Hàng nghìn container vô chủ tại cảng biển, nguy cơ ô nhiễm môi trường
Theo thống kê từ Cục Hàng hải Việt Nam, số container tồn đọng quá 90 ngày tại các cảng biển đã vượt mốc 7.650 chiếc. Trong đó, TP.HCM là điểm nóng nhất với khoảng 5.800 container, chủ yếu tập trung tại cảng Cát Lái (trên 5.000 container). Hải Phòng ghi nhận khoảng 1.500 container, Đà Nẵng có 186 và Vũng Tàu là 120 container. Riêng hai cảng lớn là Tân Cảng Cát Lái và Tân Cảng Hải Phòng (Lạch Huyện) đang lưu giữ tổng cộng khoảng 6.700 TEU hàng hóa tồn kho, con số này vẫn đang tiếp tục tăng.
Thực trạng này không chỉ làm phát sinh hàng loạt chi phí lưu giữ, mà còn trực tiếp làm giảm năng lực khai thác và thông quan hàng hóa tại các cảng.
Đại diện Cục Hàng hải Việt Nam cho biết: “Hàng hóa vô chủ bị bỏ quên lâu ngày khiến kho bãi cảng bị chiếm dụng, vỏ container không thể hoàn trả cho hãng tàu, làm giảm hiệu quả khai thác và quay vòng container. Trong khi diện tích kho bãi có hạn, thì lượng container tồn đọng lại ngày càng tăng, gây áp lực nặng nề cho cảng, đặc biệt vào mùa cao điểm”.
Ảnh minh họa
Không dừng lại ở đó, nhiều container lạnh dù hàng đã hư hỏng vẫn phải duy trì hệ thống cấp điện, gây lãng phí năng lượng nghiêm trọng. Việc vận chuyển hàng tồn về khu lưu giữ cũng làm phát sinh chi phí logistics, trong khi cảng không thể thu phí lưu bãi đối với số container lưu quá hạn.
Tình trạng này không chỉ khiến các doanh nghiệp logistics thiệt hại nặng nề, mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cảng biển khi hàng hóa hư hỏng bị để lâu ngày ngoài trời. Nếu không có giải pháp quyết liệt và kịp thời, bài toán container vô chủ sẽ tiếp tục là gánh nặng kéo giảm sức cạnh tranh của hệ thống cảng biển Việt Nam.
Đại diện Cục Hàng hải Việt Nam thẳng thắn thừa nhận, số lượng lớn container tồn đọng lâu ngày chưa thể xử lý do vướng nhiều nguyên nhân khách quan. Trong đó, không ít trường hợp liên quan đến hãng tàu đã giải thể, phá sản, hoặc chủ hàng từ chối nhận, thậm chí không thể liên hệ được. Việc kiểm đếm và kiểm định hàng hóa vô chủ cũng gặp trở ngại, do thiếu thông tin, thủ tục phức tạp và nhân lực hạn chế.
Một số container đã hoàn tất thủ tục pháp lý, được đưa ra đấu giá nhưng vẫn không thể xử lý do người mua từ chối nhận hàng vì giá trị định giá vượt thực tế, không phù hợp với chất lượng hàng tồn kho lâu ngày. Điều này khiến quy trình xử lý tiếp tục bị kéo dài.
Ngoài ra, thời gian từ khi hoàn tất đấu giá đến khi thực hiện tiêu hủy container phế liệu thường bị kéo dài đáng kể. Trong khi đó, nguồn lực nhân sự phụ trách quản lý, giám sát và thực thi các quy trình này vẫn rất hạn chế.
Thiếu kinh phí xử lý container tồn đọng, doanh nghiệp khốn đốn
Về mặt tài chính, việc xử lý container tồn đọng cũng gặp trở ngại lớn vì chi phí tiêu hủy container cao, trong khi nguồn kinh phí lại không được cấp thường xuyên. Các thủ tục thanh quyết toán chưa có hướng dẫn thống nhất, khiến nhiều đơn vị không có cơ sở pháp lý để tiếp tục xử lý. Hệ quả là sau khi hoàn tất các bước như đăng thông báo, kiểm kê, phân loại, nhiều lô hàng hóa vô chủ vẫn phải “đắp chiếu” vì thiếu kinh phí thực hiện các bước tiếp theo.
Ông Ngô Khắc Lễ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Đại lý và Môi giới hàng hải Việt Nam cho hay, một trong những khó khăn lớn hiện nay là việc các cơ quan chức năng thiếu kinh phí để xử lý container, đặc biệt là container lạnh, gây áp lực tài chính nặng nề lên doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp khai thác cảng và các đơn vị xuất nhập khẩu.
Đối với doanh nghiệp cảng, họ buộc phải ứng trước nhiều khoản chi phí để duy trì hoạt động lưu giữ container tồn đọng như chi phí thuê đất, điện, lưu kho bãi và xử lý ô nhiễm môi trường cảng biển.
Cụ thể, chi phí lưu bãi container trung bình mỗi ngày là 0,5 USD cho container 20 feet và 1,0 USD cho container 40 feet; container lạnh tiêu tốn 0,64 USD tiền điện mỗi giờ. Nếu di chuyển container tồn đọng ra khỏi cảng để giải phóng mặt bằng tiếp nhận hàng mới, chi phí phát sinh khoảng 100 - 150 USD/container. Đáng nói, trong nhiều trường hợp sau khi hoàn tất xử lý, hàng hóa vô chủ được công nhận sở hữu toàn dân và cảng không thu lại được bất kỳ khoản phí nào từ cơ quan quản lý. Việc kho bãi bị chiếm dụng khiến cảng gặp khó trong bố trí, khai thác và giảm hiệu suất vận hành.
“Hiện chi phí tiêu hủy container cũng rất cao, tiêu hủy một container khô tốn khoảng 60 - 80 triệu đồng; container lạnh còn nguyên vẹn hàng hóa có chi phí tiêu hủy 115 - 120 triệu đồng, còn nếu hàng hóa bị hư hỏng thì tăng lên 135 - 150 triệu đồng; container phế liệu tiêu tốn khoảng 70 triệu đồng. Việc thiếu kinh phí xử lý không chỉ gây đình trệ hoạt động thông quan hàng hóa mà còn làm gia tăng gánh nặng tài chính và rủi ro cho cả doanh nghiệp và cảng biển Việt Nam”, ông Ngô Khắc Lễ cho hay.
Tình trạng hàng nghìn container vô chủ tồn đọng tại các cảng biển lớn đang gây áp lực lớn lên hạ tầng, chi phí và môi trường. Đây cũng là lời cảnh báo về những bất cập trong khâu xử lý hàng tồn. Nếu không sớm tháo gỡ bằng cơ chế linh hoạt và nguồn lực phù hợp, hệ thống logistics và hoạt động xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục chịu nhiều sức ép. Để giải quyết tận gốc, cần một cơ chế xử lý minh bạch, đồng bộ và quyết liệt hơn từ các cơ quan quản lý.
Ánh Phương/VOV.VN