Xoay chuyển đúng hướng sẽ đưa hàng Việt 'vượt bão'

Xoay chuyển đúng hướng sẽ đưa hàng Việt 'vượt bão'
3 ngày trướcBài gốc
Đứng ở góc độ của một doanh nghiệp (DN) nội địa trong ngành chế biến thực phẩm, ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT CTCP Vinamit, cho rằng đối với những cuộc khủng hoảng như hiện nay, nếu không đưa được hàng hóa sản phẩm vào “trái tim” của người tiêu dùng sẽ rất dễ bị lỗi thời. Nếu doanh nghiệp (DN) nào vẫn còn đi trên con đường chiến thắng thị trường bằng giá rẻ thì chắc chắn sẽ bị “sập” trong “cơn bão” lần này.
Sẽ chết nếu mãi cạnh tranh bằng giá rẻ
Như lưu ý của ông Viên, có những thách thức lớn về mặt thị trường mà các DN Việt đang phải đối mặt. Thứ nhất là khả năng “lên ngôi” của thương mại điện tử có thể đập tan toàn bộ hệ thống GT (kênh phân phối truyền thống) của DN. Thứ hai là hành vi người tiêu dùng thay đổi hoàn toàn, chẳng hạn như họ chăm chăm mua hàng trên Shopee hay Tiktok, sẽ càng làm cho DN dễ “chết” hơn nữa vì không thể mãi cạnh tranh bằng giá rẻ với mặt hàng ngoại nhập đang tràn ngập.
Các DN Việt sẽ khó có thể mãi cạnh tranh bằng giá rẻ khi mà hàng nhập giá rẻ (nhất là từ Trung Quốc) đang tràn ngập.
Chính vì thế, trong chia sẻ mới đây với giới DN ở Tp.HCM tại lễ công bố hàng Việt Nam chất lượng cao 2025, vị chủ tịch của Vinamit nhấn mạnh điều bắt buộc là các DN Việt phải đi bằng con đường giá trị. Nếu các DN bây giờ mới xây dựng giá trị e rằng đã là chậm rồi, nếu không “xoay chuyển đúng hướng gió” thì “cơn lốc bão” này sẽ cuốn các DN văng ra xa hơn.
“Còn nếu xoay chuyển đúng hướng cơn bão lại giúp chúng ta đi nhanh hơn. Như vậy, việc nâng cao giá trị hàng hóa sản phẩm của các DN là rất quan trọng trong lúc này”, ông Viên nói.
Xét về bài toán gia tăng giá trị cho hàng Việt để “vượt bão”, có thể kể đến ngành rau quả. Theo ông Nguyễn Văn Mười, Phó tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, việc nâng cao tỷ trọng chế biến trong xuất khẩu (XK) rau quả sẽ giúp giải quyết bài toán tiêu thụ nông sản (với áp lực theo mùa vụ và sản lượng lớn). Điều này đòi hỏi phải đẩy mạnh chế biến sâu hơn nữa thay vì mức độ khiêm tốn của sản phẩm chế biến rau quả khi đưa ra thị trường chỉ vào khoảng 20 - 30% như hiện nay.
Hoặc như bài toán đầu tư để đa dạng hóa XK sản phẩm cá thịt trắng trong ngành thủy sản cũng là một cách để “vượt bão”. Đơn cử trường hợp cá rô phi khi tính riêng 2 tháng đầu năm nay, XK riêng cá rô phi sang thị trường Mỹ chiếm 47% tỷ trọng trong tổng Việt Nam XK các sản phẩm này ra thế giới. Tổng giá trị XK cá rô phi sang Mỹ trong 2 tháng đầu năm 2025 đạt gần 3 triệu USD, tăng 105% so với cùng kỳ năm ngoái, và tăng trưởng đều ở mỗi tháng.
Theo bà Thu Hằng, chuyên viên phân tích của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep), hiện nay một số tỉnh, DN địa phương đang “trăn trở” về việc đầu tư, phát triển nuôi cá rô phi, bên cạnh sản phẩm cá thịt trắng XK chủ lực là cá tra.
Như chia sẻ của bà Hằng, nếu các DN Việt Nam quyết định đẩy mạnh nuôi cá rô phi, ngành thủy sản nói chung và ngành XK cá thịt trắng có thể tận dụng các cơ hội như: Đa dạng hóa sản phẩm (bổ sung vào danh mục XK, đồng thời kịp nắm bắt các cơ hội mới); Khai thác thị trường nội địa (cá rô phi có thể phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước, giảm nhập khẩu từ Trung Quốc); Tận dụng thị trường Mỹ và châu Âu (Khi Mỹ giảm nhập khẩu cá rô phi từ Trung Quốc, đây là cơ hội để Việt Nam mở rộng thị phần).
Tuy vậy, vị chuyên viên phân tích của Vasep cũng chỉ rõ cơ hội luôn đi đôi với thách thức. Đẩy mạnh nuôi cá rô phi, Việt Nam phải chấp nhận sẽ cạnh tranh gay gắt với Trung Quốc, trong khi nước này có lợi thế về quy mô sản xuất và chi phí thấp hơn. Hơn nữa, việc đầu tư đòi hỏi công nghệ nuôi tiên tiến, hiện đại để đảm bảo chất lượng và năng suất cá rô phi cũng sẽ là một thách thức không nhỏ với DN Việt Nam.
Tăng sức chống chịu từ hàng giá trị gia tăng cao
Giữa bối cảnh có nhiều “cơn bão” khủng hoảng như hiện nay, điển hình là việc Mỹ siết chặt thuế quan, để cho hàng Việt “vượt bão”, Ts. Chu Thanh Tuấn, chuyên gia kinh tế, nhấn mạnh điểm đáng chú ý là xu hướng phát triển công nghiệp nội địa và sản phẩm công nghệ cao. Nếu Việt Nam có thể khuyến khích DN trong nước tăng cường sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn thay vì chỉ làm gia công, nền kinh tế sẽ có khả năng chống chịu tốt hơn trước các cú sốc từ bên ngoài.
Ví dụ, việc đầu tư vào sản xuất chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) và năng lượng tái tạo có thể giúp Việt Nam trở thành một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, giảm sự phụ thuộc vào các ngành truyền thống như dệt may và da giày.
Ngoài ra, theo Ts. Tuấn, Việt Nam cũng có thể tận dụng các hiệp định thương mại tự do để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, giảm bớt sự phụ thuộc vào Mỹ. Hiện tại, Việt Nam đã tham gia các hiệp định quan trọng như (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Những hiệp định này mở ra cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước ASEAN, giúp giảm thiểu rủi ro từ chính sách thương mại của Mỹ.
Mặt khác, như chia sẻ của vị chuyên gia này, một trong những cơ hội lớn nhất là việc thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ các DN rời khỏi Trung Quốc. Các tập đoàn lớn như Apple, Samsung, Intel và Foxconn đã mở rộng hoạt động sản xuất tại Việt Nam trong những năm qua và xu hướng này vẫn tiếp tục. Nếu Việt Nam có thể tận dụng làn sóng dịch chuyển này một cách hiệu quả, nền kinh tế sẽ không chỉ tăng trưởng về XK mà còn phát triển mạnh trong các ngành công nghệ cao, tự động hóa và sản xuất linh kiện điện tử.
Còn theo Ts. Võ Trí Thành, nguyên phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương, các DN Việt cần thấy hết khó khăn, thế giới bây giờ là vậy, thích hay không thích thì chúng ta vẫn phải thích ứng. Tức là phải quản trị được rủi ro, quản trị sự bất định.
“Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thấu tỏ được cơ hội. Trong bối cảnh thách thức và cơ hội đan xen nhau như vậy, làm sao chúng ta vẫn tìm thấy cơ hội đó là điều DN phải làm được”, ông Thành nói.
Nói chung, điều kỳ vọng cho hàng Việt “vượt bão”, tăng sức chống chịu là cần phải đi đúng hướng. Với một nền kinh tế mở như Việt Nam, những biến động trên thị trường thế giới có thể gây bất lợi đáng kể. Do đó, việc “xoay chuyển theo đúng hướng gió của cơn bão” là rất quan trọng cho DN Việt trong thời gian tới.
Thế Vinh
Nguồn Vnbusiness : https://vnbusiness.vn//viet-nam/xoay-chuyen-dung-huong-se-dua-hang-viet-vuot-bao-1105726.html