Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh trình bày tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, chiều 12-2. Ảnh: QUANG PHÚC
Chiều 12-2, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
Nghị quyết áp dụng trong các trường hợp thành lập, tổ chức lại (bao gồm việc sắp xếp, kiện toàn lại tổ chức các cơ quan dưới các hình thức chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi hoặc điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn), thay đổi tên gọi, thay đổi mô hình, cơ cấu tổ chức, giải thể cơ quan để thực hiện chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Quốc hội chiều 12-2. Ảnh: QUANG PHÚC
Dự thảo nghị quyết quy định rõ về trách nhiệm của các cơ quan, người có thẩm quyền trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước. Do thực tế triển khai có thể có những tình huống phát sinh chưa dự liệu hết, nghị quyết quy định trách nhiệm của các cơ quan, người có thẩm quyền trong việc ban hành văn bản, giải quyết hoặc ủy quyền ban hành văn bản, giải quyết các vấn đề phát sinh khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
Trong đó, Quốc hội giao Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xem xét, ban hành văn bản, giải quyết hoặc ủy quyền ban hành văn bản giải quyết các vấn đề phát sinh thuộc thẩm quyền của Quốc hội; định kỳ hàng quý báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-3-2025 và được thực hiện đến hết ngày 28-2-2027. Trường hợp cần kéo dài thời hạn áp dụng, Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XVI (tháng 10-2026).
Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, về giải quyết các vấn đề phát sinh khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, Ủy ban Pháp luật tán thành sự cần thiết giao Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xem xét, ban hành văn bản, giải quyết các vấn đề phát sinh sau sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước thuộc thẩm quyền của Quốc hội để tăng tính chủ động, linh hoạt của các cơ quan trong việc kịp thời xử lý các vấn đề, tình huống phát sinh sau khi sắp xếp mà chưa được điều chỉnh trong nghị quyết.
Có ý kiến đề nghị xác định rõ thẩm quyền này chỉ áp dụng đối với các vấn đề phát sinh khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước thuộc thẩm quyền của Quốc hội mà chưa được quy định, dự liệu tại nghị quyết này hoặc đã được quy định tại nghị quyết này nhưng không còn phù hợp với thực tiễn sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
Có ý kiến cho rằng, do đây là nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội nên cần ban hành văn bản quy phạm pháp luật, có thể theo trình tự, thủ tục rút gọn, để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn này nhằm bảo đảm yêu cầu về tính minh bạch, kiểm soát quyền lực và tránh lạm dụng.
Đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật đề nghị quy định nghị quyết này có hiệu lực thi hành ngay từ khi được Quốc hội thông qua để tạo cơ sở pháp lý càng sớm càng tốt cho các cơ quan từ Trung ương đến địa phương thực hiện việc sắp xếp và chuyển giao chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, sẵn sàng đi vào hoạt động ngay từ thời điểm có quyết định của cơ quan có thẩm quyền về việc sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước. Bởi hiện tại cũng đã có một số cơ quan công bố và chính thức thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước theo các phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
PHAN THẢO