Tỉnh đầu tiên ở khu vực miền núi phía Bắc hoàn thành xóa nhà tạm
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Sơn La diễn ra chiều nay (15/5), bà Nông Thị Hà - Thứ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo - khẳng định công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát là biểu hiện sinh động của truyền thống “lá lành đùm lá rách”, tạo động lực để các hộ còn khó khăn vươn lên thoát nghèo.
Bà Nông Thị Hà phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Tào Đạt
Bà Hà cho biết hưởng ứng phong trào thi đua xóa nhà tạm, nhà dột nát do Chính phủ phát động, các cấp ủy, chính quyền trong cả nước đã tích cực triển khai, giúp cho hàng vạn hộ còn khó khăn về nhà ở có được mái ấm, an cư lạc nghiệp.
Đến nay, cả nước có 16 tỉnh hoàn thành công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát; 209.000 căn nhà đã được khánh thành. Dự kiến đến hết ngày 31/5, cả nước sẽ cơ bản hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát.
“Trong phong trào thi đua đó, nhiều địa phương nổi lên như một điểm sáng với cách làm sáng tạo, hiệu quả, về đích sớm hơn kế hoạch chung của cả nước” - bà Hà nhấn mạnh, đồng thời biểu dương Sơn La là tỉnh đầu tiên trong khu vực miền núi phía Bắc hoàn thành chương trình này.
Tuy nhiên, bà Hà lưu ý những kết quả đó mới chỉ là bước đầu. Thời gian tới vẫn còn một số thách thức cần phải giải quyết như: tiếp tục giải quyết vấn đề sinh kế, việc làm cho các hộ dân đã được hỗ trợ nhà ở; bố trí đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số; bảo đảm người dân có thu nhập ổn định, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và thoát nghèo bền vững.
“Trung ương sẽ có hướng dẫn trong việc giám sát, không để xảy ra tình trạng các hộ đã được hỗ trợ lại chuyển nhượng nhà, đất ở, hoặc một số vấn đề phát sinh khác...” - bà Hà cho hay.
Nhiệm vụ chính trị đặc biệt, “về đích” sớm hơn 169 ngày
Theo báo cáo tại hội nghị, tháng 12/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La thành lập Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh, do Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban, Chủ tịch UBND tỉnh làm Phó Trưởng ban Thường trực.
Sau đó, 100% cấp huyện, xã thành lập Ban chỉ đạo và ban hành quy chế hoạt động.
Hiện tỉnh Sơn La vẫn chưa nhận được kinh phí hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ; vẫn đang sử dụng nguồn Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của tỉnh để tạm ứng hỗ trợ các đối tượng xây dựng và sửa chữa nhà. Lãnh đạo tỉnh đề nghị Bộ Tài chính sớm phân bổ kinh phí thực hiện hỗ trợ nội dung này.
Đầu tháng 12/2024, UBND tỉnh Sơn La ban hành quyết định về áp dụng mẫu thiết kế nhà ở điển hình, trong đó phê duyệt 8 mẫu thiết kế để áp dụng.
Theo rà soát, thống kê, toàn tỉnh có 3.058 nhà tạm, nhà dột nát cần hỗ trợ trong năm 2025 (gồm 2.653 nhà xây dựng mới, 405 nhà sửa chữa).
Công việc này gặp một số thách thức lớn như: hộ được hỗ trợ thuộc các xã, bản nằm rải rác cách xa trung tâm, giao thông còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng tới công tác vận chuyển nguyên, vật liệu, làm tăng chi phí; thời tiết diễn biến phức tạp, thường xuyên xảy ra thiên tai (mưa đá, sạt lở đất ..) nên ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng nhà ở của người dân.
Trong khi đó, nhận thức của người dân chưa đồng đều, một bộ phận người dân vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Một số gia đình gặp khó khăn về đất ở hoặc mặt bằng để xây dựng nhà.
Tuy nhiên, tỉnh Sơn La xác định đây là nhiệm vụ chính trị đặc biệt, chủ trương lớn có ý nghĩa quan trọng và nhân văn sâu sắc của Đảng, Nhà nước, góp phần đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới. Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát để người dân an cư, lạc nghiệp chính là những nền tảng cơ bản nhất của một đất nước giàu mạnh.
Theo ông Hoàng Quốc Khánh - Bí thư Tỉnh ủy Sơn La, phong trào tại địa phương thành công bởi có sự ủng hộ, đồng lòng cao trong cả hệ thống chính trị.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Tào Đạt
Tổng nhu cầu kinh phí để hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 3.058 căn nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Sơn La năm 2025 là 171,33 tỷ đồng.
Tới nay, kinh phí đã có là gần 210,62 tỷ đồng, gồm: nguồn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (5,556 tỷ đồng); tiết kiệm chi ngân sách cấp tỉnh (8,64 tỷ đồng); tiết kiệm chi ngân sách cấp huyện (10,338 tỷ đồng); tài trợ của tỉnh Đồng Nai (111 tỷ đồng); kinh phí xã hội hóa cấp huyện tiếp nhận (13,514 tỷ đồng); Ban Vận động Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh tiếp nhận (gần 61,57 tỷ đồng).
Nguồn kinh phí chưa tiếp nhận là 8,94 tỷ đồng, dành để hỗ trợ 200 nhà đối với hộ người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ, gồm 98 nhà xây mới và 102 nhà sửa chữa.
Ngoài việc đóng góp, ủng hộ về kinh phí, các nhà thiện nguyện, lực lượng công an, quân đội, chính quyền địa phương và các tổ chức, đoàn thể còn chung tay đóng góp trên 75 nghìn ngày công lao động để hỗ trợ các hộ dân xây dựng, sửa chữa nhà ở, góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình, tiết kiệm chi phí.
Hiện tỉnh Sơn La đã hoàn thành nhiệm vụ xóa 3.058 nhà tạm, nhà dột nát, vượt sớm 169 ngày so với thời hạn Chính phủ quy định (ngày 31/10).
Những huyện “về đích” sớm nhất gồm: Quỳnh Nhai (27/3), Bắc Yên (28/4), Phù Yên (29/4), Thuận Châu (5/5), Mai Sơn (8/5)…
Những căn nhà được hỗ trợ xây dựng có diện tích bằng hoặc lớn hơn thiết kế mẫu đã phê duyệt, bảo đảm chất lượng đạt tiêu chuẩn "3 cứng" theo quy định (khung cứng, tường cứng, mái cứng), phù hợp với phong tục tập quán sinh hoạt. Địa điểm xây dựng phù hợp với địa chất, địa hình nhằm hạn chế mức thấp nhất ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt nếu xảy ra.
Sơn La là tỉnh vùng cao biên giới với dân số trên 1,3 triệu người gồm 12 dân tộc chủ yếu cùng chung sống. Tính đến tháng 12/2024, toàn tỉnh có 32.652 hộ nghèo (chiếm 10,89% tổng số hộ), 24.993 hộ cận nghèo (8,34%).
Từ năm 2020 đến hết năm 2024, tỉnh xây dựng, sửa chữa được 9.317 nhà tạm, nhà dột nát với tổng số kinh phí hỗ trợ 441,287 tỷ đồng (xã hội hóa hơn 383 tỷ đồng; ngân sách nhà nước hơn 58 tỷ đồng).
Bình Minh