Xu hướng 2025: Du lịch 'chữa lành'

Xu hướng 2025: Du lịch 'chữa lành'
6 giờ trướcBài gốc
Từ những hành trình xanh
Năm 2025, du lịch xanh không chỉ là lựa chọn, mà trở thành phong cách sống gắn liền với trách nhiệm xã hội. Du khách ngày càng ưu tiên những hành trình "có ý nghĩa", thay vì chọn các khu nghỉ dưỡng đông đúc, họ tìm đến những homestay, các khu nghỉ dưỡng sinh thái sử dụng năng lượng tái tạo…
Du khách trải nghiệm thu hoạch nông sản ở một vùng quê ven đô. Ảnh: P.Sỹ.
Đặc biệt, du lịch nông nghiệp – một nhánh nhỏ nhưng đầy tiềm năng trong du lịch xanh đang thu hút sự quan tâm của du khách nội địa lẫn quốc tế. Đây là hình thức du lịch kết hợp trải nghiệm đời sống nhà nông, canh tác và sản xuất nông sản theo mô hình hữu cơ hoặc tuần hoàn. Du khách không chỉ được thư giãn giữa thiên nhiên mà còn trực tiếp tham gia gieo trồng, thu hoạch, chế biến nông sản sạch và tìm hiểu về kỹ thuật canh tác thân thiện với môi trường.
Ngay ở Hà Nội, tour đi bộ khám phá kiến trúc Pháp của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, hay các tour xe đạp do Hanoitourist và các đơn vị trong Câu lạc bộ du lịch bền vững VGreen thiết kế.
Vùng ven đô, các địa phương như Ba Vì, Sơn Tây, Mỹ Đức… cũng tích cực phát triển du lịch sinh thái. Đặc biệt, Ba Vì nổi bật với cảnh quan đa dạng như Vườn quốc gia, Khoang Xanh - Suối Tiên, Thiên Sơn - Suối Ngà, cùng đời sống văn hóa đặc sắc của người dân nơi đây đã tạo nên sức hút đặc biệt cho điểm đến này.
Có thể thấy, du lịch nông nghiệp đang trở thành cầu nối giữa con người với thiên nhiên, giữa du khách thành thị với cuộc sống lao động chân chất góp phần định hình một xu hướng du lịch gần gũi, thiết thực và nhân văn trong thời đại mới.
Không chỉ riêng Hà Nội, nhiều địa phương khác như: Lào Cai, Sơn La, Ninh Bình, Quảng Bình, Quảng Nam, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, TPHCM, Cần Thơ, Bến Tre, Kiên Giang… cũng đang đẩy mạnh phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh. Trong bối cảnh du khách ngày càng quan tâm đến yếu tố thiên nhiên và môi trường, việc đầu tư vào các sản phẩm du lịch xanh, chất lượng cao không chỉ đáp ứng xu thế mà còn nâng cao sức cạnh tranh và sức hút cho từng điểm đến.
Đến du lịch chăm sóc sức khỏe
Cùng với du lịch xanh, xu hướng du lịch sức khỏe cũng bùng nổ mạnh mẽ trong năm 2025. Sau thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh và nhịp sống hiện đại đầy áp lực, con người nhận ra rằng sức khỏe không thể bị đánh đổi bởi công việc hay tiện nghi vật chất. Vì vậy, nhu cầu “đi để chữa lành” ngày càng rõ rệt.
Không giống với những chuyến đi nghỉ dưỡng thông thường, du lịch sức khỏe hướng đến việc phục hồi và nâng cao thể chất, tinh thần thông qua các hoạt động như thiền, yoga, detox, trị liệu tự nhiên hay spa truyền thống. Những khu nghỉ dưỡng ở vùng núi, ven biển hoặc nơi có khí hậu trong lành, ít tiếng ồn đô thị đang trở thành điểm đến lý tưởng cho hình thức du lịch này.
Theo ghi nhận từ các công ty lữ hành và nền tảng đặt phòng trực tuyến, dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5 năm nay chứng kiến sự quan tâm lớn đối với các điểm nghỉ dưỡng ven đô Hà Nội có yếu tố chăm sóc sức khỏe. Nhiều cơ sở lưu trú tại các khu vực như Sóc Sơn, Ba Vì, Quốc Oai đã được đặt chỗ từ sớm, đặc biệt là các tour "chữa lành" kéo dài trong ngày hoặc qua đêm đang thu hút đông đảo khách văn phòng tìm kiếm.
Theo bà Phạm Thị Hồng Thu - Phó Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam, hiện nay, các mô hình “tắm rừng”, dưỡng sinh, spa dược liệu, nghỉ dưỡng gắn với thực dưỡng và chăm sóc tinh thần đã bắt đầu hình thành, với nhiều cơ sở do cộng đồng người dân địa phương làm chủ. Đây cũng là những tiềm năng lớn mà ngành du lịch Hà Nội có thể xem xét khai thác sâu trong thời gian tới.
Tiềm năng còn bỏ ngỏ
Dù sở hữu nhiều tiềm năng, du lịch xanh tại Việt Nam vẫn đang đối mặt với không ít thách thức. Một trong những vấn đề lớn là sự mâu thuẫn giữa phát triển hạ tầng du lịch và bảo tồn thiên nhiên.
Theo các chuyên gia, nhiều mô hình du lịch xanh hiện nay còn thiếu tính sáng tạo, dễ rơi vào lối mòn sao chép, chưa thể hiện được bản sắc riêng. Ngoài ra, sự thiếu liên kết giữa các điểm đến và sự tham gia còn rời rạc của cộng đồng địa phương khiến cho bức tranh tổng thể về du lịch xanh chưa được định hình rõ nét, mỗi nơi làm một kiểu.
Về vấn đề này, PGS.TS Phạm Trung Lương - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch cho rằng, Việt Nam sở hữu tiềm năng to lớn trong phát triển du lịch xanh và du lịch bền vững gắn với trải nghiệm văn hóa. Tuy nhiên, để xu hướng này thực sự phát triển một cách bền vững, trước tiên cần có nhận thức đúng đắn về du lịch xanh, bởi hiện nay, nhiều người vẫn còn mơ hồ về khái niệm này.
“Để du lịch xanh phát triển bền vững, cả phía cung và cầu cần phối hợp hài hòa, không chỉ bảo vệ thiên nhiên mà còn gìn giữ những giá trị văn hóa bản địa. Bên cạnh đó, cần có những chính sách và nguồn lực cụ thể để hỗ trợ công tác bảo tồn. Cùng với đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chính là yếu tố then chốt giúp ngành du lịch Việt Nam phát triển bền vững trong tương lai” - PGS.TS Phạm Trung Lương nói.
Còn ông Bùi Văn Dũng - Phó Chủ tịch thường trực Hội Hướng dẫn viên Du lịch Việt Nam cho rằng, Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh về sản phẩm du lịch y tế, du lịch chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, các sản phẩm du lịch sức khỏe tại Việt Nam đang thiếu tính kết nối, vì vậy rất cần một giải pháp kết nối, như nền tảng trực tuyến để gắn kết đơn vị cung ứng dịch vụ với các công ty lữ hành, hướng dẫn viên du lịch.
Có thể nói, cả du lịch xanh và du lịch sức khỏe đều đang được thúc đẩy bởi hai yếu tố then chốt: sự phát triển công nghệ và nhận thức thay đổi của người tiêu dùng. Các nền tảng đặt phòng, tìm kiếm tour hiện nay không chỉ tập trung vào giá cả mà còn tích hợp tiêu chí “bền vững” như chứng nhận xanh, lượng khí thải carbon, nguồn gốc thực phẩm địa phương hay mức độ thân thiện với môi trường.
Chuẩn bị cho dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5, nhiều địa phương trên cả nước đã tích cực chuẩn bị nhiều sản phẩm, dịch vụ du lịch, rà soát cơ sở vật chất, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu khách du lịch trong và ngoài nước. Dự báo lượng du khách tăng cao trong đợt này. Theo báo cáo du lịch 2025, có tới 65% khách chọn du lịch ở những địa điểm có du lịch thời tiết đẹp, vì vậy Đà Nẵng, Đà Lạt luôn dẫn đầu xu hướng. Ở chiều ngược lại, du khách tìm kiếm chiều sâu văn hóa - lịch sử đang đổ dồn về Huế, Hà Nội, và Hội An.
Phạm Sỹ
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/xu-huong-2025-du-lich-chua-lanh-10304807.html