Xóa nhà tạm nhà dột nát: Nhiều địa phương còn bỏ sót đối tượng

Xóa nhà tạm nhà dột nát: Nhiều địa phương còn bỏ sót đối tượng
20 giờ trướcBài gốc
Tại phiên họp thứ 4 Ban chỉ đạo Trung ương về xóa nhà tạm nhà dột nát, tổ chức sáng 11-5, Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Thế Tùng cho biết, Bộ Công an đã vận động và triển khai xây dựng 4.444 căn nhà với kinh phí 283 tỉ đồng, nâng tổng kinh phí do Bộ Công an hỗ trợ là 645 tỉ đồng.
Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết một số địa phương còn bỏ sót khá nhiều đối tượng trong xóa nhà tạm nhà dột nát. Ảnh: VGP
Bỏ sót nhiều đối tượng
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, Bộ Công an nhận thấy một số địa phương còn bỏ sót khá nhiều đối tượng. Đối tượng không phải hộ nghèo, cận nghèo, không đưa vào danh sách hỗ trợ mặc dù bà con rất khó khăn, có nhu cầu cần được hỗ trợ về nhà ở.
Do đó, Bộ Công an đề nghị Ban Chỉ đạo có ý kiến với các địa phương tiếp tục rà soát trên tinh thần, chỉ đạo của Thủ tướng, không ai bị bỏ lại phía sau.
Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, cho hay liên quan đến nhà ở cho người có công, thời gian qua Bộ Xây dựng đã cùng các địa phương rà soát và làm rõ các yêu cầu cũng như đối tượng, mức hỗ trợ.
Bộ đã báo cáo Thủ tướng và đề nghị Bộ Tài chính hỗ trợ nguồn tài chính. Ngoài ra, Bộ cũng đề xuất Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính tách ra để báo cáo Quốc hội sớm có nguồn để địa phương triển khai chương trình.
Địa phương tùy điều kiện sẽ quyết định mức hỗ trợ
Về đề xuất sửa đổi Thông tư liên quan đến mức hỗ trợ, theo phân công, các nguồn hỗ trợ của Trung ương thì do Trung ương hỗ trợ, nguồn của địa phương do địa phương hướng dẫn, nguồn của Mặt trận Tổ quốc thì do Mặt trận Tổ quốc hướng dẫn.
Vừa qua, Bộ Xây dựng được giao hướng dẫn mức hỗ trợ theo Quyết định 90 của Thủ tướng, tức là mức hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đây là nguồn từ ngân sách Trung ương, trên cơ sở đó Bộ đã ban hành Thông tư phù hợp với Quyết định.
Thông tư trên cũng nêu tùy điều kiện và khả năng cân đối ngân sách của địa phương, địa phương sẽ quyết định mức hỗ trợ để góp phần nâng cao chất lượng nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo từ các nguồn.
Tại Phiên họp thứ nhất, Thủ tướng cũng đã có quyết định mức hỗ trợ đối với Chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo theo mức xây mới là 60 triệu đồng, sửa chữa là 30 triệu đồng. Nguồn tăng thêm này cũng được xác định là vận động thêm xã hội hóa để bảo đảm nguồn vốn trên.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng nêu ý kiến. Ảnh: VGP
Phản hồi ý kiến này, Bộ trưởng Bộ DT&TG Đào Ngọc Dung cho hay, nhà ở cho người có công chỉ vướng ở việc chưa có nguồn tiền, đồng thời đặt câu hỏi: Chủ trương có cho phép ứng tiền không?
Bộ trưởng Dung cũng cho biết, hiện các địa phương đang thực hiện mức 60 triệu đồng cho xây mới và 30 triệu đồng cho sửa chữa.
Nghị quyết 111 và 88 của Quốc hội đã cho phép tất cả 3 chương trình này có thể điều chỉnh từ nguồn này sang nguồn khác, từ công việc này sang công việc khác. Thủ tướng cũng đã ban hành Quyết định 90, do đó, Bộ DT&TG đề nghị Bộ Xây dựng căn cứ các quy định, có văn bản hướng dẫn cho các địa phương chủ động điều chỉnh trong tổng số nguồn kinh phí của 3 chương trình thì các địa phương sẽ làm được.
Hỗ trợ thêm cho các địa phương khó khăn
Bộ trưởng Bộ NN&MT Đỗ Đức Duy cho biết, một số địa phương gặp khó khăn trong huy động nguồn lực khi nâng mức từ 40 triệu lên 60 triệu đồng. Đơn cử, ở tỉnh Hà Giang, vì còn khoảng 7.100 căn nên ít nhất phải bổ sung thêm 120 tỉ đồng. "Đây là con số lớn, rất khó khăn với Hà Giang. Một số địa phương khác còn hơn 2.000 căn cũng là số lượng nhiều".
Do đó, Bộ NN&MT đề nghị các địa phương chưa phân bổ nguồn lực thì khẩn trương phân bổ. Ngoài ra, chủ động huy động để bổ sung thêm; chủ động lồng ghép dự án năm với 2 đề án còn lại để cân đối nguồn lực và theo dõi bổ sung, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc.
Bộ NN&MT cũng đề nghị các địa phương điều chỉnh kế hoạch, với tốc độ này nếu quyết tâm thì có thể hoàn thành trước ngày 2-9.
Ngoài ra, Bộ NN&MT cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương phấn đấu cơ bản hoàn thành trước ngày 2-9. Cùng với đó, cân đối, hỗ trợ thêm cho các địa phương khó khăn như tỉnh Hà Giang.
Song song đó là theo dõi, tổng hợp chung 3 chương trình về số lượng trong một tỉnh. "Ví dụ như Sơn La cơ bản hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát nhưng chương trình giảm nghèo số lượng còn lại rất lớn. Hay như Hà Giang, Quảng Nam nhìn vào số lượng tổng thể của cả 3 chương trình sẽ có bức tranh tổng thể hơn và có hướng giải quyết cụ thể hơn", Bộ trưởng nói.
MINH TRÚC
Nguồn PLO : https://plo.vn/xoa-nha-tam-nha-dot-nat-nhieu-dia-phuong-con-bo-sot-doi-tuong-post849149.html