Xu hướng tuyển dụng lao động cũ để giải quyết công việc cuối năm

Xu hướng tuyển dụng lao động cũ để giải quyết công việc cuối năm
3 giờ trướcBài gốc
Việc thiếu hụt nhân sự có tay nghề dịp cuối năm khiến cho nhiều doanh nghiệp rơi vào khó khăn. Để giải quyết vấn đề này, các công ty đã ưu tiên giải pháp tái tuyển dụng lao động cũ và hỗ trợ lao động mới.
Khuyến khích lao động cũ quay lại
Ông Bùi Ngọc Tú, phụ trách tuyển dụng nhân sự một công ty may, cho biết vì công ty đang thiếu gia công ngành may cuối năm, việc tuyển dụng tương đối khó nên công ty hiện đang khuyến khích tái tuyển dụng lao động cũ.
Theo ông, công ty luôn tạo môi trường làm việc tích cực, không gây áp lực hay tạo sự căng thẳng khi người lao động nghỉ việc. Chẳng hạn người lao động nghỉ việc vì lý do cá nhân, gia đình hoặc mong muốn thay đổi môi trường, công ty sẵn sàng tuyển dụng lại.
"Chẳng hạn trong tháng 8, một nhân viên tại công ty phải nghỉ việc để về quê chăm sóc mẹ già yếu do hoàn cảnh gia đình không có người thay thế. Đi kèm với quyết định cho nghỉ việc thì đại diện công ty động viên, chia sẻ với người lao động. Sau khi gia đình sắp xếp ổn định, người này đã trở lại làm việc.
Dù không thể tiếp tục công việc ở vị trí cũ, nhân viên này vẫn được công ty tạo điều kiện tối đa, sắp xếp vị trí mới phù hợp với kỹ năng, đảm bảo quyền lợi và công việc ổn định" - ông Tú cho hay.
Tuy nhiên, theo ông Tú, để đảm bảo an toàn cho đội ngũ nhân sự hiện tại, những lao động tuy tay nghề tốt nhưng vi phạm kỷ luật như đánh nhau trong hoặc ngoài công ty, sẽ không được nhận lại.
Người lao động đi tìm việc tại Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM. Ảnh minh họa: HẢI NHI
Cũng theo ông Tú, đối với người lao động mới, doanh nghiệp không giao ngay các công đoạn quan trọng nhằm tránh rủi ro chậm trễ sản xuất. Thay vào đó, công ty áp dụng chính sách hỗ trợ đặc biệt trong tháng đầu để họ nhanh chóng hòa nhập với môi trường làm việc.
Ngoài ra, nhằm đảm bảo công bằng và hiệu quả, đối với các sản phẩm đặc thù, công ty yêu cầu sự phối hợp chặt chẽ giữa công nhân trong chuyền may. Hàng hóa được phân chia đều, không phân biệt lao động mới, cũ hay lâu năm.
Tương tự, bà Huỳnh Thị Phương Nam, chủ tịch công đoàn một công ty chuyên về sản xuất, bất động sản và dịch vụ tại thành phố, cho biết tình hình tuyển dụng của công ty hiện tại gặp khó khăn. Lý do vì nguồn nhân lực mới chưa đáp ứng yêu cầu tay nghề, nhân viên tại công ty hiện phải tăng giờ làm mỗi ngày để đảm bảo tiến độ sản xuất.
"Để ổn định sản xuất và duy trì chất lượng, công ty đã triển khai chính sách khuyến khích lao động cũ quay lại làm việc, ưu tiên tái tuyển dụng lao động cũ có tay nghề cao và thưởng 500.000 đồng cho những người giới thiệu thành công nhân sự cũ” - bà Nam cho hay.
Cũng theo bà Nam, việc tái tuyển dụng lao động cũ giúp công ty nhanh chóng phục hồi sản xuất nhờ nhân sự đã có tay nghề và quen với công việc. "Việc tuyển dụng nhân sự mới sẽ tốn thời gian đào tạo và dễ phát sinh sai sót, trong khi lao động cũ giúp giảm thiểu chi phí phát sinh từ việc gia công lại các đơn hàng bị trả lại" - bà Nam nói.
Đề xuất cấp sổ lao động
Trao đổi với PLO, Tiến sĩ Huỳnh Thị Ngọc Tuyết, chuyên gia xã hội, nghiên cứu các vấn đề lao động cho rằng việc tuyển dụng lao động cũ là một giải pháp hiệu quả, mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và người lao động.
“Việc tuyển dụng lao động cũ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và thời gian đào tạo, đồng thời đảm bảo nguồn nhân lực có tay nghề, đáp ứng nhanh chóng nhu cầu sản xuất và dịch vụ. Điều này không chỉ giúp ổn định đội ngũ lao động mà còn duy trì hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp” - TS Tuyết cho hay.
Tuy nhiên, TS Tuyết nhấn mạnh doanh nghiệp cần đảm bảo quyền lợi tích lũy cho lao động cũ khi quay lại làm việc, tránh việc xếp họ vào vị trí như nhân viên mới, dẫn đến mất đi các phúc lợi, thâm niên và thành quả lao động trước đó. Ngoài ra, bà cũng nhấn mạnh tính cần thiết của các chính sách hỗ trợ duy trì tay nghề và kinh nghiệm của người lao động khi họ quay trở lại làm việc.
Đặc biệt, TS Tuyết ủng hộ đề xuất của ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP.HCM về việc phát triển sổ lao động tích hợp thông tin tay nghề, kinh nghiệm làm việc của người lao động. Sổ lao động này có tích hợp đầy đủ thông tin về tay nghề, kỹ năng của người lao động để khi quay lại làm việc ở nơi cũ hay xin việc ở nơi mới đều có đủ thông tin về năng lực của họ, tạo thuận lợi cho cả phía người lao động lẫn người sử dụng lao động.
Cụ thể, tại buổi hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp chuyển đổi kỹ năng nghề nghiệp, đảm bảo việc làm cho người lao động tại doanh nghiệp ở TP.HCM” diễn ra mới đây, ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP.HCM đề xuất việc cấp giấy phép lao động cho người làm việc trên địa bàn thành phố.
“Hiện nay, người nước ngoài muốn làm việc tại Việt Nam hay người Việt Nam ra nước ngoài đều phải có giấy phép lao động. Dựa trên cơ chế này, tôi đề nghị áp dụng hình thức cấp phép tương tự đối với người lao động tại thành phố.
Việc cấp giấy phép lao động sẽ yêu cầu người lao động đáp ứng các tiêu chuẩn về kỹ năng nghề, đồng thời phải tham gia các kỳ kiểm tra đánh giá định kỳ” - ông Trung nói tại hội thảo.
Ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP.HCM. Ảnh: HẢI NHI
Với cơ sở dữ liệu dân cư và ứng dụng công nghệ hiện nay, ông Trung cho rằng thành phố hoàn toàn có thể thống kê chính xác số lao động hiện có, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp cũng như số lượng người lao động cần đào tạo.
“Từ đó, chúng ta có thể định hướng đào tạo, đáp ứng nguồn nhân lực và đảm bảo phát triển kinh tế một cách bền vững. Đề xuất này không chỉ giúp xây dựng một môi trường làm việc công bằng, chuyên nghiệp mà còn góp phần nâng cao chất lượng lao động" - ông Trung nói tại hội thảo.
Sôi động thị trường việc làm dịp gần tết
Ông Nguyễn Văn Sang, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên TP.HCM, cho biết các sự kiện giới thiệu vị trí việc làm dịp Tết gần đây đã thu hút sự quan tâm lớn từ sinh viên đến người lao động.
Trong thời gian tới, trung tâm sẽ kết hợp với các cơ sở đoàn và trường học trên địa bàn thành phố để hỗ trợ sinh viên và người lao động tìm kiếm cơ hội việc làm sau Tết.
Cũng theo ông Sang, nhu cầu tuyển dụng việc làm quý IV năm nay có những tín hiệu tích cực so với cùng kỳ năm 2023, cụ thể, nhu cầu tuyển dụng tăng từ 20 đến 25%.
“Đặc biệt, lĩnh vực thương mại, dịch vụ như phân phối, bán hàng, giao hàng, và kinh doanh đang tuyển dụng mạnh mẽ. Ngành nhà hàng, khách sạn cũng có nhu cầu lớn về các vị trí như nhân viên phục vụ và đầu bếp” - ông Sang cho hay.
HẢI NHI
Nguồn PLO : https://plo.vn/xu-huong-tuyen-dung-lao-dong-cu-de-giai-quyet-cong-viec-cuoi-nam-post821365.html