Xu hướng mức sinh giảm đang diễn ra đáng lo ngại ở nhiều địa phương

Xu hướng mức sinh giảm đang diễn ra đáng lo ngại ở nhiều địa phương
2 ngày trướcBài gốc
Nhân viên y tế chăm sóc sức khỏe cho trẻ sơ sinh. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Theo thông tin từ Cục Dân số (Bộ Y tế), công tác dân số còn nhiều khó khăn thách thức như trong 3 năm liên tiếp, mức sinh trên toàn quốc giảm dưới mức sinh thay thế (2,1 con/phụ nữ), cụ thể năm 2023 là 1,96 con/phụ nữ con, ước tính năm 2024 giảm còn 1,91 con/phụ nữ, đây là mức giảm thấp nhất trong lịch sử và dự báo xu hướng sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.
Trong hai thập kỷ qua, xu hướng mức sinh thấp và xuống rất thấp tập trung ở đô thị, nơi có điều kiện kinh tế-xã hội phát triển, đô thị hóa cao. Năm 2024, phụ nữ vùng thành thị chỉ sinh 1,67 con, tiếp tục giảm so với năm 2023 (1,7 con/phụ nữ).
Tại Việt Nam, mức sinh có sự chênh lệch đáng kể giữa các vùng, đối tượng, mức sinh còn cao ở những địa phương có điều kiện kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn.
Năm 2024, vùng Trung du và miền núi phía Bắc (ước 2,34 con/phụ nữ) và Tây Nguyên (ước 2,24 con/phụ nữ). Đây vẫn là 2 vùng có mức sinh cao.
4 vùng kinh tế xã hội còn lại có mức sinh xung quanh mức sinh thay thế hoặc mức sinh thấp. Trong đó, Đông Nam bộ vẫn là nơi có mức sinh thấp nhất cả nước (ước 1,48 con/phụ nữ).
Xu hướng mức sinh giảm diễn ra ở nhiều địa phương. Trong nhóm 9 tỉnh thuộc vùng mức sinh thay thế, có 7 tỉnh tiếp tục giảm mức sinh dưới mức thay thế.
Trong nhóm 21 tỉnh thuộc vùng mức sinh thấp, có 13 địa phương tiếp tục giảm sâu dưới mức sinh thay thế. Cục Dân số đánh giá các tỉnh mức sinh thấp chưa có nhiều chính sách, mô hình can thiệp, khuyến khích người dân sinh đủ hai con.
Trong nhóm 33 tỉnh thuộc vùng mức sinh cao, có 10 tỉnh có mức sinh giảm xuống xung quanh mức sinh thay thế.
Theo các chuyên gia, mức sinh thay thế thấp để lại hệ quả rất rõ ràng và đã được chứng minh. Chẳng hạn như Nhật Bản là quốc gia già hóa dân số số một thế giới. Khi dân số già hóa, chi phí xã hội, y tế và an sinh tăng lên rất nhiều, thiếu hụt lao động, nguồn lực kinh tế xã hội sụt giảm.
Chiến lược dân số Việt Nam đến 2030 là duy trì vững chắc mức sinh thay thế, tức bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con, quy mô dân số 104 triệu người. Vì vậy, trong Dự thảo Luật Dân số do Bộ Y tế soạn thảo đề xuất các nội dung nhằm đảm bảo mức sinh thay thế, hỗ trợ, khuyến khích người dân sinh đủ hai con. Trong đó, bãi bỏ tiêu chí giảm sinh con thứ 3 trở lên, khuyến khích phụ nữ kết hôn trước tuổi 30 và sinh đủ hai con trước tuổi 35…/.
(Vietnam+)
Nguồn VietnamPlus : https://www.vietnamplus.vn/xu-huong-muc-sinh-giam-dang-dien-ra-dang-lo-ngai-o-nhieu-dia-phuong-post1004750.vnp