Đoàn viên thanh niên huyện Phú Thiện giúp làm nhà ở cho người có công. Ảnh: baogialai.com.vn
Với phương châm “Chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, tỉnh Gia Lai đã huy động nhiều nguồn lực dành cho công tác này, qua đó giúp hàng ngàn người nghèo an cư lạc nghiệp.
Triển khai chặt chẽ, đúng đối tượng, đúng mục đích
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh, Gia Lai hiện có 17.183 hộ nghèo, 9.469 hộ cận nghèo. Năm 2025, tỉnh dự kiến hỗ trợ xây mới, sửa chữa 8.178 căn nhà; trong đó, có 248 căn cho gia đình chính sách người có công, 5.354 căn cho hộ nghèo, 2.576 căn cho hộ cận nghèo. Định mức hỗ trợ là 60 triệu đồng/hộ khi xây mới, 30 triệu đồng/hộ khi sửa chữa; tổng nhu cầu kinh phí là 438,57 tỷ đồng. Các địa phương đã và đang “chạy đua với thời gian” hoàn thiện phương án chặt chẽ, đúng đối tượng, đảm bảo sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, hiệu quả.
Huyện biên giới Chư Prông có số lượng nhà tạm, dột nát cần xây dựng, sửa chữa lớn nhất tỉnh Gia Lai với 1.078 căn nhà (trong đó sửa chữa 81 căn). Để sớm triển khai chương trình, huyện đã gấp rút thành lập Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát; xác minh các đối tượng được thụ hưởng; đôn đốc các ban, ngành, huy động, kêu gọi toàn xã hội cùng chung tay với tinh thần “lá lành đùm lá rách".
Ông Đinh Văn Dũng, Bí thư Huyện ủy Chư Prông cho biết: "Chương trình xóa nhà tạm, dột nát là một chủ trương lớn, đúng đắn và nhân văn. Từ chương trình này sẽ có nhiều hộ nghèo, khó khăn về nhà ở được an cư. Chương trình sẽ tiếp thêm động lực, niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước để người dân nghèo vươn lên làm kinh tế, thay đổi cuộc sống của chính họ.
Đến thời điểm này, huyện Chư Prông đã hoàn thành rà soát danh sách các gia đình trong diện được thụ hưởng chương trình; thành lập và kiện toàn Ban Chỉ đạo. Thời gian tới, chúng tôi sẽ phát động phong trào thi đua xóa nhà tạm, dột nát sâu rộng trong toàn huyện. Vận động toàn dân, các gia đình được thụ hưởng cùng góp công sức thực hiện có hiệu quả chương trình”.
Huyện vùng sâu Ia Pa cũng đã cơ bản hoàn thành xong công tác chuẩn bị triển khai. Theo ông Nguyễn Minh Trưởng, Bí thư Huyện ủy Ia Pa, ở huyện có 507 hộ cần xây dựng, sửa chữa nhà tạm, dột nát. Với tinh thần vừa làm vừa gỡ, hộ nào dễ thì làm trước, hộ nào còn vướng mắc về các thủ tục đất đai thì làm sau, dự kiến đến ngày 10/2/2025, huyện sẽ khởi công xây dựng.
Để đảm bảo chất lượng công trình, người dân đồng thuận và sử dụng hiệu quả, thuận tiện nhà ở, huyện Ia Pa đã lấy ý kiến các hộ dân được thụ hưởng chương trình về mẫu nhà ở; kêu gọi các tổ chức, đoàn thể, nhà hảo tâm cùng đóng góp xây dựng chương trình.
Ông Nguyễn Minh Trưởng nêu rõ: Huyện Ia Pa phấn đấu sử dụng toàn bộ kinh phí được cấp để mua nguyên, vật liệu xây nhà; các chi phí như công xây dựng, hoàn thiện các hạng mục ngoài sẽ cố gắng vận động, kêu gọi thực hiện. Đồng thời theo tinh thần của Thủ tướng “ai có gì góp nấy, có của góp của, có công góp công, có ít góp ít, có nhiều góp nhiều”, huyện đảm bảo các công trình xây dựng chất lượng, tiếp thêm động lực để người thụ hưởng vươn lên trong cuộc sống.
Phấn đấu sớm hoàn thành xóa nhà tạm, dột nát
Những năm qua, xóa nhà tạm, dột nát tại Gia Lai đã trở thành một phong trào rộng khắp, được các cấp, ngành nỗ lực thực hiện, góp phần nâng cao đời sống người dân. Việc làm đầy ý nghĩa nhân văn này còn là động lực để phát huy hơn nữa truyền thống tương thân tương ái, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Hồ Văn Niên, chương trình là cuộc vận động lớn nên cần triển khai chặt chẽ, đúng đối tượng, đảm bảo sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, hiệu quả; trong đó ưu tiên xóa nhà tạm, dột nát cho người có công. Tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả chủ trương xóa nhà tạm, dột nát trên địa bàn. Việc thực hiện phải công khai, minh bạch, đúng quy định, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực, tham nhũng; có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp, ngành và xem đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng để trong 6 tháng đầu năm 2025, tỉnh hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, dột nát trên phạm vi toàn tỉnh.
Ông Hồ Văn Niên cũng yêu cầu căn cứ tình hình thực tế tại địa phương để triển khai, nơi nào gia đình và cộng đồng có thể tự xây, sửa thì giao việc và hướng dẫn quyết toán nhằm tiết kiệm chi phí.
Trên tinh thần quyết tâm cao của hệ thống chính trị, các địa phương trong tỉnh rốt ráo triển khai với tinh thần chặt chẽ, đúng đối tượng, sử dụng nguồn vốn đúng mục đích. Ông Đinh Văn Dũng, Bí thư Huyện ủy Chư Prông cho biết: Dù địa phương có số lượng nhà tạm, dột nát cần xóa lớn nhất tỉnh nhưng không vì thế mà chậm trễ thời gian thực hiện. Huyện đã vận động, huy động và chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể các xã thực hiện đồng bộ; đưa chương trình trở thành mục tiêu thi đua; phấn đấu hoàn thành xóa nhà tạm, dột nạt trước ngày 30/6/2025.
Cũng với tinh thần “vừa làm vừa tháo gỡ”, “dễ làm trước, khó làm sau”, huyện Ia Pa đang nỗ lực phấn đấu xóa nhà tạm, dột nát đúng kế hoạch tỉnh đặt ra. Bí thư Huyện ủy Ia Pa Nguyễn Minh Trưởng khẳng định: Với quyết tâm cao, sự đồng lòng, chung sức của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, huyện phấn đầu hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, dột nát đúng tiến độ, kế hoạch; đồng thời bảo đảm bảo công trình chất lượng, góp phần giúp người nghèo “an cư lạc nghiệp”, tự tin vươn lên trong cuộc sống.
Quang Thái (TTXVN)