Triển lãm ô-tô quốc tế tại thành phố Trường Xuân, Trung Quốc. (Ảnh: TÂN HOA XÃ)
Theo IEA, số lượng xe điện được bán ra trên thế giới đạt mốc 17 triệu chiếc trong năm 2024, tăng hơn 3,5 triệu chiếc so mức năm 2023. Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol nhận định, bất chấp những biến động , xe điện vẫn duy trì quỹ đạo tăng trưởng mạnh mẽ, giữ vai trò quan trọng trong ngành .
Với doanh số trong quý I/2025 tăng 35% so mức cùng kỳ năm ngoái, IEA dự báo, tổng số xe điện được bán ra trong năm 2025 sẽ vượt 20 triệu chiếc. Đáng chú ý, tại các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển ở châu Á, Mỹ Latin và châu Phi, doanh số trong quý I/2025 tăng hơn 60% so mức cùng kỳ năm 2024.
Giới chuyên gia cho rằng, tốc độ tăng trưởng bùng nổ của xe điện có được nhờ sự hiện diện ngày càng phổ biến của những mẫu xe với giá cả phải chăng cùng chính sách hỗ trợ từ chính phủ. Theo đó, nhiều nước đã triển khai khoản trợ cấp hào phóng để khuyến khích người dân chuyển sang sử dụng loại phương tiện “xanh” này.
Để thích ứng với chính sách giảm phát thải khắt khe, tranh thủ ưu đãi từ chính phủ, các hãng ô-tô đẩy mạnh phát triển xe điện nhằm nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường, khiến cuộc đua trong lĩnh vực này nóng hơn bao giờ hết. Mặc dù từ năm 2022 đến nay, một số nước dần giảm trợ cấp, song với ưu thế của mình, xe điện vẫn tiếp tục phủ sóng rộng rãi.
Chi phí vận hành hợp lý là một trong những nguyên nhân hàng đầu tạo nên sức hút của xe điện. Báo cáo của IEA cho thấy, ngay cả khi giảm xuống mức thấp nhất là 40 USD/thùng, thì chi phí sạc cho một chiếc xe điện ở châu Âu cũng chỉ bằng khoảng một nửa chi phí đổ xăng cho xe thông thường.
Ngoài ra, đây còn là giải pháp bền vững cho môi trường. Theo Hội đồng Vận tải sạch quốc tế (ICCT), xe điện được phân phối trên thị trường châu Âu hiện nay thải ra lượng khí thải ít hơn 73% so xe chạy bằng xăng. Điện khí hóa các phương tiện giao thông được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các nước bảo vệ môi trường, bởi giao thông vận tải vốn là lĩnh vực chiếm tỷ trọng phát thải lớn. Vì vậy, tại nhiều quốc gia, loại phương tiện này giữ vai trò then chốt trong chiến lược trung hòa carbon.
Với những lợi ích mà xe điện mang lại, nhiều nước đang tăng tốc phát triển lĩnh vực đầy tiềm năng này. Mới đây, Indonesia khởi công dự án Hệ sinh thái công nghiệp pin xe điện, với tổng vốn đầu tư lên tới 5,9 tỷ USD. Bộ Năng lượng và Tài nguyên khoáng sản Indonesia khẳng định, dự án sẽ hỗ trợ sản xuất pin với giá thành phù hợp thu nhập của đa số người dân.
Trong khi đó, Maroc vừa chính thức khánh thành nhà máy sản xuất linh kiện pin lithium-ion dành cho xe điện đầu tiên tại Maroc nói riêng và Bắc Phi nói chung, đánh dấu bước tiến quan trọng trong chiến lược phát triển công nghiệp năng lượng sạch của khu vực. Dự kiến khi hoàn tất, tổ hợp sẽ đạt công suất 70GWh/năm, đủ để cung cấp pin cho khoảng 1 triệu xe điện.
Tuy nhiên, nỗ lực phủ sóng xe điện của nhiều nước vấp phải một số trở ngại do giá thành còn cao hơn xe chạy bằng xăng. Sự chênh lệch giá vẫn tồn tại ở các thị trường phương Tây. Xe chạy bằng pin ở Đức đắt hơn khoảng 20% so xe thông thường và tại Mỹ, khoảng cách này là 30%. Bên cạnh đó, ở các nước đang phát triển, hạ tầng trạm sạc chưa đáp ứng kịp quy mô phát triển. Giới chuyên gia cho rằng, nếu những khó khăn nêu trên được tháo gỡ, ngành xe điện sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới.
BẢO CHÂU