiến.
Về lộ trình, ông Tú đề xuất nên có kế hoạch cụ thể với các mốc thời gian rõ ràng, chẳng hạn đặt mục tiêu đến cuối năm 2025 sẽ có một tỷ lệ nhất định hộ kinh doanh chuyển sang kê khai thuế, và đến giữa năm 2026 tăng thêm bao nhiêu phần trăm nữa. Theo ông, nếu triển khai bài bản như vậy, việc chấm dứt hoàn toàn hình thức thuế khoán trong năm 2026 là hoàn toàn khả thi.
Diệp Diệp/VOV.VN