Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan - Trưởng Đoàn giám sát phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: VPQH
Thu thuế, phí bảo vệ môi trường tăng mạnh
Báo cáo với Đoàn giám sát, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung - cho biết , Bộ Tài chính đã tham mưu ban hành và trình cấp có thẩm quyền ban hành 36 văn bản quy phạm pháp luật và cơ chế, chính sách liên quan, nhằm triển khai kịp thời Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Trong đó, Bộ hoàn thiện cơ chế, chính sách về bố trí dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) cho lĩnh vực bảo vệ môi trường theo hướng tập trung vai trò đầu mối của Bộ Nông nghiệp và Môi trường trong việc hướng dẫn Bộ, ngành, địa phương về chuyên môn, nhiệm vụ trọng tâm, đề xuất phân bổ dự toán ngân sách cho hoạt động bảo vệ môi trường.
Thứ trưởng Bộ Tài chính cũng cho biết, tổng số thu từ thuế và phí bảo vệ môi trường giai đoạn 2016-2019 đều tăng, đặc biệt tăng mạnh từ năm 2019 do điều chỉnh mức thuế. Giai đoạn 2020-2024, số thu thuế bảo vệ môi trường giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và chính sách giảm mức thuế để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Tổng số thuế, phí bảo vệ môi trường thu được giai đoạn 2022-2024 khoảng 141.118 tỷ đồng; trong đó thuế là 120.668 tỷ đồng, phí là 20.454 tỷ đồng. Mặc dù các khoản thu này hòa chung vào ngân sách nhà nước song Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã quy định mục chi riêng cho bảo vệ môi trường và bố trí tăng dần.
Trong 3 năm, 2022- 2024, dự toán chi sự nghiệp bảo vệ môi trường của ngân sách trung ương so với tổng chi NSNN hàng năm đạt lần lượt 0,096% - 0,092% và 0,084%. Đối với ngân sách địa phương, các tỷ lệ này lần lượt là 1,35% - 0,91% - 1,12%. Vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN cho các dự án bảo vệ môi trường giai đoạn 2021-2025 ước tính khoảng 20.908 tỷ đồng (trong nước 7.056 tỷ đồng, nước ngoài 13.852 tỷ đồng).
Bộ Tài chính cũng đã chủ trì xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 91/NQ-CP ngày 18/06/2024 về đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ sự nghiệp công, trong đó có lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Tính đến tháng 12/2024, cả nước có 304 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, trong có 286 khu công nghiệp đã vận hành nhà máy xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt khoảng 91,4%, đáp ứng chỉ tiêu kế hoạch Quốc hội giao. Đa số doanh nghiệp đã bố trí khu vực thu gom rác thải, ký hợp đồng vận chuyển, xử lý đối với chất thải rắn nguy hại.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung báo cáo tại cuộc làm việc. Ảnh: VPQH
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng Bộ Tài chính cũng nêu rõ, quá trình triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 vẫn bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc, chồng chéo, đặc biệt là các quy định về vấn đề môi trường mới, thiếu tính đồng bộ dẫn đến phải tiếp tục ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung.
Bộ Tài chính đề xuất với Quốc hội chỉ đạo Chính phủ rà soát các nội dung triển khai Luật Bảo vệ môi trường; trường hợp gặp khó khăn, vướng mắc, chồng chéo với pháp luật có liên quan, đề nghị Chính phủ kiến nghị hình thức sửa đổi, bổ sung pháp luật về bảo vệ môi trường cho phù hợp và đúng thẩm quyền.
Với vai trò là Bộ chủ trì tổng hợp để đề xuất phân bổ dự toán ngân sách nhà nước cho hoạt động bảo vệ môi trường, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường rà soát đảm bảo các nhiệm vụ sử dụng NSNN đúng tiêu chuẩn, định mức và phù hợp khả năng giải ngân thực tế, nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN.
Kiên quyết không bố trí vốn cho các dự án không tuân thủ pháp luật về môi trường
Tại cuộc làm việc, Đoàn giám sát đề nghị Bộ Tài chính làm rõ thêm một số nội dung như: việc phân bổ, triển khai dự toán còn chậm; dự toán hàng năm bị hủy còn nhiều, cần làm rõ nguyên nhân và đánh giá tác động của vấn đề này; đồng thời, báo cáo rõ về mức độ ưu tiên trong bố trí, sử dụng kinh phí chi cho bảo vệ môi trường so với các lĩnh vực khác và mức độ quan tâm đầu tư trở lại cho bảo vệ môi trường từ nguồn thu thuế, phí bảo vệ môi trường; xem xét bổ sung các quy định về sử dụng nguồn thu thuế, phí hiệu quả hơn cho hoạt động bảo vệ môi trường.
Các thành viên Đoàn giám sát cũng chỉ ra, hiện vẫn còn 14 khu công nghiệp đang hoạt động chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung theo quy định. Nguyên nhân vì sao và các giải pháp xử lý triệt để vấn đề này trong thời gian tới như thế nào? Đồng thời, làm rõ thêm về việc thu hút nguồn lực ngoài nhà nước cho lĩnh vực bảo vệ môi trường; việc tổ chức và phát triển thị trường carbon…
Quang cảnh cuộc làm việc. Ảnh: VPQH
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan - Trưởng Đoàn giám sát đề nghị Bộ Tài chính tập trung nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các luật về thuế, phí theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm người gây ô nhiễm phải chi trả tương xứng với mức độ gây hại, đồng thời có chính sách ưu đãi mạnh mẽ hơn cho các hoạt động đầu tư vào công nghệ sạch, tái chế, tái sử dụng và kinh tế tuần hoàn; chủ động nắm bắt, hướng dẫn, tháo gỡ các "điểm nghẽn" trong chính sách, pháp luật. Đẩy mạnh việc nghiên cứu và xây dựng khung pháp lý, cơ chế đột phá để phát triển thị trường tài chính xanh, thị trường carbon. Qua đó. huy động nguồn lực to lớn từ xã hội, từ khu vực tư nhân và quốc tế cho công tác bảo vệ môi trường, giảm áp lực cho NSNN.
Cùng với đó, thực hiện tốt việc lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Về phân bổ nguồn lực, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, cần tăng cường hiệu quả của công cụ NSNN và đầu tư công đối với công tác bảo vệ môi trường. Trong điều hành NSNN hàng năm và trung hạn, cần tiếp tục ưu tiên và nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường; bảo đảm vốn cho các chương trình, dự án môi trường trọng điểm quốc gia, đặc biệt là xử lý rác thải, nước thải, quan trắc môi trường và khắc phục ô nhiễm tại các "điểm nóng". Tăng cường cơ chế hậu kiểm, bảo đảm nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư và bố trí vốn cho các dự án đầu tư, đặc biệt là đầu tư công. Theo đó, cần kiên quyết không bố trí vốn cho các dự án không tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật về môi trường, bảo đảm các yêu cầu về môi trường được coi là tiêu chí tiên quyết trong quá trình ra quyết định đầu tư để bảo đảm phát triển bền vững.
Đồng thời, Bộ Tài chính cần tăng cường công tác phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trong việc thanh tra, kiểm tra tài chính đối với các doanh nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm cao; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về nghĩa vụ tài chính trong bảo vệ môi trường như trốn thuế, gian lận phí, thuế môi trường...
Đ. KHOA