Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung thực hiện nghi thức bàn giao nhà mới cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ, trong Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát
Trong báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, một trong những nội dung mà cử tri và nhân dân quan tâm là Cuộc vận động cả nước chung tay hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo trong năm 2025.
Hỗ trợ làm mới và sửa chữa được 121.638 nhà
Theo đó, cử tri và Nhân dân ghi nhận và đánh giá cao những quan điểm chỉ đạo và hành động quyết liệt của Đảng, Nhà nước; sự vào cuộc tích cực, có hiệu quả của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và những kết quả rất quan trọng trong việc thực hiện Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên cả nước trong năm 2025
Theo báo cáo, tính đến ngày 06/3/2025, theo báo cáo của các địa phương, chương trình đã hỗ trợ làm mới và sửa chữa được 121.638 nhà; trong đó, hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng là 10.338 nhà, hỗ trợ nhà ở thuộc 02 chương trình mục tiêu quốc gia là 57.664 nhà, hỗ trợ nhà ở thuộc chương trình phát động xóa nhà tạm, nhà dột nát là 53.636 nhà. Đến nay có 06 địa phương không còn nhà tạm, nhà dột nát (Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Ninh). Các địa phương đã hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cao nhất là Nghệ An với 8.065 căn; Sóc Trăng với 4.341 căn; Hà Giang với 3.698 căn; Lào Cai với 2.370 căn…
Tính đến ngày 6/3/2025, theo báo cáo của các địa phương, chương trình đã hỗ trợ làm mới và sửa chữa được 121.638 nhà
Cử tri cũng đánh giá cao việc công khai minh bạch khi vận động và sử dụng các khoản quyên góp ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3 gây ra của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.
Nhân dân cho rằng việc triển khai này rất quan trọng, đảm bảo các tài khoản đóng góp sẽ được sử dụng đúng mục đích và cung cấp cho những người thực sự cần được hỗ trợ. Việc vận động, kêu gọi người ủng hộ cho các nạn nhân bão lũ, đồng thời có sự tham gia và giám sát của người dân, sẽ giúp tăng cường sự đồng cảm và tinh thần tương thân tương ái trong xã hội.
Cần tháo gỡ vướng mắc về đất đai
Tuy nhiên, bên cạnh đó, cử tri và nhân dân cho rằng, các ngành chức năng cần kiểm tra, rà soát, đánh giá việc hỗ trợ nhân dân bị ảnh hưởng do thiên tai, bão lụt, bởi tình trạng hỗ trợ chậm tiến độ, mức hỗ trợ quá thấp so với mức thiệt hại đã gây bức xúc cho nhân dân trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, cử tri và Nhân dân cho rằng, hiện nay vấn đề an sinh xã hội, xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo vẫn đang còn gặp một số bất cập.
Mặc dù Đảng và Nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ để xây dựng nhà, tuy nhiên vẫn còn một số trường hợp không có đất, hoặc có đất nhưng không có đất ở (đất thổ cư) hoặc không có khả năng chuyển mục đích đất ở theo quy định của pháp luật.
Tại nhiều địa phương, việc “đổi công” góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát tại một số địa phương và có sự tham gia tích cực của nhiều cán bộ, hội viên phụ nữ
Qua rà soát theo quy định, hiện có đến 2.453/3.484 hộ chưa đáp ứng được yêu cầu về tiêu chí tại Quyết định số 55/QĐ-BXD ngày20/01/2025 của Bộ Xây dựng. Theo đó, nhà tạm, nhà dột nát, là đối tượng để được hỗ trợ, phải là nhà được xây dựng trên đất ở không có tranh chấp.
Một số địa phương đang gặp khó khăn do theo Quy định số 55/QĐ-BXD thì người được hỗ trợ xây nhà phải có đất thổ cư (đồng thời đất này phải được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). Nhưng một số hộ dân khó khăn về nhà ở trước đây đã dựng trên đất không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đất để xây dựng nhà chủ yếu là được cha, mẹ cho, diện tích đất thường không lớn và không đáp ứng kích thước tối thiểu để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; không có kinh phí chuyển mục đích sử dụng thành đất ở; đất không nằm trong quy hoạch đất ở; một số hộ không có đất, chỉ ở nhờ… điều đó làm cho người dân rất lo lắng.
Bệnh cạnh đó, cử tri và nhân dân mong muốn Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nhất là xây dựng hạ tầng giao thông từ bản đến xã, bản đến bản, kéo điện lưới quốc gia tới các bản tại vùng sâu, vùng xa chưa có điện lưới; tăng cường các dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân tại vùng sâu, vùng xa tiếp cận các dịch vụ giáo dục, thông tin, y tế, có chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, giải quyết việc làm cho lao động người dân tộc thiểu số.
Mai Vàng