Xót xa hàng chục khu đô thị phía Tây Hà Nội bị bỏ hoang

Xót xa hàng chục khu đô thị phía Tây Hà Nội bị bỏ hoang
9 giờ trướcBài gốc
Từ vùng đất “vàng” thành khu đô thị bỏ hoang
Khu vực phía Tây Hà Nội từng có giai đoạn được xem là vùng đất “vàng” của thị trường bất động sản (BĐS) Hà Nội. Nơi đây đã được rất nhiều DN, tập đoàn lớn hoạt động trong lĩnh vực BĐS lựa chọn làm điểm dừng chân. Sau khoảng chục năm, với sự góp mặt của những DN này phía Tây Hà Nội đã có sự “chuyển mình” mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng, kéo theo đó là giá trị về đất đai, chất lượng đời sống của người dân không ngừng được tăng lên.
Tuy nhiên, sau một thời gian phát triển “nóng”, thị trường BĐS khu vực này đã nảy sinh nhiều bất cập, đó là tình trạng hàng chục khu đô thị, với hàng nghìn căn hộ, nhà ở mặc dù đã xây dựng xong từ nhiều năm vẫn không có người đến ở, biến những dự án có trị giá hàng trăm triệu đô la Mỹ trở thành những “khu đô thị ma”, gây lãng phí tài nguyên và bức xúc trong dư luận, trước thực trạng nguồn cung nhà ở cho nhóm người lao động, thu nhập thấp đang thiếu trầm trọng.
Đơn cử, tại huyện Hoài Đức, theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, nhiều dự án: khu đô thị Nam An Khánh, dự án Sơn Đồng Center, dự án Vườn Cam… dù đã được quy hoạch và xây dựng hoàn thiện từ nhiều năm nay, nhưng đều đang rơi vào tình cảnh không người ở, hoang tàn như phế tích giữa lòng Thủ đô. Khu đô thị Nam An Khánh (nằm trên địa bàn xã An Khánh và An Thượng), tổng diện tích đất quy hoạch cho xây dựng gần 190ha, với tổng mức đầu tư 2.600 tỷ đồng, được khởi công năm 2008 do Công ty CP Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (Sudico) làm chủ đầu tư. Đây là một trong những dự án có số lượng nhà bỏ hoang nhiều nhất huyện Hoài Đức.
Nhiều dự án khu đô thị phía Tây Hà Nội bỏ hoang mặc dù đã xây dựng hoàn thiện từ nhiều năm nay. Ảnh: Lê Tâm
Cùng cảnh ngộ là Khu biệt thự Vườn Cam (tên thương mại Orange Garden) nằm trên địa bàn xã Vân Canh, tổng diện tích quy hoạch 46,18ha. Dự án đã được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) giao cho Công ty CP VinaPol làm chủ đầu tư, thực hiện từ tháng 12/2007; quy mô dân số khoảng 7.000 người, được thiết kế xây dựng gồm 162 lô biệt thự song lập, 260 lô biệt thự đơn lập tiêu chuẩn, 174 lô biệt thự đơn lập cao cấp, 25 lô biệt thự nhà vườn cao cấp, mỗi lô có diện tích từ 200 - 800m2, đều đã được thi công xây dựng xong nhưng nhiều năm qua, vẫn có rất ít người đến sinh sống.
Cách đó khoảng 2km là Khu đô thị Đại học Vân Canh (tên thương mại An Lạc Green Symphony), được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) giao Công ty CP Đầu tư An Lạc làm chủ đầu tư vào năm 2007, tổng diện tích gần 60 ha. Tuy nhiên, hơn chục năm sau đó, dự án rơi vào tình cảnh “đắp chiếu”, đến tháng 6/2020, sau khi được UBND TP Hà Nội duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, dự án mới khởi động trở lại. Trong khu đô thị, một số tuyến đường vẫn bị rào chắn; dù để trống nhưng các căn liền kề diện tích 80 - 120m2 tại đây đang có giá trung bình từ 190 - 280 triệu đồng/m2...
Cần sớm chấm dứt tình trạng “khu đô thị ma”
Theo GS.TSKH Đặng Hùng Võ, cùng với việc dân số tại các đô thị và tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, BĐS đã trở thành một kênh đầu tư an toàn và sinh lời cao. Vì vậy, ở trong mọi thời điểm nhà đầu tư đều dành sự quan tâm đặc biệt đối với sản phẩm này; không chỉ vậy, nhiều người dân cũng có thể giàu lên nhờ kinh doanh BĐS. Nhưng cũng chính vì việc nhiều người tập trung đầu tư và đều kỳ vọng về khả năng sinh lời cấp số nhân, nên nó đã làm cho thị trường BĐS bị méo mó, giá bán liên tục bị đẩy lên cao mà không đúng với giá trị thực tế.
Nắm bắt được tâm lý như vậy, nên các DN kinh doanh BĐS cũng luôn đáp ứng bằng việc đưa ra những sản phẩm, mà ở đó người ta có thể liên tục mua đi, bán lại cho nhau để kiếm lời, chứ nó không được đưa vào khai thác, sử dụng để sinh lời một cách bền vững. Việc những dự án chỉ được giao dịch qua tay nhà đầu tư, mà không có người ở nó đã trở thành các “khu đô thị ma”. Đáng buồn là ở Việt Nam, đặc biệt là tại những đô thị lớn, tình trạng này lại đang xảy ra một cách thường xuyên hơn, khi rất nhiều dự án được xây dựng bề thế, to đẹp nhưng lại bị bỏ hoang suốt nhiều năm, dẫn đến tình trạng công trình xuống cấp, đất đai lãng phí.
“Hầu hết những “khu đô thị ma” đều là những dự án được xây dựng phục vụ mục đích kinh doanh, dành cho giới thượng lưu chứ không phải để sử dụng; những sản phẩm ở đây đều vượt quá khả năng với nhu cầu của đại bộ phận người dân lao động - những người có nhu cầu ở thực. Những dự án này chỉ thực sự sôi động vào thời điểm mới đầu tư, sau một thời gian được chuyển qua tay nhiều người bị đẩy giá lên mức cao, thì nó lại nằm “án binh bất động” - GS.TSKH Đặng Hùng Võ nhìn nhận.
Cũng theo GS.TSKH Đặng Hùng Võ, việc đổ tiền vào những “khu đô thị ma” không chỉ khiến một lượng tiền lớn bị “chôn” trong đất, không thể tái đầu tư sản xuất tạo ra giá trị thặng dư cho đất; mà điều này còn thể hiện hành vi đầu cơ đất đai, lũng đoạn thị trường BĐS.
“Đầu cơ đất đai sẽ để lại những hậu quả khôn lường cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội, vừa làm trì trệ nền kinh tế, vừa ảnh hưởng đến công tác an sinh - xã hội khi giá bán liên tục bị đẩy lên cao, người dân lao động không đủ khă năng để mua nhà, tạo dựng chỗ ở. Vì vậy, việc đánh thuế BĐS là giải pháp hữu hiệu nhất để hạn chế, dần dần sẽ triệt tiêu tình trạng này, khi thuế đánh càng cao thì người dân, DN sẽ không còn dám đầu cơ đất đai nữa” - GS.TSKH Đặng Hùng Võ cho biết thêm.
Không phủ nhận thị trường BĐS đang chịu ảnh hưởng nhiều bởi nạn “đầu cơ”, nhưng đánh giá một cách khách quan, trong hệ thống pháp lý về đất đai, nhà ở tại Việt Nam vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập, chưa có sự đồng bộ, thống nhất. Các quy định pháp lý luôn có sự thay đổi, làm thiếu đi tính nhất quán trong quá trình thực thi, điều đó không chỉ làm tốn thời gian, tiền bạc của DN; mà cán bộ cơ quan thực thi công vụ của Nhà nước cũng ở trong tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm... kéo theo nhiều dự án nhà ở, khu đô thị bị ảnh hưởng tiến độ.
Theo ông Nguyễn Trọng Tấn - Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Hoài Đức, sau khi tỉnh Hà Tây (cũ) sáp nhập vào Thủ đô Hà Nội, tất cả các dự án nhà ở, khu đô thị trên địa bàn đã được phê duyệt trước đây đều phải lập lại hồ sơ theo quy hoạch mới. Cùng với đó là một số cơ chế, chính sách về bồi thường, giải phóng mặt bằng của Thủ đô Hà Nội cũng khác với tỉnh Hà Tây (cũ), nên đến tận thời điểm này rất nhiều dự án mặc dù đã kiện toàn xây dựng được một phần diện tích lớn, nhưng vẫn còn diện tích chưa thể giải phóng mặt bằng.
Đất đai nói chung và đất đai tại những dự án khu đô thị, khu nhà ở bị bỏ hoang không chỉ gây ra sự lãng phí tài nguyên mà còn làm mất mỹ quan đô thị, gây bức xúc dư luận. Để hạn chế tình trạng này thì cần phải làm tốt từ khâu lập quy hoạch, phê duyệt quy hoạch, dự án trong đó chú trọng hơn việc khuyến khích những dự án gắn với nhu cầu thực, để có thể tạo ra những sản phẩm phù hợp, từ đó không chỉ mang lại giá trị thăng dư trong quá trình sử dụng, mà còn góp phần tạo việc làm, nguồn thu cho ngân sách cũng như người dân. Hiện nay trên thế giới đang vận hành tốt bộ luật về thuế tài sản, BĐS,
Việt Nam cần nghiên cứu, xây dựng để sớm đưa sắc lệnh thuế này vào thực hiện, sẽ góp phần hạn chế tình trạng lãng phí tài nguyên.
Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, TS Nguyễn Văn Đính
Doãn Thành - Lê Tâm
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/xot-xa-hang-chuc-khu-do-thi-phia-tay-ha-noi-bi-bo-hoang.684693.html