Khoảng 3,7% tổng dư nợ khách hàng chịu ảnh hưởng từ thuế đối ứng
Theo cập nhật mới nhất từ Chứng khoán SSI, tính đến cuối quý I, tăng trưởng tín dụng của STB đạt 4,6% so với đầu năm, tương đương 564.300 tỷ đồng. Động lực chính đến từ lĩnh vực sản xuất và chế biến chế tạo, tăng 6,2% với dư nợ đạt 389.400 tỷ đồng, cùng với bất động sản tăng 4,6%, tương ứng 112.900 tỷ đồng.
Ngược lại, dư nợ cho vay tiêu dùng ghi nhận mức giảm 4,1%, xuống còn 62.000 tỷ đồng.
STB ước tính khoảng 3,7% tổng dư nợ khách hàng, tương đương 21.000 tỷ đồng có thể chịu tác động trực tiếp từ chính sách thuế đối ứng của Mỹ. Tuy nhiên, chỉ khoảng 7% doanh thu của các doanh nghiệp này đến từ thị trường Mỹ, cho thấy mức độ nhạy cảm về lợi nhuận trong kịch bản xấu là khá hạn chế.
Về chất lượng tài sản, STB vẫn đang đối mặt với áp lực nhất định. Tỷ lệ nợ xấu tăng lên 2,51% vào cuối quý I, từ mức 2,4% cuối năm 2024. Trong đó, nợ nhóm 5 – nợ có khả năng mất vốn – chiếm 1,8%, tương đương gần 10.000 tỷ đồng. SSI dự báo chi phí dự phòng của ngân hàng sẽ tiếp tục tăng trong những quý tới, mặc dù việc hoàn nhập 1,2 nghìn tỷ đồng dự phòng trong quý II có thể phần nào bù đắp cho chi phí này.
Một điểm tích cực là biên lãi ròng (NIM) trong quý I đạt 3,83%, tăng mạnh 29 điểm cơ bản so với quý trước, là một trong những mức cải thiện cao nhất trong ngành. Điều này chủ yếu đến từ việc tỷ lệ cho vay trên huy động (LDR) tăng và các khoản vay mua nhà bước vào giai đoạn lãi suất thả nổi sau ưu đãi. Tuy nhiên, do cho vay mua nhà chỉ chiếm khoảng 5–6% tổng dư nợ, SSI cho rằng đà cải thiện lợi suất tài sản sẽ không kéo dài lâu, đặc biệt khi cạnh tranh lãi suất huy động trong hệ thống ngân hàng đang gia tăng.
Giải quyết số lượng cổ phần bị phong tỏa tại VAMC được dự báo là bước ngoặt tăng trưởng
Điểm nhấn lớn nhất trong năm 2025 với STB là khả năng xử lý thành công khoản cổ phần 32,5% bị phong tỏa tại VAMC, tương đương khoảng 604,9 triệu cổ phiếu STB liên quan đến các khoản vay cũ của ông Trầm Bê. SSI kỳ vọng STB sẽ nhận được phê duyệt từ NHNN để xử lý số lượng cổ phần đang bị phong tỏa tại VAMC trong nửa cuối năm 2025. Điều này không chỉ đánh dấu việc chính thức kết thúc quá trình tái cấu trúc mà còn mở ra chu kỳ tăng trưởng mới cho STB.
Giá trị gốc và lãi vay tính đến năm 2024 ước tính lên tới 20.100 tỷ đồng, trong khi tổng nghĩa vụ lãi, bao gồm cả phí phạt chậm thanh toán, có thể lên tới 57.600 tỷ đồng.
Ban lãnh đạo STB đã trình phương án đấu giá số cổ phần này với giá mục tiêu khoảng 33.162 đồng/cp để có thể tất toán đầy đủ khoản nợ. Theo SSI, nếu xử lý thành công, đây sẽ là cột mốc quan trọng đánh dấu bước cuối cùng trong quá trình tái cơ cấu STB, đồng thời giải phóng hoàn toàn rào cản pháp lý trong chiến lược tăng trưởng của ngân hàng.
“Chúng tôi cho rằng việc STB có thể xử lý thành công khoản cổ phần 32,5% này sẽ đánh dấu cột mốc quan trọng cho việc hoàn tất quá trình tái cơ cấu và mở ra một giai đoạn mới cho ngân hàng”, SSI phân tích.
Đến năm 2023, STB không còn trích lập dự phòng cho trái phiếu VAMC. Số dư ròng phản ánh khoản thu hồi nhưng chưa được ghi nhận
Về triển vọng tài chính, SSI dự báo STB sẽ ghi nhận lợi nhuận trước thuế 2025 đạt 14.600 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ, nhờ tăng trưởng tín dụng dự kiến 13,5% và chi phí tín dụng giảm nhẹ xuống còn 0,28%. Dù NIM dự kiến suy giảm còn 3,56%, ngân hàng vẫn còn dư địa tăng huy động thông qua phát hành trái phiếu và chứng chỉ tiền gửi, mục tiêu tăng trưởng nguồn vốn 20% tương đương 44.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, chi phí hoạt động được dự báo tăng do kế hoạch tái cơ cấu nhân sự, khiến tỷ lệ chi phí/thu nhập (CIR) duy trì ở mức tương đối cao 48,5% trong năm 2025. Sang năm 2026, triển vọng trở nên lạc quan hơn với dự báo lợi nhuận trước thuế đạt 17.800 tỷ đồng (+21,5%), nhờ chất lượng tài sản cải thiện và xử lý dứt điểm các khoản nợ xấu còn tồn đọng, tỷ lệ nợ xấu theo đó sẽ giảm xuống mức 2,2%.
Về định giá, SSI điều chỉnh cơ sở sang năm 2026, sử dụng mức P/B mục tiêu là 1,2 lần, đưa ra giá mục tiêu một năm là 47.600 đồng/cổ phiếu, tương ứng với upside 19,6% so với thị giá hiện tại. Các chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng việc xử lý triệt để cổ phần bị phong tỏa tại VAMC và thu hồi nợ tại KCN Phong Phú sẽ tạo lực đẩy lớn cho định giá.
Tại ĐHĐCĐ 2025, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Phó chủ tịch thường trực kiêm CEO Sacombank cho biết, đối với các khoản nợ đảm bảo bằng 32,5% cổ phiếu STB của ông Trầm Bê và người có liên quan, Sacombank đã trình các phương án xử lý và đang chờ sự phê duyệt từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Phía thanh tra NHNN cũng đánh giá rất cao Đề án tái cơ cấu của Sacombank, nhưng hiện Ngân hàng vẫn đang trong quá trình chờ ý kiến từ NHNN.
Cụ thể, nợ gốc của nhóm cổ phiếu ông Trầm Bê và người có liên quan lũy kế từ 2017 đến cuối năm 2024, Sacombank đã thu hồi 25.612 tỷ đồng. Dư nợ còn lại là 12.037 tỷ đồng, trong đó nợ bán cho VAMC là 10.538 tỷ đồng, khoản phải thu là 1.454 tỷ đồng. Tổng lãi còn phải trả theo hợp đồng tính đến cuối năm 2024 là 57.605 tỷ đồng.
Tổng cổ phiếu đang đảm bảo cho khoản vay repo là tương đương 32% cổ phiếu STB của Sacombank. Tuy nhiên, tất cả nợ gốc và repo đã được Sacombank trích lập dự phòng 100%. Số tiền thu được phải xử lý toàn bộ vốn và lãi sẽ trình NHNN, với khoản lãi treo 57.000 tỷ đồng.
Sacombank đã trích lập dự phòng 100% đối với dư nợ gốc của khoản nợ xấu trên và đã thoái hoàn toàn lãi dự thu từ cuối quý II/2022. Bà Diễm cho rằng, việc xét duyệt để Sacombank xử lý lô cổ phiếu cũng như ghi nhận hoàn thành tái cơ cấu cần có thời gian.
Phương án xử lý số cổ phiếu này còn nhiều khó khăn, nhiều năm trước Sacombnak cũng đã trình phương án xử lý nhưng còn nhiều khó khăn nên chưa được phê duyệt. Năm 2024, STB đã trình phương án phù hợp theo quy định pháp luật, đề ra phương án mua lại nợ đã bán cho VAMC và đấu giá lại thông qua công ty độc lập.
Trang Mai