Giảm mạnh các khoản nợ xấu tái cơ cấu
Kể từ khi bắt đầu thực hiện đề án tái cơ cấu, Sacombank đã trải qua một chặng đường dài với nhiều kết quả đáng kể.
Tính đến cuối năm 2024, ngân hàng đã giảm tới 80,5% quy mô các khoản tồn đọng thuộc đề án, tương ứng mức giảm 28,1% về tỷ trọng so với thời điểm bắt đầu triển khai. Hiện nay, các khoản này chỉ còn chiếm 2,4% tổng tài sản của ngân hàng.
Một trong những thành tựu nổi bật là việc xử lý thành công khu công nghiệp Phong Phú. Sacombank đã đấu giá thành công khu đất này với mức giá gần 8.000 tỷ đồng và thu về 1.578 tỷ đồng trong năm 2024.
Hành trình tái cơ cấu của Sacombank đang dần tiến tới những bước cuối cùng. Ảnh: ABS
Ngân hàng dự kiến sẽ thu thêm khoảng 30–40% giá trị trong năm 2025, tương đương 2.380–3.173 tỷ đồng, và hoàn tất quá trình thu hồi vào năm 2026.
“Trong năm 2024, chúng tôi đã thu trên 1.500 tỷ từ khu công nghiệp Phong Phú, đã hạch toán giảm dư nợ xấu và trích lập dự phòng”, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, khi đó vẫn còn giữ vai trò Tổng giám đốc Sacombank chia sẻ tại đại hội cổ đông vừa qua.
Về phần nợ tại Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), dư nợ trái phiếu sau khi trích lập dự phòng hiện còn 1.690 tỷ đồng. Trong năm 2024, Sacombank đã sử dụng 1.305 tỷ đồng để xử lý nợ và hoàn nhập 40 tỷ đồng.
Ban lãnh đạo Sacombank chia sẻ, nhà băng đã gần như thực hiện xong đề án tái cơ cấu với việc đã hoàn thành 13/14 mục tiêu của đề án, chỉ còn bước cuối cùng là xử lý cổ phiếu của Trầm Bê và những người liên quan.
Nút thắt cuối cùng
Thách thức cuối cùng trong hành trình tái cơ cấu của Sacombank nằm ở việc xử lý 604,94 triệu cổ phiếu STB, tương đương 32,5% vốn điều lệ hiện thuộc sở hữu của ông Trầm Bê và những người liên quan.
Số cổ phiếu này có giá trị sổ sách vượt 6.000 tỷ đồng, trong khi giá trị thị trường lên tới hơn 24.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây là bài toán phức tạp và chưa từng có tiền lệ xử lý trong ngành ngân hàng Việt Nam.
Theo lãnh đạo Sacombank, phương án xử lý cổ phiếu của ông Trầm Bê rất khó khăn và chưa có tiền lệ. Trong năm 2024, nhà băng đã rà soát kỹ cơ sở pháp lý và cập nhật phương án mới để trình Ngân hàng Nhà nước.
Về chi tiết khoản nợ của ông Trầm Bê, tính đến ngày 31/12/2016, nợ gốc lên tới 35.400 tỷ đồng, trong khi lãi dự thu khoanh lại đạt 12.919 tỷ đồng. Đến cuối năm 2024, Sacombank đã thu hồi được 25.612 tỷ đồng, bao gồm 23.363 tỷ đồng nợ gốc và 2.249 tỷ đồng lãi.
Dư nợ còn lại là 12.037 tỷ đồng, trong đó có tới 10.538 tỷ đồng là nợ đã bán cho VAMC. Tổng số lãi phải trả theo hợp đồng lên tới 57.605 tỷ đồng – một con số khổng lồ, khiến việc xử lý trở nên đặc biệt nan giải.
Sacombank đã đề xuất mua lại khoản nợ từ VAMC để tiến hành bán đấu giá công khai, minh bạch theo đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, phương án này vẫn đang chờ Ngân hàng Nhà nước xem xét và phê duyệt.
Nếu xử lý thành công số cổ phiếu này, Sacombank không chỉ chính thức khép lại quá trình tái cơ cấu kéo dài mà còn mở ra nguồn lực tài chính mới, tạo đòn bẩy nâng cao vị thế và thu hút các đối tác chiến lược trong tương lai.
Duy trì đà tăng trưởng giữa nhiều thách thức
Bất chấp quá trình tái cơ cấu còn dang dở, năm 2024, Sacombank vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng. Lợi nhuận trước thuế đạt 12.720 tỷ đồng, tăng 32,6% so với năm trước và vượt 20% so với kế hoạch đề ra.
Thu nhập lãi thuần tăng 11,1%, đạt 24.531 tỷ đồng, dù tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 11,7% – thấp hơn mức trung bình ngành (15,1%) do ngân hàng vẫn bị giới hạn bởi khuôn khổ tái cơ cấu. Thu nhập từ dịch vụ cũng ghi nhận tăng trưởng khả quan 13,8%, chủ yếu nhờ mảng thẻ và thanh toán.
Cơ cấu tổng thu nhập của Sacombank. Ảnh: ABS
Bước sang quý I/2025, Sacombank tiếp tục duy trì đà tăng trưởng. Lợi nhuận trước thuế đạt 3.674 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ và hoàn thành 25% kế hoạch cả năm.
Thu nhập lãi thuần tăng 15%, đạt 6.863 tỷ đồng, trong khi thu nhập từ dịch vụ tăng tới 26%, đạt 728 tỷ đồng.
Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm mạnh 71%, chỉ còn 195 tỷ đồng – yếu tố quan trọng giúp lợi nhuận thuần tăng thêm 16%.
Dù vậy, chất lượng tài sản vẫn còn đối mặt với thách thức. Tỷ lệ nợ xấu tăng nhẹ từ 2,4% lên 2,51% vào cuối quý I/2025. Nợ nhóm 5 cũng tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do chuyển nhóm từ nợ nhóm 3 và 4.
Tuy nhiên, ban lãnh đạo Sacombank khẳng định tỷ lệ nợ xấu thực tế hiện vẫn được kiểm soát ở mức khoảng 2%, và ngân hàng đặt mục tiêu duy trì con số này trong suốt năm 2025.
Dự báo tăng trưởng thận trọng
Sacombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2025 đạt 14.650 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2024. Tổng tài sản dự kiến đạt 819.800 tỷ đồng, tăng 10%, trong khi dư nợ tín dụng đặt mục tiêu tăng 14% lên mức 614.400 tỷ đồng.
Tuy vậy, theo dự báo của Công ty Chứng khoán An Bình (ABS), tăng trưởng tín dụng của Sacombank trong năm nay có thể chỉ đạt mức 11–13%, thấp hơn kế hoạch do ngân hàng vẫn chưa chính thức hoàn tất quá trình tái cơ cấu.
ABS cũng đánh giá rằng chi phí vốn của Sacombank sẽ được cải thiện nhờ việc huy động thêm vốn từ nước ngoài, qua đó giúp ngân hàng duy trì tỷ suất lợi nhuận ròng (NIM) ở mức ổn định khoảng 3,6%.
Tuy nhiên, ABS lưu ý áp lực từ nợ xấu và nợ nhóm 2 có thể gia tăng, nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tiềm ẩn nhiều bất ổn và thị trường bất động sản trong nước hồi phục chậm.
Dù vậy, đơn vị phân tích này vẫn kỳ vọng Sacombank sẽ hoàn tất tất toán nợ xấu tại VAMC trong năm 2025.
Việc xử lý dứt điểm cổ phiếu của ông Trầm Bê cùng khoản thu hồi từ khu công nghiệp Phong Phú sẽ là “chìa khóa” quan trọng giúp ngân hàng mở rộng nguồn lực tài chính, đồng thời củng cố vững chắc vị thế trên thị trường ngân hàng trong thời gian tới.
Dũng Phạm