Xu hướng "lạ" của bất động sản TP HCM: Giá biệt thự nhà liên kề bất ngờ giảm
Kể từ năm 2018 tới nay, nguồn cung nhà ở từ các dự án chung cư, khu đô thị ngày càng suy giảm đã khiến giá nhà ở tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP HCM liên tục “phá đỉnh”, mức giá tháng này cao hơn tháng trước, quý này lại lập kỷ lục so với quý trước.
Nếu như trong giai đoạn 2019 - 2021, bất động sản tại TP HCM, bao gồm cả phân khúc căn hộ, biệt thự, nhà liền kề,... tăng giá có phần vượt trội hơn so với thị trường Hà Nội thì hiện tại, tốc độ tăng giá nhà ở khu vực này có phần chững lại.
Báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng cho thấy, trong quý III/2024, giá nhà ở tại Hà Nội và TP HCM tiếp tục xu hướng tăng cao. Tuy nhiên có sự khác biệt giữa các phân khúc.
Phân khúc căn hộ, mặt bằng giá tại Hà Nội và TP HCM tiếp tục xu hướng tăng giá. Tuy nhiên, phân khúc căn hộ tại Hà Nội có tốc độ tăng trội hơn, mặt bằng giá tiếp tục “phá đỉnh” ở cả dự án cũ và mới, mức tăng khoảng 4% - 6% so với quý trước, tương đương tăng 22% - 25% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong giai đoạn 2019 - 2021, giá nhà ở tại TP HCM, bao gồm cả phân khúc căn hộ, biệt thự, nhà liền kề,... tăng giá có phần vượt trội hơn so với thị trường bất động sản Hà Nội. (Ảnh: ST)
Đối với phân khúc biệt thự và nhà ở liền kề trong dự án, tại Hà Nội, giá bán biệt thự, nhà liền kề trong dự án có xu hướng tiếp tục tăng so với quý trước, phần lớn các dự án mở bán mới trong quý này có vị trí thuận lợi, nằm ở các khu vực đang được đầu tư mạnh về cơ sở hạ tầng, do đó mức giá chào bán sơ cấp tương đối cao.
Giá bán trung bình thứ cấp của nhà ở gắn liền với đất tại Hà Nội quý III/2024 đạt khoảng 160 triệu đồng/m2, tăng 3% theo quý và gần 7% theo năm.
Một số dự án tại các khu vực như Đông Anh và Long Biên mức tăng giá thứ cấp cao hơn (khoảng 5%) theo quý, nhờ vào việc phát triển cơ sở hạ tầng và sản phẩm của các dự án mới đang dần hoàn thiện.
Trong khi đó, tại TP HCM, giá sơ cấp trung bình của phân khúc biệt thự, nhà ở liền kề trong dự án gần như ổn định và có một số khu vực giá giảm mạnh ở phân khúc cao cấp, diện tích rộng, giảm khoảng 14% theo quý và 28% theo năm.
Tương tự, giá thứ cấp của một số dự án tại TP HCM có biến động giảm khoảng 3% đến 4%. Cụ thể, An Phú An Khánh quận 2 giảm khoảng 4,3% xuống mức 265,6 triệu đồng/m2, Q7 Saigon Riverside giảm khoảng 4,1% xuống mức 79,2 triệu đồng/m2, Sim City giảm khoảng 4,4% xuống mức 62,5 triệu đồng/m2,...
"Khẩu vị" thị trường khác nhau
Một số ý kiến cho rằng, thị trường nhà ở tại TP HCM gần như đã chạm “đỉnh” giá, trong khi đó, “nạn” đầu cơ tại Hà Nội đang có xu hướng gia tăng.
Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, ông Nguyễn Trung Tuấn, chuyên gia bất động sản cho rằng: Thị trường bất động sản Hà Nội nói riêng và miền Bắc nói chung chuộng “khẩu vị” đầu tư, trong khi đó thị trường miền Nam có xu hướng mua nhà để hơn là để đầu tư.
Cũng có một số nhà đầu tư phía Bắc trước đây Nam tiến, tuy nhiên do giá bất động sản tại khu vực này đã tăng hết biên độ nên họ trở lại các thị trường có mức giá thấp hơn.
Tại Hội thảo “Dòng tiền chảy vào bất động sản phía Nam” vừa diễn ra, PGS.TS Trần Kim Chung, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: Thị trường bất động sản TP.HCM là thị trường lớn nhất cả nước, cả về quy mô, chủ thể, địa bàn. Khu vực này được xem là "hồn cốt" của thị trường bất động sản Việt Nam.
“Tôi cho rằng thị trường TP.HCM và vùng phụ cận cũng mang tính thị trường hơn, còn thị trường Hà Nội có phần mang tính kỳ vọng”, ông Chung nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động Việt Nam cho rằng, ở hai thị trường này gần như không có nhiều sự khác biệt nhìn trên hoạt động mua bán giao dịch, thể chế, quy hoạch, nhu cầu. Tuy nhiên, ở thị trường Hà Nội, ngoài nhu cầu nhà ở thì nhu cầu về đầu tư cũng rất lớn, tính đầu tư của thị trường Hà Nội khá mạnh. Còn tại khu vực TP.HCM và vùng phụ cận, nhu cầu ở đang chiếm ưu thế hơn.
Định Trần