Mẫu áo nỉ đặc trưng của Lululemon (bên phải) và một mặt hàng quần áo thể thao tương tự được Costco (Mỹ) phân phối. (Ảnh chụp từ trang web Costco và Lululemon)
Tại Hàn Quốc, một chiếc áo nỉ dài tay của Lululemon, thương hiệu được ví là “Chanel của trang phục tập yoga”, thường được bán lẻ với giá từ 140.000 đến 180.000 Won (105-135 USD), mức giá này khá cao với trang phục thể thao thường ngày. Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, một sản phẩm gần giống đã được một nhà bán lẻ của Mỹ bán với giá 30.000 Won (hơn 20 USD).
Hàng “dupe” lên ngôi
Dupe (viết tắt của “duplicate”) là một khái niệm dùng để chỉ các sản phẩm có thể mang lại trải nghiệm tương tự các bản gốc xa xỉ song với một mức giá nhẹ hơn rất nhiều... Xu hướng dùng hàng “dupe” được khởi xướng từ người tiêu dùng thế hệ Z ở Mỹ, nay đã lan sang Hàn Quốc.
Trước đây, hàng “dupe” chỉ giới hạn ở quần áo, giày dép và các sản phẩm làm đẹp. Tuy nhiên, danh mục này đã mở rộng sang cả hàng gia dụng như cốc và máy hút bụi. Những sản phẩm này bắt chước thiết kế và chức năng của sản phẩm gốc nhưng lại có giá “mềm” hơn nhiều, khiến những người tiêu dùng trẻ tuổi dễ tiếp cận.
Không giống như hàng giả - vốn sao chép nguyên bản cả logo lẫn thiết kế của các thương hiệu xa xỉ như Chanel, Louis Vuitton hay Gucci - hàng “dupe” chỉ tập trung vào việc mô phỏng thiết kế tổng thể. Các sản phẩm này thường được tiếp thị với những mô tả như “chất lượng tương đương…” hoặc “lấy cảm hứng từ…”. Do không phải đầu tư vào phát triển thiết kế, các bản “dupe” có giá thành rẻ hơn đáng kể, trở thành lựa chọn phổ biến tại nhiều quốc gia, trong đó có Hàn Quốc.
Park Soo-yeon, sinh viên 23 tuổi, vừa mua một đôi bốt tương tự mẫu mà ca sĩ Winter (nhóm Aespa) từng mang. Thay vì bỏ ra 1,3 triệu Won (hơn 900 USD) để sở hữu phiên bản gốc của thương hiệu The Attico (Italy), cô đã tìm thấy một đôi gần như giống hệt trên nền tảng mua sắm trực tuyến Temu với giá chỉ 10.000 Won (gần 7 USD). “Vì những món đồ này không có logo, tôi không cảm thấy mình đang sử dụng hàng giả”, cô Park cho biết.
Trên thực tế, sự dịch chuyển khỏi xu hướng xây dựng thương hiệu nổi bật của ngành thời trang đã củng cố tư duy của những người tiêu dùng như Park Soo-yeon, khiến việc phân biệt hàng thật và hàng sao chép trở nên khó khăn hơn.
Đôi bốt Attico, bên trái, được ca sĩ Winter (aespa) mang tại sân bay và đôi bốt được Park Soo-yeon mua từ Temu. Sản phẩm này hiện đã “cháy” hàng. (Ảnh chụp từ trang web The Attico)
Sử dụng công khai
Ngày nay, việc mua hàng “dupe” không còn bị kỳ thị. Cuối năm 2023, Walmart - chuỗi bán lẻ lớn của Mỹ - công khai ra mắt túi Wirkin, có thiết kế gần giống với túi Birkin biểu tượng của Hermes. Trong khi Birkin có giá hơn 10 triệu Won (hơn 6.900 USD), túi Wirkin chỉ có giá hơn 100.000 Won (hơn 69 USD) và nhanh chóng cháy hàng. Trên mạng xã hội, người dùng không ngần ngại chia sẻ trải nghiệm mua sắm các sản phẩm này, làm dấy lên tranh luận về ranh giới giữa “lấy cảm hứng” và “sao chép”.
Tờ Washington Post mô tả đây là sự thay đổi văn hóa trong tiêu dùng. Với sự tác động của mạng xã hội và những người có ảnh hưởng, sự kỳ thị đối với hàng nhái dần biến mất. Giờ đây, thay vì giấu giếm, người tiêu dùng hào hứng khoe về những lựa chọn thay thế chất lượng mà giá cả phải chăng.
Nhà báo thời trang Park Se-jin nhận định: “Sự thay đổi này phản ánh một giá trị mới trong ngành thời trang. Giới trẻ không còn chạy theo thương hiệu mà chú trọng vào khả năng tận hưởng thời trang theo cách riêng của mình”.
Với người tiêu dùng trẻ, đặc biệt ở độ tuổi 20, những người quan tâm đến giá cả nhưng vẫn muốn theo kịp xu hướng, loại hàng này trở thành biểu tượng của việc chi tiêu thông minh. Trên các phương tiện truyền thông xã hội thậm chí còn tràn ngập nội dung giới thiệu các lựa chọn thay thế rẻ hơn thay vì mua hàng cao cấp. Điều này càng thúc đẩy xu hướng sử dụng các mặt hàng “dupe” phổ biến hơn.
Các bài đăng đánh giá mẫu túi Wirkin và đồng hồ bản sao của Cartier trên Instagram. (Ảnh chụp từ Instagram)
Mối lo ngại của các thương hiệu xa xỉ
Dù hàng “dupe” ngày càng phổ biến, tính hợp pháp của việc sao chép thiết kế vẫn là vấn đề gây tranh cãi.
Năm 2020, một vụ kiện tranh chấp pháp lý đáng chú ý đã xảy ra khi một thương hiệu thời trang Hàn Quốc tung ra những chiếc túi giống với dòng túi Birkin và Kelly của Hermes, nhưng khác nhau ở họa tiết. Tòa án Hàn Quốc phán quyết rằng, công ty này đã tham gia vào hành vi cạnh tranh không lành mạnh bằng cách khai thác các thành tựu thiết kế của Hermes.
Theo Giáo sư Lee Jae-kyung (Đại học Konkuk), sao chép thiết kế có thể vi phạm Đạo luật phòng chống cạnh tranh không lành mạnh, cấm doanh nghiệp hưởng lợi từ tài sản trí tuệ của người khác. Tuy nhiên, các thương hiệu xa xỉ vẫn thận trọng trước khi khởi kiện, do lo ngại ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh trong mắt người tiêu dùng trẻ.
Một lý do khác khiến hàng “dupe” phát triển mạnh là tốc độ thay đổi nhanh chóng của ngành thời trang. Chuyên gia Park So-hyun cho biết: “Các thương hiệu lớn tung ra khoảng 200 mẫu sản phẩm mỗi mùa, khiến việc đăng ký bản quyền cho từng thiết kế trở nên không khả thi. Chi phí đăng ký bản quyền khoảng 500.000 Won (gần 350 USD/mẫu), trong khi nhiều mẫu chỉ bán trong một mùa nên ít thương hiệu đầu tư vào bảo vệ thiết kế”. Điều này càng khiến các nhà sản xuất bớt “kiêng dè” khi tung ra các sản phẩm sao chép gần giống.
Mặc dù bản “dupe” mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng nhưng sự tồn tại này vẫn luôn là điểm lấn cấn đối với chính bản gốc mà chúng được lấy cảm hứng để tạo ra.
Lằn ranh giữa “truyền cảm hứng” đến “sao chép” hay “đạo nhái” rất mong manh. Thói quen sử dụng sản phẩm “dupe” khiến mọi người bỏ qua các tác động của nó trong việc định hình văn hóa tiêu dùng, vô tình tiếp tay cho vấn nạn ăn cắp chất xám, làm thay đổi nhận thức của giới trẻ.
Sự bùng nổ của xu hướng này cho thấy một sự chuyển dịch trong thói quen mua sắm, khi người tiêu dùng ngày càng coi trọng tính kinh tế hơn giá trị thương hiệu. Tuy nhiên, nếu không có các quy định rõ ràng, hàng “dupe” có thể tác động lâu dài đến ngành công nghiệp thời trang và quyền sở hữu trí tuệ.
(theo Korea Times)
Kha Ninh