Không "khoán trắng" cho cơ sở
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phát động chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát vào tháng 10/2024, Bắc Kạn là một trong những tỉnh đầu tiên vào cuộc mạnh mẽ.
Qua rà soát kỹ lưỡng, toàn tỉnh xác định có 6.008 hộ đủ điều kiện hỗ trợ - phần lớn là hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở các vùng sâu, vùng xa, có điều kiện sinh hoạt rất khó khăn.
Nhiều căn nhà tại tỉnh Bắc Kạn từ chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát đã được xây dựng kiên cố.
Năm 2025, Bắc Kạn đặt mục tiêu xóa 4.716 căn nhà tạm, trong đó xây mới 3.986 căn và sửa chữa 730 căn. Không chờ đợi hoàn toàn vào nguồn ngân sách Trung ương, tỉnh đã chủ động ứng trước 75 tỷ đồng từ Quỹ cứu trợ và tích cực huy động xã hội hóa từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn.
Điều đáng chú ý là quá trình triển khai, tỉnh không "khoán trắng" cho cơ sở. Theo đó, tỉnh xây dựng cơ chế kiểm tra chéo, giám sát liên ngành, công khai danh sách thụ hưởng đến từng thôn bản. Cán bộ được giao nhiệm vụ xuống từng hộ dân, đánh giá điều kiện thực tế và trực tiếp theo dõi quá trình xây dựng.
Sự nghiêm túc ấy đã cho thấy hiệu quả rõ rệt. Đến cuối tháng 4/2025, toàn tỉnh đã hoàn thành hỗ trợ cho 1.438 hộ, trong đó có 213 căn nhà đã hoàn thiện (148 căn xây mới, 65 căn sửa chữa), 1.225 căn đang tiếp tục thi công.
Thực hiện phương châm chương trình không chỉ đạt tiến độ, mà còn đảm bảo chất lượng. Chính vì vậy, tỉnh Bắc Kạn kiên quyết không hạ tiêu chuẩn. Những ngôi nhà chưa đạt yêu cầu tiếp tục được hỗ trợ bổ sung vật liệu để bảo đảm độ bền, khả năng chống chịu thời tiết và tính an toàn lâu dài.
Muốn "đúng và trúng" phải có cách làm thực chất
Hộ ông Mai Xuân Huỳnh, thôn Chợ Lèng, xã Quảng Khê, huyện Ba Bể chia sẻ: Gia đình từng sống trong một căn nhà tạm bợ suốt nhiều năm. Căn nhà được dựng lên bằng tre, tường chát bằng vôi, mái lợp fibro xi măng, mỗi lần mưa xuống là nước lênh láng trong nhà. Vào mùa đông, gió lùa lạnh cắt da cắt thịt, khiến gia đình ông không có được giấc ngủ trọn vẹn.
Ngôi nhà của gia đình ông Mai Xuân Huỳnh, thôn Chợ Lèng xã Quảng Khê, huyện Ba Bể đang được thi công xây dựng từ nguồn kinh phí xóa nhà tạm nhà dột nát của tỉnh Bắc Kạn.
"Nhà dột khắp nơi, mưa gió là ướt hết cả giường chiếu. Chúng tôi chẳng dám nghĩ có ngày sẽ được ở trong ngôi nhà khang trang hơn," ông Huỳnh chia sẻ.
Năm 2024, gia đình ông Huỳnh được xét duyệt hỗ trợ xây nhà mới từ chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát. Thêm chính quyền địa phương hỗ trợ một phần kinh phí, cộng với sự giúp đỡ của họ hàng, làng xóm... gia đình ông Huỳnh quyết định xây dựng ngôi nhà mơ ước.
Quá trình xây dựng không hề dễ dàng. Địa hình đồi núi khiến việc vận chuyển vật liệu gặp khó khăn, chưa kể kinh phí eo hẹp buộc gia đình phải tính toán tiết kiệm từng khoản. Nhưng với sự quyết tâm và giúp sức chính quyền, đoàn thể, cộng đồng... ngôi nhà đến nay đã dần được lên hình thành.
"Tôi rất cảm ơn Đảng và nhà nước, các tổ chức đoàn thể đã giúp đỡ gia đình tôi. Nửa tháng nữa thôi là gia đình tôi được vào ở ngôi nhà khang trang, chắc chắn hơn rồi" - ông Huỳnh vui mừng.
Ông Trương Văn Tỉnh - Trưởng thôn Nhật Vẹn, xã Phúc Lộc, huyện Ba Bể cho biết: "Từ khi biết đến chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, toàn thể người dân đều vô cùng phấn khởi. Đây là chương trình vô cùng ý nghĩa, hỗ trợ cho những người đồng bào dân tộc có điều kiện sống tốt hơn, đảm bảo an sinh xã hội và yên tâm làm việc".
Tại xã Dương Quang (TP Bắc Kạn), ông Triệu Văn Lục, 65 tuổi, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, cũng vừa nhận bàn giao căn nhà được sửa chữa. Trước đó, mái nhà bị dột nát, vách tường nứt toác, mùa đông gió lùa lạnh buốt. Nay, căn nhà đã được nâng nền, lợp lại mái tôn lạnh và gia cố các bức tường.
“Tôi rất mừng vì nhà đã kiên cố hơn. Sau khi bàn giao xong, cán bộ chính quyền còn đến kiểm tra nhiều lần xem chất lượng sửa chữa có tốt không”, ông Lục xúc động nói.
Theo bà Đỗ Thị Minh Hoa - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Kạn, việc xóa nhà tạm không chỉ là phân bổ ngân sách mà còn là một cam kết trách nhiệm.
"Mỗi căn nhà là một địa chỉ cụ thể, có người theo dõi, đôn đốc đến khi hoàn thành. Nhờ đó, hỗ trợ không còn dàn trải mà thực sự đến đúng người, đúng nơi", bà Hoa nhấn mạnh.
Bà Hoa cũng cho rằng: Chính sách muốn "đúng và trúng" thì phải có cách làm thực chất, minh bạch và gần dân. Đó cũng là lý do vì sao chương trình ở Bắc Kạn đang nhận được sự đồng thuận cao trong cộng đồng và tạo ra hiệu ứng tích cực ở cơ sở.
Nguyên Anh