Xử lý nghiêm hành vi mua bán, vận chuyển trái phép pháo lậu, pháo nổ

Xử lý nghiêm hành vi mua bán, vận chuyển trái phép pháo lậu, pháo nổ
20 giờ trướcBài gốc
Lực lượng chức năng thành phố Bảo Lộc (Lâm Đồng) tiến hành tiêu hủy tang vật liên quan đến hai vụ án buôn lậu pháo nổ. (Ảnh: QUANG NGỌC)
Tuy nhiên, hằng năm vào dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, tình trạng mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép pháo nổ, pháo lậu thường diễn biến phức tạp tại các địa phương.
Muôn nẻo đường pháo lậu
Thượng tá Trần Thanh Tuấn, Phó trưởng Công an huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) cho biết, do lợi nhuận từ việc buôn bán pháo lậu rất lớn (đến 200%) cho nên các đối tượng buôn bán pháo nổ trên không gian mạng thường sử dụng nick ảo, sim rác, tài khoản ngân hàng rác để giao dịch buôn bán trái phép. Hiện nay, dịch vụ giao hàng, shipper (nhân viên giao hàng) nở rộ nhưng công tác quản lý dịch vụ này vẫn chưa được quan tâm đúng mức, còn nhiều lỗ hổng pháp lý.
Cùng với đó, công tác quản lý các loại tiền chất để sản xuất pháo chưa được quy định cụ thể... do đó, các đối tượng đã liên lạc qua các dịch vụ vận chuyển hàng không uy tín, qua các nhà xe ô-tô khách chạy liên tuyến với các tên hàng ngụy trang.
Xác định được thủ đoạn đó, vừa qua, bằng các biện pháp nghiệp vụ, lãnh đạo Công an tỉnh Hà Tĩnh huy động 60 cán bộ chiến sĩ triển khai các mũi công tác tại các tỉnh Gia Lai, Quảng Nam và TP Hà Nội, phá thành công chuyên án, bắt giữ 9 đối tượng, thu giữ 2,2 tấn pháo, 3 khẩu súng, 4 ô-tô, 15 điện thoại, 2 bình xịt hơi cay và nhiều đồ vật tài liệu khác. Hiện đã khởi tố vụ án, khởi tố 10 bị can về tội mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sản xuất hàng cấm và đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.
Trên thị trường, pháo lậu chủ yếu được các đối tượng mua bán, vận chuyển trái phép từ bên kia biên giới vào trong nước tiêu thụ. Gần đây nhất, thực hiện Chuyên án QB1024/Quảng Bình: Tại bãi chờ nhập cảnh Cửa khẩu quốc tế Cha Lo ở xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, Bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh chủ trì, phối hợp với Đội Kiểm soát Cục Hải quan tỉnh, Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Cha Lo bắt giữ đối tượng Vũ Đức Dương, sinh năm 1985, trú tại xã Kim Xuyên, huyện Kim Thành, tỉnh Nghệ An về hành vi vận chuyển hàng cấm; tang vật thu giữ 555 kg pháo hoa nổ; 1 xe ô-tô đầu kéo BKS 34H-037.52 kéo theo rơ-moóc BKS 34R-049.81.
Bước đầu, Dương khai nhận vận chuyển số pháo hoa trên về Việt Nam để bán kiếm lời trong dịp Tết Nguyên đán 2025. Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh, Cục Hải quan tỉnh đã chỉ đạo lực lượng phối hợp lập biên bản bắt giữ đối tượng phạm tội và niêm phong tang vật để xử lý theo quy định.
Không chỉ mua bán, sử dụng pháo lậu, một số thanh thiếu niên còn công khai lên mạng học cách chế tạo và góp tiền mua các loại hóa chất, tiền chất thuốc nổ như: KCLO3, KCLO4, KNO3,… để chế tạo pháo. Chỉ cần gõ các từ khóa liên quan trên các mạng xã hội sẽ hiển thị ra rất nhiều kết quả, tài khoản đi kèm là những video hướng dẫn chi tiết cách làm pháo nổ với nhiều kích cỡ khác nhau. Dưới mỗi tài khoản thường có rất nhiều bình luận rao bán pháo tự chế, nguyên liệu và các công thức làm pháo.
Trong khi đó, tác hại gây thương tích của pháo tự chế rất nguy hiểm. Vừa qua, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới (Quảng Bình) tiếp nhận bốn học sinh ở độ tuổi từ 13 đến 14 tuổi, cùng thường trú tại thôn Long Sơn, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, nhập viện cấp cứu trong tình trạng bỏng nặng, sưng phù toàn bộ vùng mặt và tay chân, đa chấn thương cơ thể…
“Khi đưa cháu vào bệnh viện cấp cứu, các bác sĩ nhận định cháu bị bỏng ở bàn chân trái và ở hai cánh tay, mặt, cổ. Hiện cháu đã đỡ hoảng sợ nhưng vẫn còn khá đau, khó ăn uống vì vết bỏng trên mặt bị nặng”, chị P, mẹ của một nạn nhân chia sẻ.
Phương thức, thủ đoạn tinh vi
Lực lượng chức năng tỉnh Hà Tĩnh bắt giữ pháo lậu. (Ảnh: NỤ BÙI)
Từ đầu năm đến nay, lực lượng BĐBP chủ trì, phối hợp các lực lượng chức năng đấu tranh thành công 15 chuyên án, bắt 141 vụ/168 đối tượng phạm tội về pháo; thu giữ hơn 15.200 kg pháo các loại và các tang vật liên quan. Tuy vậy, trước khi bị bắt giữ, để vận chuyển những chuyến hàng “đặc biệt” này qua biên giới, các đối tượng thường sử dụng những phương thức, thủ đoạn rất tinh vi để cất giấu pháo.
Cụ thể, pháo lậu thường được cất giấu trong thùng xe, bình xăng tự chế, téc nước dưới gầm xe, sàn xe tải. Một số ô-tô được cải tiến thành hai ngăn, hai đáy để giấu và vận chuyển pháo lậu. Trong quá trình vận chuyển pháo lậu, các đối tượng thường xuyên thay đổi xe ô-tô, dùng biển số giả, vận chuyển vào đêm khuya hoặc thuê xe taxi nhằm tránh sự chú ý của lực lượng chức năng. Một số đối tượng còn để lẫn pháo lậu vào các hàng hóa nhập khẩu, nhất là hàng nông sản hoặc lợi dụng chính sách thông thoáng trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa (luồng xanh, luồng vàng) để vận chuyển pháo lậu vào trong nước tiêu thụ. Ngoài ra, các mạng xã hội cũng là nơi được các đối tượng sử dụng triệt để giao dịch, trao đổi pháo lậu.
Thời gian hoạt động của các đối tượng rất khó xác định, không tập trung vào dịp cuối năm mà thường vận chuyển, găm hàng từ đầu năm… “Trong quá trình vận chuyển hàng cấm này, các đối tượng thường sử dụng sim rác” để liên lạc, khi bị lực lượng chức năng bắt giữ thì khóa sim, không liên lạc được gây khó khăn cho công tác điều tra. Trong trường hợp này, lực lượng chức năng chỉ xử lý được những đối tượng vận chuyển, tàng trữ pháo lậu và không xử lý được đối tượng chủ mưu, cầm đầu…”, Thượng tá Nguyễn Văn Chiêu, Trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Công an tỉnh Kon Tum chia sẻ.
Theo Phó Cục trưởng Nghiệp vụ quản lý thị trường, Tổng cục Quản lý thị trường Nguyễn Đức Lê, trong quá trình phòng chống pháo lậu, các lực lượng chức năng vẫn gặp phải một số khó khăn như: Các tuyến biên giới của Việt Nam thì dài, tiếp giáp với nhiều quốc gia, địa hình lại hiểm trở, trải dài cả trên đất liền và trên biển; phương thức, thủ đoạn cất giấu, vận chuyển pháo lậu của các đối tượng lại liên tục thay đổi và ngày càng tinh vi.
Theo Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cảnh, Cục trưởng Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh BĐBP: Để ngăn chặn hiệu quả tình trạng mua bán, vận chuyển trái phép pháo trên khu vực biên giới trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán năm 2025, Cục đã tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chương trình, kế hoạch của Chính phủ, Bộ Quốc phòng và Kế hoạch số 6023/KH-BĐBP ngày 31/10/2024 của Bộ Tư lệnh BĐBP về triển khai đợt cao điểm phòng chống các loại tội phạm. Cần phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, hải quan, cảnh sát biển trong nắm, trao đổi thông tin, triển khai các kế hoạch nghiệp vụ; xác lập, đấu tranh chuyên án chung triệt phá các đường dây, tổ chức tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép pháo.
Tích cực hợp tác với các lực lượng chức năng của các nước Lào, Campuchia, Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ biên giới, đấu tranh ngăn chặn hoạt động của các loại tội phạm, nhất là pháo nổ. Chú trọng công tác quản lý chính trị nội bộ trong đơn vị, bố trí đội ngũ cán bộ chỉ huy có phẩm chất, năng lực thực hiện công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, nhất là pháo lậu. Động viên khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc đợt cao điểm này. Bên cạnh đó, lãnh đạo các đơn vị cần kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, kỷ luật trong công tác phòng, chống tội phạm.
Nhóm phóng viên
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/xu-ly-nghiem-hanh-vi-mua-ban-van-chuyen-trai-phep-phao-lau-phao-no-post854929.html