Xóa nhà tạm trên vùng biên giới tỉnh Quảng Nam

Xóa nhà tạm trên vùng biên giới tỉnh Quảng Nam
19 giờ trướcBài gốc
Dọn về trong trong căn nhà mới, chị Blup Thị Tý, người Cơ Tu ở thôn Ra Bhươp, xã A Tiêng, huyện Tây Giang không giấu được niềm vui. Sau 5 năm lập gia đình, hoàn cảnh quá khó khăn, vợ chồng chị Blup Thị Tý phải sống trong căn nhà tranh tre, tạm bợ, không có điều kiện xây nhà mới. Mỗi lần mưa bão, cả nhà phải qua trụ sở UBND xã hoặc nhà sinh hoạt cộng đồng thôn để tránh trú.
Mẹ con chị Blup Thị Tý bên ngôi nhà mới
Hàng ngày, chị Blup Thị Tý ra chợ bán rau, có ngày kiếm được 50.000 đồng đến 70.000 đồng, có ngày không được đồng nào. Chồng chị chẳng có việc làm nên cuộc sống cả gia đình rất thiếu thốn. Thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn, cuối năm 2024, Ban Vận động xóa nhà tạm, nhà dột nát huyện Tây Giang đã hỗ trợ 60 triệu đồng giúp chị làm nhà. Chị Blup Thị Tý vay thêm 200 triệu đồng từ Ngân hàng Agribank và Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh huyện Tây Giang, bà con trong thôn, bản chung tay giúp gia đình chị Tý làm được ngôi nhà kiên cố.
“Nay có nhà mới ở rồi, chúng tôi rất vui, cả đời mơ chưa có nhà ở như hôm nay, bây giờ cố gắng làm ăn để sau này có cuộc sống tốt hơn. Cám ơn Đảng và chính quyền đã hỗ trợ", chị Tý chia sẻ.
Huyện Tây Giang phấn đấu hết tháng 7 năm 2025 sẽ hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn
Nhiều năm qua, huyện miền núi cao Tây Giang, tỉnh Quảng Nam tập trung nhiều nguồn lực hỗ trợ bà con xóa nhà tạm gắn với phòng, chống thiên tai. Sau khi tỉnh Quảng Nam có chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát cho đồng bào nghèo đến năm 2025, huyện Tây Giang nhanh chóng thành lập Ban chỉ đạo, phân công các thành viên từ Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND, cán bộ các ngành trực tiếp đứng điểm, chỉ đạo quyết liệt xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Qua rà soát, huyện Tây Giang còn 1.261 nhà tạm, nhà dột nát cần được hỗ trợ. Đến thời điểm hiện nay, địa phương này đã hoàn thành 674 nhà, trong đó 471 nhà xây mới và 203 nhà sửa chữa, tổng kinh phí thực hiện gần 15 tỷ đồng. Huyện Tây Giang phấn đấu đến hết tháng 7 năm 2025 sẽ hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn.
Trao kinh phí hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ khó khăn. Ảnh (Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Tây Giang cung cấp)
Ông Bríu Quân, Chủ tịch ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết: “Hiện nay huyện Tây Giang cùng các cấp chính quyền địa phương tập trung xóa nhà tạm, nhà dột nát. Chúng tôi đã hoàn thành xong 674 nhà, đang tiếp tục vận động các tổ chức, doanh nghiệp tiếp tục hưởng ứng chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát. Chúng tôi phấn đấu đến tháng 7 năm nay sẽ hoàn thành xong xóa nhà tạm, nhà dột nát. Qua kiểm tra giám sát đa số người dân rất phấn khởi và vui mừng khi các chủ trương của nhà nước cũng như nguồn vận động qua kênh mặt trận và nhiều nguồn hỗ trợ đã đến với người dân”.
Hiện nay, nhiều địa phương miền núi tỉnh Quảng Nam đang nỗ lực triển khai chương trình xóa nhà tạm, đảm bảo an cư cho đồng bào. Các địa phương đã linh hoạt lồng ghép các nguồn lực, xã hội hóa để đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát. Đến nay, tỉnh Quảng Nam hoàn thành xây dựng và sửa chữa 5.590 nhà tạm, nhà dột nát trên tổng số 11.663 nhà cần hỗ trợ, đạt hơn 47% kế hoạch, tổng kinh phí hỗ trợ hơn 273 tỷ đồng.
Chính quyền địa phương huyện Tây Giang bàn giao nhà ở cho hộ đồng bào Cơ Tu gặp khó khăn về nhà ở
Trong năm nay, số nhà tạm, nhà dột nát cần thực hiện của tỉnh Quảng Nam lên tới hơn 6 ngàn nhà. Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã và đang triển khai hiệu quả phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát”, phấn đấu đến tháng 10 năm nay, sẽ hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn.
Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cho biết: “Tỉnh Quảng Nam cũng tập trung nguồn lực để triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn. Chúng tôi đặt ra mục tiêu là đến tháng 10 năm 2025, Quảng Nam cơ bản sẽ về đích trong xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Hiện nay các nguồn lực huy động phục vụ cho chương trình này từ nhiều nguồn khác nhau, nguồn hỗ trợ từ trung ương, nguồn từ ngân sách và đặc biệt là nguồn huy động trong đóng góp của dân và đặc biệt là các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cơ bản đủ nguồn lực để tổ chức triển khai chương trình này. Do đó khâu tổ chức thực hiện làm sao vừa đảm bảo nguồn lực kinh phí, vừa huy động sự tham của cộng đồng địa phương hỗ trợ cho các nhà dân giảm bớt chi phí ngày công trong xóa nhà tạm, nhà dột nát để số tiền ủng hộ đi vào thực chất và kết cấu nôi nhà bền chặt hơn".
Tuyết Lê/VOV-Miền Trung
Nguồn VOV : https://vov.vn/xa-hoi/xoa-nha-tam-tren-vung-bien-gioi-tinh-quang-nam-post1156194.vov