Xu hướng 'toàn cầu hóa' các cuộc xung đột trong năm 2024

Xu hướng 'toàn cầu hóa' các cuộc xung đột trong năm 2024
4 giờ trướcBài gốc
Ảnh minh họa.
Tính toàn cầu trong các cuộc xung đột
Trong một tuyên bố vào ngày 21/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine có xu hướng phát triển lên cấp độ toàn cầu, sau khi các lực lượng vũ trang Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa của phương Tây tấn công vào các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga. Nghĩa là, tình trạng thù địch đang diễn ra không còn được coi là cuộc đụng độ giữa Nga và Ukraine hay thậm chí là một cuộc chiến tranh lớn ở khu vực châu Âu. Theo cáo buộc từ phía Nga, sau khi vượt qua các “ranh giới đỏ”, Mỹ và các đồng minh phương Tây đã thúc đẩy một cuộc đối đầu quân sự mang tính “toàn cầu hóa” với Nga.
Vậy tính chất “toàn cầu hóa” này có ý nghĩa gì trong thực tế? Trước hết, giờ đây không một quốc gia nào trong số những người tham gia trực tiếp hay gián tiếp vào cuộc xung đột có thể an toàn, cung cấp sự hỗ trợ quân sự từ xa cho một trong các bên theo quyết định riêng của mình. Đây là một thực tế mới, khác biệt về cơ bản so với các cuộc xung đột khu vực mà các cường quốc đã tham gia trước đây. Trong thế kỷ XXI, địa lý có vẻ không còn giữ vai trò quyết định trong quân sự như các thời đại lịch sử trước đây; đồng thời, trong các cuộc xung đột hiện nay, các “ranh giới đỏ” giữa các bên tỏ ra mong manh và dễ bị phá vỡ hơn.
“Ranh giới đỏ” từng là một trong những nền tảng của sự ổn định chiến lược toàn cầu. Trong nửa sau của thế kỷ trước, Liên Xô từng giúp đỡ Triều Tiên, và đặc biệt là Việt Nam trong cuộc chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước, mà không sợ nguy cơ xung đột quân sự trực tiếp không thể tránh khỏi giữa hai cường quốc. Sự hỗ trợ của Liên Xô dành cho Việt Nam thực tế cũng đã không cản trở việc Tổng thống Richard Nixon tới Moscow vào tháng 5/1972 để đàm phán nhằm hạ nhiệt căng thẳng và ký kết Hiệp ước hạn chế vũ khí tiến công chiến lược (SALT I). Tương tự, Mỹ cũng đã giúp đỡ cho lực lượng Mujahideen ở Afghanistan trong cuộc đối đầu với Liên Xô trong gần 10 năm mà không đẩy cuộc xung đột này mở rộng lên cấp độ toàn cầu.
Ngày nay, trong bối cảnh những thay đổi mang tính cách mạng, đặc biệt là sự phát triển vượt bậc về công nghệ quân sự, sự xói mòn của trật tự quốc tế truyền thống, sự liên kết và phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng của các quốc gia, khu vực, cho dù xa xôi nhất trên thế giới, khiến cho bất cứ một cuộc xung đột nào cũng có thể phát triển và mở rộng ở cấp độ toàn cầu. Trong năm 2024, cộng đồng quốc tế không chỉ chứng kiến trường hợp cụ thể ở Ukraine, mà những gì đang diễn ra ở Syria cũng đã chứng minh cho nhận định trên. Sự sụp đổ của chế độ Assad kéo theo một chính phủ chuyển tiếp được hình thành; mỗi lực lượng được đại diện cho lợi ích của các nước lớn trong và ngoài khu vực, như Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ. Đặc biệt, Israel cũng đang mở rộng chiến dịch quân sự nhằm thiết lập một vùng đệm an ninh chiến lược ở khu vực biên giới với Syria.
Giới phân tích lo ngại rằng, với xu hướng hiện nay, bất kỳ một cuộc xung đột mới nào có thể xảy ra đều chắc chắn sẽ thu hút không chỉ các cường quốc khu vực, mà còn cả các cường quốc hàng đầu ngoài khu vực vào quỹ đạo của nó. Căng thẳng ở eo biển Đài Loan, vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, vấn đề hạt nhân Iran hay Triều Tiên, trong trường hợp xấu nhất và bị “đẩy nóng”, sẽ mang hình thức của một cuộc xung đột toàn cầu chứ không phải là một cuộc xung đột khu vực.
Cần có những giải pháp mang tính toàn cầu
Quá trình toàn cầu hóa về kỹ thuật - quân sự thay đổi những quan niệm thông thường về điểm mạnh, điểm yếu của các quốc gia. Ví dụ, nếu trước đây những đặc điểm về vị trí địa lý và sự hiện diện của nhiều căn cứ quân sự ở một khoảng cách đáng kể có thể là một lợi thế địa chiến lược rõ ràng đối với một quốc gia, thể hiện ảnh hưởng và sự hiện diện quân sự của quốc gia đó ở nhiều châu lục, địa bàn cạnh tranh khác nhau. Thì nay, tình hình có thể sẽ khác. Sự hiện diện của các căn cứ quân sự tại các quốc gia, khu vực khác nhau cũng có thể trở thành những mục tiêu tiềm năng và cực kỳ rộng rãi cho các cuộc tấn công ở quy mô và hình thức khác nhau.
Tương tự, các thỏa thuận an ninh song phương và đa phương, ở một khía cạnh nào đó, đang dần trở thành một phương thức để các nước lớn tập hợp lực lượng, trở thành nguồn gốc của những rủi ro và bất ổn ở khu vực, hình thành các “điểm nóng” có thể bùng phát bất cứ lúc nào.
Nếu một cuộc xung đột chứa đựng “các yếu tố có tính chất toàn cầu” thì giải pháp cho cuộc xung đột đó chắc chắn cũng phải mang tính toàn cầu. Cộng đồng quốc tế không thể tin tưởng vào một nền hòa bình lâu dài và bền vững chỉ dựa trên một thỏa thuận song phương giữa Moscow và Kiev. Một giải pháp cuối cùng cho cuộc xung đột Nga - Ukraine sẽ tạo ra một cấu trúc an ninh mới về cơ bản, không chỉ ở khu vực châu Âu, mà còn trên toàn cầu. Ở đó, chắc chắn phải có sự thỏa hiệp trên cơ sở cân bằng lợi ích giữa Nga và các nước phương Tây.
Ngày nay, tiếng nói của các nước miền Nam toàn cầu ngày càng lớn hơn. Xu thế mở rộng các tổ chức khu vực và quốc tế ngày càng rõ nét, điển hình là hai nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới là BRICS và G20 chào đón các thành viên mới trong năm 2024. Điều này không chỉ tiếp thêm động lực cho các cơ chế hợp tác đa phương, mà còn khẳng định tiếng nói và nâng cao vai trò của các nước đang phát triển trong các vấn đề toàn cầu, thúc đẩy trật tự thế giới đa cực và công bằng hơn. Tuy nhiên, để có những giải pháp cuối cùng cho các cuộc xung đột, kiến tạo một nền hòa bình, ổn định, phát triển bền vững trên toàn thế giới, vẫn cần có những hợp tác mang tính xây dựng, tôn trọng lợi ích lẫn nhau của các nước lớn. Các nhà lãnh đạo của các cường quốc chịu trách nhiệm lớn nhất về an ninh thế giới, ngay từ đầu phải tính toán những hậu quả toàn cầu có thể xảy ra do hành động của họ, bao gồm không chỉ trước mắt mà cả về lâu dài.
Hùng Anh (CTV)
Nguồn Thanh Hóa : http://baothanhhoa.vn/xu-huong-toan-cau-hoa-cac-cuoc-xung-dot-trong-nam-2024-233746.htm