Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.
Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cảnh báo nguy cơ xảy ra tình trạng đình lạm (stagflation - tăng trưởng kinh tế thấp kết hợp với lạm phát cao) nếu chương trình áp thuế quan của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump được thực thi và thúc đẩy xu hướng tăng giá của đồng USD.
Đình lạm bị các chuyên gia coi là một kịch bản kinh tế “ác mộng”, bởi gây tổn thất cho cả người tiêu dùng và doanh nghiệp, đồng thời khiến các nhà hoạch định chính sách tiền tệ rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan: hạ lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng thì lo lạm phát tăng, mà tăng lãi suất để chống lạm phát thấp thì lại lo tăng trưởng bị bóp nghẹt.
Chỉ vài ngày trước lễ nhậm chức của ông Trump, báo cáo của BIS - tổ chức quốc tế của các ngân hàng trung ương - nói rằng nền kinh tế thế giới đang trên đà hạ cánh mềm, nhưng nhấn mạnh sự bấp bênh ngày càng lớn do có những thách thức mới xuất hiện. Báo cáo nhấn mạnh các cuộc khảo sát cho thấy cảm nhận gia tăng về khả năng “không hạ cánh” - trong đó kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh và lạm phát ở nước này dai dẳng, hạn chế khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương khác có thể cắt giảm lãi suất.
Cùng với đó, thương mại toàn cầu có thể đối mặt với sự gia tăng của “xung đột và phân mảnh”, vì một cuộc chiến tranh thương mại trên diện rộng giữa Mỹ với các quốc gia khác giờ đã trở thành “một kịch bản rủi ro hữu hình” - báo cáo nhận định.
Nếu Fed cắt giảm lãi suất thêm rất ít, hoặc thậm chí tăng lãi suất, như một cách phản ứng với sự dai dẳng của lạm phát, trong khi các quốc gia khác buộc phải hạ lãi suất, sự trái chiều chính sách tiền tệ đó có thể gây ra sự biến động mạnh về dòng vốn và tỷ giá hối đoái.
“Tỷ giá đồng USD có thể duy trì xu hướng tăng hiện nay, nhờ lãi suất ở Mỹ cao hơn, nền kinh tế Mỹ mạnh hơn, và sự bấp bênh chính trị gia tăng”, báo cáo của BIS viết. “Điều này có thể gây ra hiệu ứng đình lạm đối với nền kinh tế toàn cầu do vai trò thống trị của đồng USD trong thương mại và tài chính quốc tế”.
Đồng USD mạnh thường có khuynh hướng đẩy lạm phát ở các quốc gia ngoài Mỹ tăng lên vì làm tăng giá hàng hóa nhập khẩu và kỳ vọng lạm phát, nhất là ở các nước đang phát triển. Ngoài ra, đồng USD mạnh còn có khuynh hướng làm điều kiện tài chính trên toàn cầu thắt chặt thông qua đẩy chi phí đi vay toàn cầu tăng lên. Điều này đặt ra trở ngại đối với các hoạt động kinh tế, nhất là ở các quốc gia có các yếu tố kinh tế căn bản yếu và vị thế tài khóa dễ tổn thương - báo cáo của BIS nhấn mạnh.
Diễn biến chỉ số Dollar Index, thước đo sức mạnh của đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác, trong 1 năm qua - Nguồn: Trading Economics.
Cảnh báo của BIS chỉ là một trong số nhiều cảnh báo bi quan về kinh tế thế giới nếu ông Trump thực thi lời đe dọa áp thuế quan mạnh tay lên hàng hóa nhập khẩu. Giới chuyên gia đều đồng tình với quan điểm rằng việc áp thuế quan sẽ khiến lạm phát và lãi suất cao hơn.
Phát biểu trước báo giới ở Washington, Mỹ hôm 10/1, Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva nói rằng chính sách toàn cầu đang đối mặt “khá nhiều bất bấp bênh” trong năm 2025, nhất là về chính sách thương mại của Mỹ. “Sự bấp bênh đó thực chất đang được thể hiện qua lãi suất dài hạn tăng lên trên toàn cầu”, bà Georgieva nói.
Trong một báo cáo ra ngày 9/1, Liên hiệp quốc (UN) nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2025 trên cơ sở cho rằng hoạt động đầu tư sẽ nhận được cú huých cần thiết khi các ngân hàng trung ương tiếp tục cắt giảm lãi suất. Tuy nhiên, Liên hiệp quốc cũng cảnh báo tăng trưởng có thể yếu hơn nếu các rào cản thương mại gia tăng cản trở tiến trình giảm lạm phát và khiến các ngân hàng trung ương hàng đầu phải hãm bớt tốc độ cắt giảm lãi suất.
Điệp Vũ